Thu hút hãng tàu container quốc tế đến với Cảng Nghi Sơn: Khi chính sách đi vào thực tiễn

Thứ hai, 24/05/2021 13:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Với sự phát triển hạ tầng cảng biển từng được Bộ GTVT đánh giá là nhanh nhất tại Việt Nam giai đoạn gần đây, Cảng Nghi Sơn có khá đầy đủ các điều kiện để thu hút các hãng tàu quốc tế. Sớm thấy được tiềm năng to lớn ấy, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các chính sách ưu đãi để thu hút và tạo điều kiện để thu hút hãng tàu container quốc tế đến với Cảng Nghi Sơn.

Hạ tầng Cảng Nghi Sơn ngày càng được đầu tư đồng bộ,
hiện đại, có thể đón tàu hàng tải trọng lớn của thế giới

Cảng nước sâu Nghi Sơn được quy hoạch lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ và có tiềm năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn nhất tại Việt Nam. Theo điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống cảng biển Nghi Sơn có tổng 64 bến; trong đó, có 12 bến container, 20 bến tổng hợp, còn lại là các bến chuyên dụng. Đến nay, Cảng Nghi Sơn đã có 21 bến đi vào hoạt động.

Trong số đó, hiện đại bậc nhất là 4 cầu cảng tổng hợp quốc tế của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn, có thể tiếp nhận và cung cấp dịch vụ cho các tàu container có sức chở đến 3.500 TEU, tương đương trọng tải 30.000 đến 40.000 DWT. Ngoài ra, 2 cầu cảng tổng hợp và khu hậu cần cảng của Công ty CP Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa với khả năng tiếp nhận tàu đến 70.000 DWT. 3 cầu cảng tổng hợp khác của Công ty CP Đầu tư khoáng sản Đại Dương có khả năng tiếp nhận tàu chở hàng tổng hợp đến 60.000 DWT. Với các điều kiện hiện tại về cơ sở kỹ thuật, Cảng Nghi Sơn có thể đáp ứng được nhu cầu xếp dỡ, vận chuyển container qua cảng với sản lượng lên tới 5.000 TEU/tháng, tương đương 60.000 TEU mỗi năm.

Sau nhiều năm xúc tiến mời gọi từ phía chính quyền tỉnh Thanh Hóa cũng như Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, năm 2018 và đầu năm 2019, đã có một số hãng tàu đến làm việc, tìm hiểu để hợp tác mở tuyến container đến với Cảng Nghi Sơn. Tuy nhiên, khi phía các đối tác quốc tế còn băn khoăn một số dịch vụ liên quan cũng như các điều kiện làm tăng giá thành các chuyến tàu, thì tỉnh Thanh Hóa đã có ngay những chính sách hỗ trợ để thu hút. Ngày 4/4/2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 166/2019/NQ-HĐND về việc “Thực hiện chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua Cảng Nghi Sơn Thanh Hóa”.

Ngay sau đó, từ tháng 5/2019, Tập đoàn CMA – CMG (Cộng hòa Pháp) – tập đoàn lớn thứ 3 thế giới hiện nay về vận chuyển container quốc tế, đã quyết định mở hoạt động logistics đến Nghi Sơn. Tập đoàn đã đưa các chuyến tàu container đến với Cảng Nghi Sơn trong hải trình: Hồng Kông – Nansha – Hải Phòng – Nghi Sơn – Trạm Giang – Hồng Kông. Hàng hóa từ Nghi Sơn sẽ trung chuyển đến các cảng lớn nói trên, sau đó được tiếp tục vận tải đi nhiều nước trên thế giới. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng cho phát triển hệ thống Cảng Nghi Sơn, trở thành dấu mốc đưa cảng nước sâu này từ một cảng nội địa thành cảng biển có tính chất quốc tế.

Do là tuyến container quốc tế mới được khai thác nên giai đoạn đầu, chưa có nhiều doanh nghiệp của tỉnh cũng như các tỉnh lân cận xuất – nhập khẩu hàng hóa qua đây, gây khó khăn cho hãng tàu, nhất là các khâu dịch vụ liên quan còn sơ khai, giá cao. Để đồng hành cùng hãng tàu của Tập đoàn CMA – CMG và kêu gọi các hãng tàu hàng quốc tế khác đến với Nghi Sơn, ngay sau đó, chính sách hỗ trợ trên đã được áp dụng, với mức hỗ trợ 200 triệu đồng/chuyến tàu container đến Cảng Nghi Sơn để bốc xếp hàng hóa. Từ đó, hằng tháng đều có các chuyến tàu container quốc tế đến làm thủ tục xuất – nhập hàng hóa qua cảng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng thuế xuất – nhập khẩu mỗi chuyến.

Từ cuối năm 2019 và năm 2020, tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên thế giới, gây bất lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và giao thương hàng hóa quốc tế. Khi ấy, một số chuyến tàu đến Cảng Nghi Sơn không đủ hàng khiến hãng tàu ít mặn mà. Cộng với một số hạn chế khác trong các khâu dịch vụ, tỉnh Thanh Hóa đã cầu thị, lắng nghe ý kiến và chia sẻ những khó khăn với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa qua đây. Ngày 17/9/2020, UBND tỉnh tổ chức hội nghị mời các ngành, cơ quan liên quan, các doanh nghiệp thường xuyên xuất nhập khẩu để thảo luận, bàn bạc. Nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn nói lên những khó khăn, trong đó có những khâu dịch vụ liên quan còn thiếu và yếu.

Trên tinh thần ấy, UBND tỉnh giao Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh tiến hành khảo sát cụ thể từng vấn đề liên quan, đưa ra những thông tin và dự báo chính xác nhất về tình hình phát triển cảng biển tại Nghi Sơn. Những yêu cầu về đổi mới, những giải pháp khắc phục đã được UBND tỉnh kiến nghị đến HĐND tỉnh. Theo đó, khâu dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng container từ các doanh nghiệp đến Cảng Nghi Sơn chủ yếu mới chỉ có 3 doanh nghiệp đảm nhiệm.

Hơn nữa, trong tỉnh chưa đa dạng về chủng loại container, chưa có các loại container chuyên dụng để vận chuyển những loại hàng hóa đặc thù như container bồn, container hở trên, container lạnh, container hở 3 mặt... nên chưa đáp ứng được tính đa dạng của hàng hóa. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp chọn các cảng biển khác ở miền Bắc nên hãng tàu container đến Nghi Sơn có nhiều chuyến vẫn thiếu hàng.

Ngay sau đó, UBND tỉnh đã có tờ trình về cơ chế hỗ trợ, đưa ra bàn bạc và thống nhất tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2020. Chỉ hơn 1 tuần sau, tại Kỳ họp thứ 14, khóa XVII, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã quyết nghị thông qua chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức nhằm khuyến khích khâu dịch vụ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container đến Nghi Sơn nhằm đẩy mạnh xuất - nhập khẩu qua cảng biển này. Theo đó, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn bằng container và mở tờ khai tại Cục Hải quan Thanh Hóa sẽ được hỗ trợ khâu vận chuyển 700.000 đồng/container hàng hóa loại 20 feet và 1.000.000 đồng/container hàng hóa loại 40 feet trở lên.

Chính sách hỗ trợ này có hiệu lực từ đầu năm 2021 đến hết năm 2025, với hy vọng bù đắp những chi phí cao hơn mà các doanh nghiệp hiện phải chịu khi xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn. Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp chọn Cảng Nghi Sơn để xuất nhập khẩu hàng hóa, tất yếu khâu vận chuyển container trên đất liền sẽ phát triển theo quy luận cung – cầu. Điều này sẽ dẫn đến có nhiều doanh nghiệp cạnh tranh, giá dịch vụ vận chuyển khâu trên bộ sẽ phong phú hơn, hạn chế được tình trạng ép giá, độc quyền có dấu hiệu manh nha.

Theo tính toán của Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh, ước tính đến năm 2022, nếu Cảng Nghi Sơn thu hút được lượng hàng hóa khoảng từ 45.000 đến 55.000 container/năm, thì ngân sách tỉnh phải hỗ trợ khoảng 27 tỷ đồng mỗi năm. Đổi lại, với lượng hàng hóa ấy qua cảng, sẽ thu về ngân sách Nhà nước khoảng từ 1.300 đến 1.800 tỷ đồng/năm từ nguồn thuế xuất nhập khẩu – lớn gấp hàng trăm lần tiền tỉnh bỏ ra thực hiện chính sách hỗ trợ. Khi hệ thống Cảng Nghi Sơn phát triển sôi động, đạt được công suất như các dự báo, sẽ tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động, trong đó có 500 lao động chất lượng cao.

Những chính sách hỗ trợ được ban hành kịp thời, thể hiện sự cầu thị, lắng nghe nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế. Tất cả vì sự phát triển lớn mạnh của hệ thống cảng biển Nghi Sơn, Khu Kinh tế Nghi Sơn cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng đề ra mục tiêu xây dựng, phát triển Cảng Nghi Sơn trở thành cảng loại 1A, trong đó có cảng container chuyên dụng ngang tầm khu vực. Những bước đi của mục tiêu ấy đang dần trở thành hiện thực nhờ chính sách khuyến khích, thu hút các hãng tàu container của tỉnh đang đi vào thực tiễn.

kieuanh

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)