Thời gian gần đây, lĩnh vực vận tải biển tuyến nội địa xảy ra một số sự cố đáng tiếc.
Lực lượng chức năng Cảng vụ TP HCM kiểm tra giấy tờ, bằng cấp thuyền viên
Kiểm tra phát hiện nhiều khiếm khuyết của tàu biển
Cảng vụ Hàng hải TP HCM vừa kiểm tra và phát hiện hàng loạt khiếm khuyết tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn của các tàu biển hoạt động tuyến nội địa và phương tiện thủy mang cấp VR-SB; đồng thời kiên quyết từ chối cấp phép rời cảng đối với các phương tiện vi phạm.
Cục Hàng hải VN cho biết, thời gian gần đây, lĩnh vực vận tải biển tuyến nội địa xảy ra một số sự cố đáng tiếc. Trong đó, có thể kể tới một số trường hợp tàu biển đâm va với phương tiện thủy mang cấp VR-SB và tàu cá khi đang hành trình trên biển. Có trường hợp tàu biển tự chìm ngay trong điều kiện thời tiết bình thường. Hậu quả của những vụ việc trên gây tổn thất lớn về người và tài sản. Nguyên nhân là do tình trạng kỹ thuật của tàu biển chưa thỏa mãn yêu cầu, công tác cảnh giới và điều động tránh va của thuyền viên không phù hợp dẫn đến tai nạn đáng tiếc.
"Với các khiếm khuyết nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến ATHH hải của tàu thuyền, cảng vụ kiên quyết yêu cầu chủ tàu và thuyền trưởng khắc phục triệt để trước khi rời cảng. Nhờ đó, trong tháng kiểm tra, tại vùng nước cảng biển TP HCM không xảy ra vụ tai nạn hàng hải nào liên quan đến các tàu biển nội địa và phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB sau khi được cảng vụ cấp phép rời cảng”.
Ông Phạm Văn Bính, Q.Trưởng phòng An toàn (Cảng vụ Hàng hải TP HCM) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Cục Hàng hải VN, trong thời gian từ 1/9 - 1/10, cảng vụ đã phối hợp với Chi cục Đăng kiểm số 6 triển khai công tác kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn hàng hải (ATHH) đối với tàu thuyền hoạt động tuyến nội địa.
Cụ thể, Cảng vụ TP HCM kiểm tra 29 tàu biển hoạt động tuyến nội địa, phát hiện 89 khiếm khuyết; Kiểm tra 12 phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB, phát hiện tổng số 24 khiếm khuyết. Trong đó, một số khiếm khuyết tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trên biển như: Radar tình trạng bắt mục tiêu kém, thiết bị thông tin liên lạc MF/HF và VHF hoạt động không ổn định, hải đồ không được cập nhật tu chỉnh theo các thông báo hàng hải mới nhất, la bàn từ có độ lệch lớn, đèn hành trình, đèn tín hiệu ban ngày hoạt động chập chờn.
Trong thời gian trên, lực lượng thực thi công vụ cũng phát hiện một phương tiện mang cấp VR-SB bố trí thiếu định biên và 2 tàu biển nội địa chở hàng hóa quá tải trọng cho phép. Cảng vụ đã xử phạt vi phạm hành chính hai thuyền trưởng có hành vi chở hàng quá tải trọng và lập biên bản vi phạm hành chính chủ phương tiện có hành vi bố trí thiếu định biên an toàn tối thiểu, trình UBND TP HCM xử phạt tổng số tiền 65 triệu đồng.
Kiên quyết từ chối cấp phép rời cảng
Ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP HCM cho biết, nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, ý thức tuân thủ và sự chấp hành của người đi biển, trong quá trình kiểm tra, bộ phận chức năng của cảng vụ cũng đã kết hợp tuyên truyền rộng rãi tới tất cả các chủ tàu, thuyền viên tàu biển nội địa và phương tiện thủy nội địa cấp VR-SB nội dung Thông tư số 19/2013 của Bộ GTVT về áp dụng quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển.
“Cùng với việc tăng cường công tác phổ biến tuyên truyền các quy định liên quan đến ATHH và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, các quy định về tránh va trên biển cho thuyền viên các tàu, thuyền hoạt động tuyến nội địa, thời gian tới, Cảng vụ Hàng hải TP HCM sẽ tiếp tục kiểm tra thường xuyên định biên an toàn và tải trọng hàng hóa chất xếp trước khi tàu rời cảng”, ông Nam nói và cho biết, đối với những trường hợp tàu, thuyền không đảm bảo các yếu tố quy định như: Bố trí thiếu định biên, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền viên không phù hợp, tàu chở hàng quá tải hoặc có khiếm khuyết nghiêm trọng khác, cảng vụ sẽ kiên quyết không cấp phép rời cảng.
Cũng theo ông Nam, để ngăn chặn những sự cố ngoài ý muốn có thể xảy ra đối với tàu, thuyền tuyến nội địa trong quá trình vận hành, hoạt động trên biển, cảng vụ TP HCM cũng sẽ đề xuất Cục Hàng hải VN kiến nghị cơ quan đăng kiểm nâng cao chất lượng các đợt kiểm tra định kỳ, đặc biệt là kiểm tra hoạt động của các trang thiết bị hàng hải trước khi cấp giấy chứng nhận cho tàu, thuyền đảm bảo trước khi xuất bến, các phương tiện đều đáp ứng được cả yêu cầu về kĩ thuật và chuyên môn.