Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo quy hoạch này, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) sẽ là 1 trong 2 cảng biển đặc biệt của cả nước. Đây là tiền đề để CM-TV phát huy tiềm năng, lợi thế, sớm trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Tàu trọng tải 18.000 TEUs cập cảng CMIT,
một trong những cảng đón được tàu trên 200 ngàn tấn.
Tần suất tàu đi Mỹ cao nhất Đông Nam Á
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) cho biết, năm 2013, CM-TV chỉ có 8 tuyến tàu mẹ, đến nay đã tăng lên gấp 4 lần với 32 tuyến. Cụm cảng này trở thành khu vực có tần suất tuyến tàu mẹ đi Mỹ cao nhất ở Đông Nam Á và mức cao tại châu Á.
“Khi Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, việc ngoại thương với Mỹ rất quan trọng. Dù đối mặt những khó khăn như thiếu container rỗng, cước cao… nhưng các hãng tàu vẫn chọn Việt Nam nói chung và CM-TV nói riêng, bằng cách đưa thêm các tuyến tàu mới vào và đưa container về. Điều này cho thấy họ đánh giá cao vai trò của CM-TV trong hệ thống cảng biển”, ông Nguyễn Xuân Kỳ thông tin thêm.
Các tuyến đi Bờ Đông nước Mỹ được tăng cường đã giúp giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn ở các cảng thuộc Bờ Tây nước Mỹ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 - vốn đã diễn ra từ cuối năm 2020 và trong vòng vài tháng tới vẫn khó khắc phục được. Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh Cảng Quốc tế Tân Cảng Cái Mép (TCIT) dự báo, những năm tới, nhiều hãng tàu sẽ triển khai thêm các tuyến dịch vụ mới ở CM-TV. TCIT kỳ vọng sẽ tiếp tục đón thêm tuyến dịch vụ để góp phần xây dựng cụm cảng nước sâu CM-TV không chỉ là điểm đến tin cậy với hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam mà còn trở thành cảng trung chuyển của các nước trong khu vực.
Ông Abraham Elias, Tổng Giám đốc Hãng tàu Zim cũng thông tin, hãng đã đưa tàu ALS APOLLO khai thác tuyến dịch vụ USWC tại cảng TCTT. Ông Abraham Elias cho rằng, với vị thế là 1 trong 21 khu cảng trên thế giới có thể đón được tàu 200 ngàn tấn, nhiều hãng tàu muốn đưa tàu vào cụm cảng CM-TV. “Việc các hãng tàu đồng loạt mở thêm các tuyến mới vào Việt Nam, cụ thể là vào CM-TV giúp duy trì sự sôi động trong hoạt động khai thác của các cảng ở khu vực này, cũng như vẽ ra viễn cảnh tươi sáng cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 và những năm tới”, ông Abraham Elias nhận định.
Việc cụm cảng CM-TV sớm trở thành cảng trung chuyển quốc tế
sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong ảnh: Chế biến hải sản xuất khẩu tại Baseafood.
Cần cơ chế đặc biệt cho CM-TV
Trên thế giới có 3 liên minh hãng tàu lớn đang hoạt động là 2M, Ocean Alliance và The Alliance. CM-TV là một trong những cảng lớn mà cả 3 liên minh trên đều có tuyến dịch vụ. Cùng đó, từ năm 2020 đến nay, những tuyến dịch vụ có hành trình dài ngày đặc biệt là tuyến Á - Âu đều do những siêu tàu vận chuyển. Nhờ khả năng tiếp nhận tàu cỡ lớn mà các cảng ở CM-TV có thể đón được những tàu có sức chở từ 14.000 TEUs, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến các cảng châu Âu chỉ còn từ 17-25 ngày, giảm 5-7 ngày so với trước. Việc giảm thời gian vận chuyển không chỉ giúp các DN xuất nhập khẩu tiết kiệm thời gian, mà còn giảm được từ 150-250 USD/container chi phí khi không phải trung chuyển hàng hóa sang các cảng trung chuyển trong khu vực như trước. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, với những lý do khách quan, sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, cụm cảng CM-TV vẫn chưa đạt mục tiêu trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Theo Quyết định 1579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, CM-TV đã được phê duyệt là 1 trong 2 cảng đặc biệt (cùng với Cảng Hải Phòng) trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Với việc trở thành nhóm cảng biển đặc biệt, các dự án kết cấu hạ tầng hàng hải sẽ được ưu tiên đầu tư, gồm: đầu tư nâng cấp tuyến luồng CM-TV phục vụ tàu đến 200 ngàn tấn (18 ngàn TEUs); Hệ thống giao thông kết nối sau cảng và các cơ chế chính sách khác như: giảm phí, lệ phí hàng hải; nâng giá dịch vụ cảng biển…
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, CM-TV là cụm cảng được kỳ vọng rất lớn với cơ hội rộng mở khi hàng loạt dự án đường cao tốc đang được xem xét triển khai như: Biên Hòa - Vũng Tàu; đường vành đai 3, 4 TP. Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành qua Bình Dương, Bình Phước, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Những dự án giao thông kết nối sau cảng trên chính là “lực đẩy” để CM-TV phát huy tiềm năng, thế mạnh để trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Các chuyên gia cảng biển nhận định, dù được quy hoạch với vai trò, vị thế quan trọng cũng như mức tăng trưởng tốt, song CM-TV chưa có cơ chế đặc biệt để phát triển và đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư, khách hàng. Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA) cho rằng, để CM-TV trở thành một trong những cụm cảng trọng điểm quốc gia xứng tầm thế giới, Bộ GT-VT cần xem xét, quy hoạch lại tuyến bến cho một số cảng tại CM-TV như Gemalink, Cái Mép Hạ, cảng trung tâm logistics là những cảng đang xây dựng hoặc sẽ xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai đến 2050 nhằm tận dụng tối đa mặt nước, chiều sâu tự nhiên của cảng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án thành lập Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung và địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung để giải phóng hàng hóa nhanh chóng ra khỏi cảng xếp dỡ/trung chuyển, nhằm tăng khả năng tiếp nhận hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp tại Cảng TCIT.
Ngoài ra, cần có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các depot container (bãi tập kết container), bãi tập kết hàng hóa, phương tiện để tránh tình trạng container hàng thì giao nhận tại CM-TV, container rỗng thì giao nhận tại khu vực TP. Hồ Chí Minh như hiện nay. Đồng thời, sớm nghiên cứu triển khai mô hình khu phi thuế quan. Đây là cơ sở bền vững để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh khai thác cảng nói riêng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương nói chung.