Để hoạt động của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải tương xứng vị thế cảng đặc biệt, nâng cao sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, cần tiếp tục có sự đầu tư mạnh mẽ và đặc biệt hơn trong tương lai.
Tháng 5 vừa qua, Cảng CMIT đã được Bộ GTVT cho phép tiếp nhận
tàu container trọng tải đến 214.121 DWT giảm tải.
Trong ảnh: Tàu trọng tải trên 200 ngàn tấn cập cảng làm hàng tại CMIT.
Nhiều cơ hội bứt phá
Tháng 5/2022, cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đã được Bộ GTVT cho phép tiếp nhận tàu container trọng tải đến 214.121DWT. Việc CMIT chính thức đón tàu container trọng tải đến 214.121DWT sẽ định hình các tuyến vận tải từ Việt Nam đến các cảng châu Âu và Bắc Mỹ, phát huy những lợi thế sẵn có của kinh tế biển Việt Nam, tận dụng tối đa kết cấu hạ tầng hàng hải hiện có, tạo thuận lợi cho các DN, duy trì và phát huy tuyến hàng đang khai thác.
Đánh giá từ các hãng tàu cho thấy, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) đang có sự phát triển mạnh mẽ cả về hàng hóa thông qua và số tuyến dịch vụ kết nối. Ông Keith Townley, thuyền trưởng tàu Maerk Evora cho biết, CM-TV đã có sự phát triển rất tích cực trong vòng 5 năm qua. Lượng hàng hóa thông qua cảng, đặc biệt là hàng container luôn đạt mức tăng trưởng cao trên 20% và luôn được đánh giá là khu vực cảng có mức tăng trưởng hàng hóa cao nhất trên thế giới.
Từ nay đến cuối năm 2022, dự kiến các hãng tàu như: CMA-CGM, Maersk, COSCO, Ocean Network Express sẽ đưa tàu kích cỡ từ 18.000TEU vào cảng CM-TV, bởi nơi đây là cụm cảng nước sâu lớn nhất khu vực có thể tiếp nhận các tàu trọng tải lớn.
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam CM-TV tập trung được 3 thế mạnh. Đó là về chi phí, CM-TV giúp DN xuất nhập khẩu giảm chi phí vận chuyển, chi phí xếp dỡ hai lần tại trung tâm trung chuyển do không sử dụng tàu gom hàng feeder đến các trung tâm chuyển tải như trước đây. Về thời gian, hiện nay hàng xuất khẩu đi Mỹ chỉ mất 16 ngày khi xếp lên tàu mẹ tại CM-TV so với trước đây là 24 ngày. Về rủi ro, việc đưa hàng hóa từ CM-TV đến trực tiếp thị trường châu Âu, Mỹ giúp DN giảm thiểu rủi ro trễ tàu, rớt tàu, chờ tàu, hư hỏng hàng hóa khi thời gian vận chuyển lâu và xếp dỡ nhiều lần tại các cảng trung chuyển.
Nhận diện các điểm nghẽn
Theo quy hoạch, hệ thống cảng biển tại Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc nhóm cảng biển đặc biệt của Việt Nam, trong đó cụm cảng CM-TV có chức năng là một cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế. Đây được coi là đòn bẩy cho việc phát huy tiềm năng của cảng biển BR-VT, cũng như khẳng định vị trí “đặc biệt” của cảng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảng biển cho rằng để trở thành cảng “đặc biệt” thì CM-TV phải sớm trở thành “cảng trung chuyển quốc tế”. Thực tế cho thấy con đường này còn lắm gian nan.
Ông Trần Khánh Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho rằng, một trong những “điểm nghẽn” hiện nay của CM-TV là khu hạ tầng sau cảng thiếu đồng bộ. Trong đó, tuyến QL51 là con đường duy nhất nối BR-VT với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ đang quá tải. Việc kết nối hạ tầng của cảng với bên ngoài còn yếu khiến hàng hóa đến khu cảng CM-TV hiện nay chủ yếu phải chuyển tải đến TP.Hồ Chí Minh.
Để phát huy khai thác hết lợi thế, tiềm năng của cảng biển, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GTVT BR- VT cho biết, Sở GTVT sẽ tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh huy động tất cả các nguồn lực để tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng cảng biển; khẩn trương thực hiện dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; khởi công xây dựng cầu Phước An trong năm 2022 nhằm kết nối hệ thống cảng CM-TV với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành để kết nối TP. Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nam bộ.
Ông Lê Văn Thức, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho rằng cần những cơ chế, chính sách đặc biệt để CM-TV tương xứng với vị trí xếp loại “đặc biệt”. Đó là đảm bảo hệ thống luồng hàng hải đạt tiêu chuẩn; xây dựng “chân hàng” ổn định và đủ lớn, thu hút, liên kết được với các tập đoàn lớn trên thế giới. Đồng thời, tăng cường liên kết vùng thông qua phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và kết cấu hạ tầng sau cảng, quy hoạch hệ thống các cảng cạn, kho bãi, ICD vệ tinh để thực hiện gom hàng, thông quan và xử lý hàng hóa tạo thuận lợi. Nếu không có hạ tầng, bến bãi bổ sung, khu cảng CM-TV hiện tại có thể tắc nghẽn trong khoảng 3 - 5 năm nữa.