Những năm qua, ngành Hàng hải đã có nhiều đổi mới, từ thể chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải, kết nối các phương thức vận tải… Đó là những yếu tố hỗ trợ đắc lực cho hoạt động giao thương, đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Tạo điều kiện tốt nhất cho đại lý, chủ tàu, doanh nghiệp vận tải biển
Thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ và Bộ GTVT, theo ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, đến nay Cục đã tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC. Cục đã thành lập và đưa vào hoạt động bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, nâng cấp phần mềm quản lý văn bản về kết nối với trục liên thông văn bản của Bộ GTVT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đại lý, chủ tàu, doanh nghiệp vận tải biển trong việc thực hiện hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thời gian qua, ngành Hàng hải đã đầu tư xây dựng các tuyến luồng hàng hải công cộng, các khu neo đậu tàu, hệ thống báo hiệu hàng hải, hệ thống trợ giúp hàng hải (đài thông tin duyên hải, VTS, LRIT) theo tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống các công trình bảo vệ luồng tàu (đê chắn sóng, đê chắn cát, kè bảo vệ bờ). Hiện cả nước có 46 tuyến luồng hàng hải công cộng với tổng chiều dài 1.105 km, 33 luồng hàng hải chuyên dùng, 12 tuyến đê, kè với chiều dài trên 34,2 km, 94 đèn biển, 32 đài thông tin duyên hải trải dài trên cả nước phục vụ cung cấp thông tin an toàn, an ninh hàng hải và xử lý các tình huống khẩn cấp trên biển. Ngoài ra, một loạt các hệ thống VTS đã được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác tại Hải Phòng, Sài Gòn - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quy Nhơn... đã hỗ trợ công tác giám sát, quản lý hoạt động hàng hải trong vùng nước cảng biển.
Kết cấu hạ tầng hàng hải không ngừng phát triển và từng bước hiện đại hóa. Đến nay, số bến cảng được nâng lên 286 bến, gần 83 km chiều dài cầu cảng (tăng 40%) so với những năm 2015, tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại. Ngoài ra, hệ thống các khu neo đậu, bến phao, các khu neo chờ, chuyển tải, tránh trú bão cũng được xây dựng để hình thành hệ thống cảng biển hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu neo đậu, xếp dỡ hàng hóa được nhanh chóng và thuận tiện. Trong số các bến cảng trên, có 4 bến cảng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước mang tính khởi động, vốn mồi: Bến cảng Cái Lân với bến 5, 6, 7; bến cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), bến cảng container ODA Cái Mép, bến cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải. Các bến cảng này được đầu tư đồng bộ cả về cầu cảng, luồng tàu, công trình bảo vệ, tạo tiền đề để các thành phần kinh tế khác tiếp tục đầu tư phát triển các bến cảng tiếp theo, góp phần hình thành các cảng biển cửa ngõ quốc tế và quốc gia. Các tuyến luồng hàng hải công cộng và chuyên dùng, các bến cảng, bến phao, khu neo đậu và hệ thống phụ trợ giúp hành hải đã hình thành nên một hệ thống 6 nhóm cảng biển đồng bộ hiện đại từ Bắc đến Nam, có khả năng tiếp nhận các tàu biển lớn đi châu Âu, châu Mỹ, đáp ứng 100% nhu cầu xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu và hàng hóa nội địa.
“Một trong những “điểm sáng” của ngành Hàng hải thời gian qua là tốc độ tăng trưởng bình quân hàng hóa thông qua cảng biển giai đoạn 2015 - 2020 từ 12 - 16%/năm. Sản lượng vận tải của đội tàu Việt Nam cũng không ngừng gia tăng. Từ năm 2015 đến tháng 4/2020, đội tàu biển Việt Nam đã đảm nhận hầu hết lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, gần 10% hàng hóa xuất nhập khẩu, đạt 720 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/năm. Đây là thành quả trên cơ sở đầu tư hệ thống hạ tầng hàng hải, cải cách TTHC...”, ông Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh.
Tính đến tháng 5/2020, đội tàu biển Việt Nam với tổng số 1.503 tàu, tổng dung tích khoảng 5 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 7,9 triệu DWT. Đội tàu Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng, cơ cấu và năng lực vận tải. Năm 2019, Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAB) đã xếp đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 29 trên thế giới.
Hiện cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics, chủ yếu là doanh nghiệp kinh doanh ở cấp độ 1 và 2, hoạt động trong cả 5 lĩnh vực vận tải, trong đó có khoảng 1.300 doanh nghiệp tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ hàng hải. Cả nước hiện nay có 8 trung tâm logistics và 21 ICD đã đi vào hoạt động, phần lớn các trung tâm logistics và ICD đều ở vị trí thuận lợi nên đã hỗ trợ khá hiệu quả cho hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cảng biển. Năm 2018, Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng chỉ số hoạt động logistics (LPI) là 39/160, tăng 25 bậc so với năm 2016.
Đáng chú ý, sau 14 năm nằm trong danh sách đen, từ ngày 01/01/2015, đội tàu biển Việt Nam đã vào thẳng “danh sách trắng” của Tokyo MOU và duy trì đến nay, được Tokyo MOU đánh giá cao trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc gia tàu mang cờ, nâng cao uy tín đội tàu biển quốc gia.
Hợp tác quốc tế là điểm nhấn quan trọng của ngành Hàng hải khi triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế và IMO nhằm nâng cao vị thế về hàng hải của Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực. Theo tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới và Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thời gian qua, hàng loạt thỏa thuận đã được ký kết như: Hiệp định Vận tải biển song phương với Brazil; thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên với các quốc gia Đan Mạch, Thái Lan, Croatia, Na Uy và Quần đảo Cook; triển khai các hoạt động hợp tác hàng hải song phương với Lào, Nhật Bản, Bỉ, Hoa Kỳ và Na Uy; tham gia và triển khai đầy đủ nghĩa vụ của quốc gia trong hợp tác giao thông hàng hải với ASEAN, APEC, IMO, COSPAS-SARSAT, Tokyo MOU...
Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam còn tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến thông tri, nghị quyết của IMO; tham gia tích cực vào các đoàn đàm phám mở cửa thị trường đối với dịch vụ vận tải biển và logistics trong khuôn khổ đàm phán gia nhập các hiệp định thương mại tự do; chủ động tích cực tham gia Nhóm 3 bên về đàm phán tuyến vận tải ven biển Việt Nam - Campuchia - Thái Lan nhằm phát triển và kết nối hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa 3 quốc gia...
Gỡ “điểm nghẽn” để vươn khơi
Để hàng hải khơi thông luồng hàng, bứt phá, cạnh tranh và hội nhập, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu về biển, mạnh từ biển, ông Nguyễn Xuân Sang cho biết, thời gian qua Cục Hàng hải Việt Nam đã nghiên cứu và xây dựng Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu quy hoạch, xây dựng, tổ chức khai thác đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng gắn với các dịch vụ hỗ trợ, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông kết nối liên thông giữa cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế.
Đồng thời, Cục đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển cảng biển tại Việt Nam, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong đầu tư khai thác cảng biển, đồng bộ giữa phát triển hạ tầng cảng biển và hạ tầng giao thông kết nối.
Bên cạnh đó, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hàng hải; đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính tại cảng biển. Cục tiếp tục xây dựng, điều hành, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách bằng tàu biển trên tuyến từ bờ ra đảo và tuyến ven biển Việt Nam - Campuchia - Thái Lan, vận tải đa phương thức, vận tải hàng hóa khối lượng lớn trên các hành lang chính phù hợp với thực tiễn phát triển; khuyến khích, tạo thuận lợi các doanh nghiệp dịch vụ logistics, các doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển lớn chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường bộ để cung cấp các dịch vụ vận tải đa phương thức và các dịch vụ logistics trọn gói; nâng cao năng lực của các doanh nghiệp đường sắt, đường thủy nội địa trong việc đầu tư phương tiện và cung cấp các dịch vụ vận tải, kho bãi, giao nhận container.