Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với sông nước chằng chịt, tạo lợi thế phát triển đường thủy và hàng hải. Nhưng do phù sa bồi lắng hàng năm nên các luồng lạch và cửa sông bị thu hẹp dòng chảy. Như sông Hậu chỉ có thể đón tàu trọng tải đến 5.000 tấn ra vào do nước nông, ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa cho cả vùng. Để khắc phục tình trạng này, các cấp, ngành và các địa phương đang nỗ lực khơi thông đường thủy ra biển.
Vận tải hàng hóa đường thủy là hướng lưu thông hiệu quả cho nông sản
tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: QUỐC DŨNG
Hoàn thiện luồng cho tàu lớn ra biển
Ngày 28/12/2021 vừa qua, Ban Quản lý dự án hàng hải (Bộ Giao thông vận tải) cùng UBND tỉnh Trà Vinh đã triển khai thi công dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2), với kinh phí 2.596 tỷ đồng. Dự án bao gồm: Xây dựng công trình bảo vệ bờ kênh Quan Chánh Bố và tại ngã ba kênh Quan Chánh Bố, tổng chiều dài các đoạn kè bảo vệ bờ 18,6 km; và xây dựng tuyến đường bộ dọc bờ Nam kênh Tắt với tổng chiều dài 4,76 km.
Dự án hoàn thành sẽ hình thành luồng tàu biển có độ sâu cho tàu biển trọng tải 10 nghìn DWT đầy tải và tàu 20 nghìn DWT giảm tải ra vào các cảng trên sông Hậu. Bên cạnh đó, sẽ là động lực lớn, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhận định, đây là dự án được nhiều tỉnh vùng ĐBSCL mong đợi. Sông Tiền có sáu cửa đổ ra biển, sông Hậu có ba cửa. Tuy nhiên, theo Viện Địa chất (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), do cống ngăn mặn và phù sa bồi lắng, nên cửa Ba Lai (sông Tiền) và cửa Bát Sắc trên sông Hậu đã bị “bịt kín”. Tại các cửa sông còn lại của sông Tiền, phù sa bồi lắng khiến mực nước nông, tàu lớn không qua lại được. Riêng còn cửa Định An và Trần Đề trên sông Hậu là có luồng đủ độ sâu cho tàu 3.000-5.000 tấn ra vào, tùy theo con nước.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án hàng hải Nghiêm Phú Nguyên, năm 2009, Bộ đã mở luồng mới ra biển cho sông Hậu. Theo đó, luồng vận tải thủy trên sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố. Đến địa phận xã Đông Hải (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), Bộ cho đào một con kênh mới có tên là kênh Tắt thông ra Biển Đông.
Giai đoạn 1 của dự án đã mở rộng 19,2 km kênh Quan Chánh Bố và đào thông kênh Tắt dài hơn 8,3 km, đưa hệ thống vào hoạt động từ năm 2017, với tổng kinh phí 5.298 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác sử dụng, có xảy ra hiện tượng sạt lở bờ kênh Quan Chánh Bố, do chưa được bố trí nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống kè bảo vệ.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết thêm, từ năm 2016 đến nay, dự án luồng tàu sông Hậu đã thật sự phát huy tác dụng và hình thành nhiều tuyến hàng hải trực tiếp từ các cảng thượng nguồn của sông Hậu để vận tải hàng hóa đi và đến khu vực ĐBSCL; góp phần phát triển kinh tế-xã hội của khu vực. Tuy nhiên, trước tình trạng bồi lắng và sạt lở trên tuyến cũng như tắc ở một số đoạn thì việc đầu tư hoàn thiện dự án luồng tàu biển vào sông Hậu giai đoạn 2 là rất cần thiết để phát huy hiệu quả tổng thể, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng hàng hóa thông qua hằng năm.
Cùng quyết tâm mở luồng, cũng trong tháng 12/2021, Bộ Giao thông vận tải phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang khởi công dự án đầu tư nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2), thi công đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành, với tổng mức đầu tư hơn 1.335 tỷ đồng. Dự án bao gồm nạo vét mở rộng luồng đường thủy gần 10 km, xây dựng công trình bảo vệ bờ Nam kênh Chợ Gạo, cầu và đường dân sinh đi qua địa bàn các xã bờ phía nam như Bình Phục Nhứt, Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo. Sau khi cải tạo sẽ giúp tàu thuyền lưu thông thuận lợi hơn. Kênh Chợ Gạo dài hơn 28 km, nối liền từ Rạch Lá đến rạch Kỳ Hôn kết nối giữa sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Mỗi ngày đêm, tuyến kênh này có hơn 2.000 phương tiện thủy có trọng tải lớn chở hàng hóa qua lại.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng, tuyến kênh Chợ Gạo là một trong những tuyến đường thủy huyết mạch, cầu nối quan trọng vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Dự án có ý nghĩa rất lớn cho phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và cả khu vực ĐBSCL.
TS Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Khoa học công nghệ Giao thông vận tải phía nam cho rằng, giao thông thủy rất phù hợp vùng ĐBSCL, giúp chuyển hàng hóa quốc tế với chi phí thấp, phù hợp nền kinh tế có độ mở cao của Việt Nam. Do đó, việc quy hoạch và xây dựng các tuyến đường thủy, mở rộng và nạo vét luồng lạch sẽ khơi thông hàng hóa ra biển, góp phần phát triển chung cho toàn vùng.
Cần gỡ nút thắt cho phát triển hạ tầng đường thủy tại đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: QUỐC DŨNG
Nâng tầm đường và cảng thủy nội địa
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, khi ĐBSCL được khơi thông đường ra biển, vận tải thủy của toàn vùng sẽ có cơ hội mới phát triển nhanh và mạnh hơn. Tàu hàng cỡ lớn (20.000 DWT giảm tải) sẽ vào sâu đến các cảng nội địa. Song cần có sự phát triển đồng bộ bởi ĐBSCL dù có tới 57 cảng thủy nội địa và gần 4.000 bến thủy nội địa, nhưng hơn 85% trong số này phân tán, manh mún, phần lớn chỉ có công suất xếp dỡ dưới 10 nghìn tấn/năm; chưa có bến gom hàng cho các cảng thủy nội địa lớn trong vùng.
Theo Quy hoạch quốc gia về giao thông vận tải thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ nay đến năm 2030, Bộ Giao thông vận tải sẽ ưu tiên đầu tư bảy dự án giao thông đường thủy nội địa, cảng logistics khu vực ĐBSCL để khai thông tuyến đường thủy-hàng hải khu vực này. Cụ thể, Bộ sẽ đầu tư khu bến cảng Trần Đề-Sóc Trăng (50 nghìn tỷ đồng); nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo, giai đoạn 2 (1.500 tỷ đồng); phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía nam (5.700 tỷ đồng); nâng cao tĩnh không các tuyến đường thủy nội địa quốc gia (1.200 tỷ đồng). Ba dự án còn lại thuộc các dự án nâng cấp tuyến đường thủy nội địa. Các dự án này gồm: Kênh Mương Khai-Đốc Phủ Hiền, tuyến giao thông quan trọng nối sông Tiền và sông Hậu thuộc tỉnh Đồng Tháp, với 2.276 tỷ đồng; sông Hàm Luông tỉnh Bến Tre, với 877 tỷ đồng; tuyến luồng Hà Tiên-Rạch Giá-Cà Mau, với 1.800 tỷ đồng.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, theo thống kê, tổng nhu cầu vận chuyển các mặt hàng gạo, thủy sản và trái cây xuất khẩu trong khu vực ĐBSCL là khoảng 17-18 triệu tấn/năm, nhưng 70% lượng hàng này vẫn phải vận chuyển bằng đường bộ đến các cảng ở Đông Nam Bộ với chi phí khá cao. Nếu có hạ tầng logistics đường thủy phù hợp, tàu container cỡ lớn có thể “ăn hàng” tại các cảng lớn trong vùng và đưa hàng đến thẳng các thị trường ở Đông Nam Á và Đông Á, từ đó tỏa đi toàn thế giới với mức giá cạnh tranh hơn.
Nói rõ hơn về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Cảng Cần Thơ Lâm Tiến Dũng cho biết, cảng Cái Cui hiện có công suất thiết kế khoảng 4,5 triệu tấn/năm. Thế nhưng, những năm gần đây, cảng chỉ khai thác mức cao nhất khoảng 60-70% công suất (hơn 2 triệu tấn/năm). Nguyên nhân do chưa có hệ thống gom hàng từ các nơi về cảng và tàu lớn chưa thể từ biển vào đến Cần Thơ.
Để khắc phục tình trạng này, Cục trưởng Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) Bùi Thiên Thu cho biết, từ nay đến năm 2030, sẽ củng cố bốn hành lang vận tải thủy khu vực miền nam (TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ-Cà Mau; TP Hồ Chí Minh-An Giang-Kiên Giang; Bà Rịa-Vũng Tàu-Tây Ninh-TP Hồ Chí Minh và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu). Các bộ, ngành, địa phương sẽ phối hợp từng bước hiện đại hóa các cảng chính; chuyển đổi công năng cảng thủy nội địa xếp dỡ hàng hóa… để đáp ứng tăng trưởng hàng hóa vùng ĐBSCL.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện khu vực phía nam đang khai thác tốt vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa. Tuy nhiên, các tuyến này vẫn còn rất nhiều tiềm năng, nên thời gian tới cần tiếp tục đầu tư để khai thác hiệu quả hơn. “Bộ sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để phát triển theo quy hoạch, với phương châm đầu tư công dẫn dắt đầu tư. Trong đó, đầu tư công tập trung vào nâng chiều cao các cây cầu, khơi thông luồng lạch… Công trình bến cảng sẽ kêu gọi tư nhân đầu tư, bằng cách Nhà nước tạo cơ chế chính sách để doanh nghiệp vay vốn mua sắm các thiết bị hiện đại, đầu tư các cần cẩu lớn vận chuyển hàng container từ bến lên thuyền. Bộ cũng khuyến khích hình thành các doanh nghiệp vận tải thủy lớn với đội tàu hùng mạnh, đóng góp tỷ trọng vận tải hàng hóa ngày càng nhiều hơn, giảm tải cho đường bộ, đường sắt và góp phần phát triển kinh tế đất nước”.