Sáng 8/5, Đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có buổi làm việc với bến xe Giáp Bát về việc gắn thẻ thu phí không dừng cho các xe khách hoạt động trong bến.
Toàn cảnh buổi làm việc với lãnh đạo bến xe Giáp Bát và chủ doanh nghiệp vận tải trong bến.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, đến 31/12/2018, hầu hết các trạm thu giá trên tuyến Ql1 và QL14 phải hoàn thiện các trạm thu phí không dừng trên phạm vi cả nước. Nhưng cho đến bây giờ các doanh nghiệp vận tải nắm nội dung về dán thẻ thu phí không dừng còn rất hạn chế, các Bến xe đóng trên địa bàn Hà Nội, trong đó có bến xe Giáp Bát có lượng phương tiện đi lại cao, vì vậy, việc triển khai thực hiện gắn thẻ thu phí trên các phương tiện tại bến xe này sẽ giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội, chi phí nhân công, xăng dầu, thời gian lưu thông, giảm thanh toán tiền mặt, giảm tai nạn giao thông và đảm bảo cho các doanh nghiệp vận tải hoạt động thuận lợi trên các tuyến đường có trạm thu giá, việc dán thẻ hoàn toàn miễn phí để tạo điều kiện cho các chủ xe lần đầu tham gia. Sau đó, theo lộ trình sẽ thu phí khi dán lại (lần 2) là 120 nghìn đồng/xe (thời gian sử dụng của thẻ này là từ 8 - 10 năm).
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí không dừng VETC cho biết: Lâu nay, mua vé qua trạm thực hiện theo hình thức thanh toán bằng tiền mặt, mua vé tháng, vé quý bằng vé giấy. Nay vé điện tử sẽ chuyển tải toàn bộ nghiệp vụ vé giấy sang vé điện tử bao gồm vé lượt, vé tháng, vé ngày, vé quý. Đối với vé giấy các chủ xe, doanh nghiệp phải đến Trạm BOT mua trực tiếp còn đối với điện tử thì có thể mua toàn quốc mà không cần phải trực tiếp đến trạm, hiện VETC đang liên kết qua một số kênh như Momo, vietel... khách hàng có thể nộp tiền vào thẻ qua các kênh này.
Ngoài ra, mua vé qua hệ thống điện tử sẽ bớt được chi phí, không tốn thời gian của các chủ phương tiện. Trong khuôn khổ dự án, 2 triệu xe đầu tiên sẽ dán miễn phí. VETC có ngân sách hỗ trợ cho các đơn vị để tuyên truyền đến chủ phương tiện. Việc thu phí không dừng sẽ giúp kiểm soát được công tác thu phí ở các trạm BOT. Hiện VETC đang phối hợp với BOT Đồng Nai có chương trình khuyến mãi đối với những xe mua vé quý sẽ được giảm 3% đối với tất cả các doanh nghiệp.
Nhân viên VETC dán thẻ thu phí không dừng trên ô tô khách trong bến Giáp Bát.
Đại diện Doanh nghiệp vận tải Đại Phát có tuyến xe chạy từ Hà Nội – Đà Nẵng đã sử dụng vé thu giá không dừng được hơn 1 năm, cho biết, việc dùng thẻ này có rất nhiều tiện ích như: giảm thời gian cho các lái xe, các lái xe không phải dừng lại mua vé mỗi khi qua trạm tránh được việc hỏng côn, nếu thẻ hết tiền lại nộp vào rồi chạy tiếp rất dễ dàng và tiện lợi.
Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn về căn cứ làm sao để VETC biết được doanh nghiệp đã mua vé quý bởi khi thẻ hết tiền thì doanh nghiệp cứ nộp vào để qua trạm và một thẻ dung chung cho nhiều xe. Và cách thức liên lạc giữa các doanh nghiệp vận tải với VETC.
Giải đáp băn khoăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Vé điện tử về bản chất chuyển toàn bộ nghiệp vụ từ vé giấy sang, nên vé điện tử cũng có vé ngày, tháng, quý và qua điện thoại doanh nghiệp có thể đăng ký vé tháng, vé quý. Tuy nhiên, vé bán theo từng trạm, nếu doanh nghiệp mua vé giấy tháng ở trạm nào thì đăng ký trên vé điện tử luôn, giá vé tháng, vé quý do BOT quyết định. Ông Hà cho biết nếu doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký vé tháng thì VETC sẽ cử người hướng dẫn.
Mục đích của thu phí không dừng là minh bạch hóa các khoản thu BOT, Tổng cục đường bộ Việt Nam sẽ theo dõi việc thu phí không dừng trên toàn hệ thống; Rút ngắn thời gian BOT vì thu đúng, thu đủ. Về thủ tục đăng ký, chỉ cần các chủ doanh nghiệp ký đóng dấu vào thỏa thuận giữa 2 bên, còn cá nhân dùng chứng minh nhân dân, đăng ký, đăng kiểm xe để làm thủ tục. Thẻ sẽ lưu hành trên toàn quốc với các điểm có trạm thu giá không dừng. Nhiều xe có thể chung 1 tài khoản, giúp việc quản lý đơn giản, nhân viên trạm không phải ngồi đếm vé thu phí nữa.
N.T