Hàng hóa qua các cảng biển tại nước ta trong bốn tháng đầu năm đã tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài Mỹ, thương mại giữa Việt Nam với một số nước như Anh, Brazil… cũng có tín hiệu tăng trưởng so với những năm trước.
Bến container tại cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng. Ảnh: SONG ANH
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có thặng dư thương mại khoảng 1,07 tỷ USD trong tháng 4/2022, nâng tổng số trong bốn tháng đầu năm nay lên 2,53 tỷ USD. Doanh thu xuất khẩu trong tháng 4 đạt 33,26 tỷ USD, giảm 4,2% so với tháng trước nhưng tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021. Con số này đạt 122,36 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu các sản phẩm nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi đóng góp của khu vực chế biến là 89% và của khu vực nông, lâm, thủy sản lần lượt là 6,8% và 2,9%. Nhập khẩu là 32,19 tỷ USD trong tháng 4 và 119,83 tỷ USD trong bốn tháng đầu năm, chủ yếu là nguyên liệu sản xuất.
Trong bốn tháng đầu năm nay, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 35,7 tỷ USD. Trong kỳ, thặng dư thương mại từ thị trường Liên minh châu Âu (EU) là 10,4 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, các cảng biển trong nước đã xử lý hơn 236 triệu tấn hàng hóa trong bốn tháng đầu năm nay, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Lượng hàng container đi qua các cảng biển đạt khoảng 8 triệu TEU (twenty-foot equivalent units, đơn vị tương đương 20 feet) trong giai đoạn này, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021. Con số này bao gồm 2,8 triệu TEU nhập khẩu, tăng đáng kể so với mức 8% một năm trước.
Chỉ tính riêng trong tháng 4, lượng hàng hóa thông qua các cảng biển đạt 59 triệu tấn, tăng 3%. Hàng container đạt khoảng 2 triệu TEU, tăng 2% so với năm 2020. Các tỉnh ven biển có lượng hàng hóa tăng trưởng chính là Quảng Ninh (11%), Quảng Nam (19%), Đồng Nai (8%) và Thanh Hóa (6%).
Liên quan đến hạ tầng kho vận, trong chuyến thăm Việt Nam, Thứ trưởng Kinh tế đối ngoại Hà Lan Hanneke Schuiling đã bày tỏ mong muốn được phê duyệt đầu tư trung tâm hậu cần Cái Mép Hạ và cảng nước sâu trị giá 1 tỷ USD. Bà Schuiling đã gặp Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Đặng Hoàng An để thảo luận về chương trình nghị sự đầu tư, thương mại song phương và việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Mục đích của chuyến thăm nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai bên, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, cấp nước, hậu cần, năng lượng và công nghệ.
Hà Lan hỗ trợ Vietrade và Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam triển khai chương trình sẵn sàng xuất khẩu, chương trình thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở cả hai quốc gia. Bà Schuiling đề nghị hỗ trợ hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện EVFTA tại Việt Nam, đặc biệt liên quan đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các giải pháp hậu cần đa phương thức.
Thương mại Việt Nam - Anh cũng đã phục hồi sau tác động của đại dịch, đạt gần 6,6 tỷ USD vào cuối năm 2021, tăng 17% so với năm trước đó. Sự gia tăng này là do Hiệp định Thương mại tự do Anh - Việt Nam (UKVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020. Nước ta cũng đã xuất khẩu hơn 4,8 tỷ USD hàng hóa sang Anh trong bốn tháng đầu năm 2022. Trong đó, ngành dệt may chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu. Các loại hàng trái cây và rau quả (67%), cà-phê (17%), hạt tiêu (49%), sắt thép (1.269%), đồ chơi và dụng cụ thể thao (19%) tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, nhập khẩu từ Anh tăng 23,6% lên gần 850 triệu USD vào năm 2021.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Brazil đạt 6,35 tỷ USD vào năm 2021, cao nhất từ trước đến nay. Trong ba tháng đầu năm nay, con số này là 1,7 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu xuất khẩu của Việt Nam là 533,2 triệu USD, tăng 3,5%.
Việc xuất nhập khẩu tăng trưởng cũng gây áp lực lên ngành kho vận. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA), ngành logistics của Việt Nam đang chịu áp lực phải đào tạo, đào tạo lại và nâng cao kiến thức cho người lao động cũng như cập nhật các tiêu chuẩn và thước đo quốc tế. Trong một cuộc khảo sát gần đây của VLA, 59% số doanh nghiệp cho biết, họ cần đào tạo công nhân của mình về hệ thống quản lý chất lượng hiện đại. Các chuyên gia trong ngành cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần thiết lập hệ thống quản lý chất lượng của riêng mình, phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiêu thụ năng lượng, cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải trong nước.
Chủ tịch VLA, ông Lê Duy Hiệp cho biết, Chính phủ đã bắt đầu xây dựng tiêu chuẩn nghề nghiệp cho các công việc trong ngành. Sau khi hoàn thành, tiêu chuẩn này sẽ là nền tảng của quá trình tuyển dụng và đào tạo của ngành.
Chỉ số hoạt động hậu cần của quốc gia (LPI) của Việt Nam xếp thứ 3/10 trong số Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào năm 2018, sau Singapore và Thailand. Ngành logistics dự kiến sẽ chiếm 5-6% tổng sản phẩm quốc nội của cả nước vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng 15-20%. Trong khi đó, ngành công nghiệp này đã đặt ra mục tiêu giảm chi phí từ 16-20% và gia nhập top 50 thế giới trong bảng xếp hạng LPI.
Hiện tại, các công ty bắt đầu phải nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát và kiểm soát chất lượng của riêng mình, áp dụng các mô hình và thông lệ quốc tế, đồng thời nâng cao năng lực nội bộ để kiểm tra và điều chỉnh hoạt động.