Sau 5 năm thực hiện Chương trình số 09-CTr/TU ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy về phát triển hạ tầng giao thông (HTGT) giai đoạn 2016 - 2020, đến nay, HTGT của tỉnh Cao Bằng từng bước được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp, chất lượng, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển KT - XH của địa phương.
Đường ra Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng (Quảng Hòa)
được đầu tư mở rộng, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu hàng hóa
Để Chương trình đạt hiệu quả, tỉnh ban hành nhiều văn bản quản lý nhà nước điều chỉnh trong lĩnh vực kết cấu HTGT đường bộ. UBND cấp huyện, Thành phố thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết phát triển giao thông nông thôn (GTNT) đến các tầng lớp nhân dân để vận động sự đóng góp nguồn lực đầu tư.
BCĐ thực hiện Chương trình của tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan liên quan. Trong đó, Sở GTVT rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT của tỉnh trên cơ sở một số tuyến tỉnh lộ được nâng lên quốc lộ và phù hợp với việc phục vụ phát triển KT - XH của tỉnh.
Nâng cao chất lượng công tác quản lý bảo trì đường bộ, công tác bảo vệ hành lang an toàn đường bộ; rà soát, điều chỉnh các điểm đấu nối đường nhánh vào quốc lộ đã được Bộ GTVT thỏa thuận, đề nghị đính chính những điểm có sự sai khác về lý trình, hiện trạng so với thực tế trên tuyến... Các Sở: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính hằng năm tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện hỗ trợ xi măng để UBND các huyện, Thành phố tổ chức đầu tư xây dựng GTNT; đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh.
Giai đoạn 2016 - 2020, UBND Thành phố đã triển khai hơn 40 công trình, hạng mục có liên quan đến HTGT với tổng vốn đầu tư trên 800 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) như: Kè bờ trái sông Hiến, sông Bằng; tỉnh lộ 203; đường Phai Khắt - Nà Ngần; 9 tuyến đường nhánh phát triển đô thị thuộc địa bàn phường Đề Thám; đường Lê Lợi; đường tổ 21, phường Sông Bằng; đường Nà Lắc - Nà Chướng, phường Hòa Chung...
Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố triển khai các dự án HTGT do Trung ương và UBND tỉnh quyết định đầu tư, như: Cải tạo, sửa chữa mặt đường, cống thoát nước đường tránh Quốc lộ 3; đầu tư xây dựng mới đường phía Nam khu đô thị mới Thành phố; hoàn thành tuyến E Khu trung tâm hành chính tỉnh... với tổng vốn đầu tư khoảng 1.160 tỷ đồng.
Giám đốc Sở GTVT Lã Hoài Nam cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã triển khai một số dự án xây dựng đường tuần tra biên giới do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm chủ đầu tư. Do nguồn lực đầu tư có hạn, các tuyến đường này thường có quy mô kỹ thuật đạt cấp A, B GTNT với tổng chiều dài khoảng 35 km, tổng kinh phí khoảng 230 tỷ đồng. Nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường tỉnh trọng yếu, các tuyến đường ra cửa khẩu, các tuyến đường gắn với phát triển du lịch đạt từ cấp IV miền núi trở lên.
Nâng cấp một số tuyến đường đến trung tâm xã thành đường huyện nhằm kết nối giao thông với các tỉnh lân cận, phục vụ phát triển KT - XH của tỉnh như: Đường tỉnh 207 Quảng Uyên - Hạ Lang; đường 208 thị trấn Đông Khê (Thạch An) - xã Cách Linh, Triệu Ẩu (nay là xã Bế Văn Đàn, Quảng Hòa) - xã An Lạc, thị trấn Thanh Nhật, xã Đức Quang (Hạ Lang) - xã Chí Viễn (Trùng Khánh); đường 213 thị trấn Trùng Khánh - Cửa khẩu Pò Peo là các tuyến đường tỉnh trọng yếu nối trung tâm Thành phố, trung tâm huyện với các cửa khẩu trên địa bàn các huyện Hạ Lang, Quảng Hòa, Trùng Khánh, ngoài ra còn phục vụ du khách đến tham quan di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh của tỉnh... Các tuyến đường này được đầu tư xây dựng với quy mô đường cấp IV miền núi.
Đầu tư xây dựng đường tỉnh với tổng chiều dài hơn 1.030 km, cứng hóa 773,4 km mặt đường, đạt 75%; đường huyện dài 1.488,7 km, đã cứng hóa 1.134,9 km, đạt 76,2%; đường trục xã, đường xóm dài 3.273,7km, đã cứng hóa mặt đường đạt 74%; đường nội đồng dài 818,4km, đã cứng hóa mặt đường 450,1km, đạt 55% kế hoạch.
Đến nay, 95% số xã có đường đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa. Hiện toàn tỉnh còn khoảng 110,5km đường đến trung tâm xã chưa được cứng hóa; khoảng 851km đường trục xã, đường trục xóm, 368km đường trục chính nội đồng là mặt đường cấp phối hoặc đường đất.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai đầu tư xây dựng các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, quy hoạch sân bay Cao Bằng, tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa mặt đường huyện, đường xã chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc xã hội hóa đầu tư bến xe tại các huyện không thực hiện được do một số huyện có khoảng cách địa lý không xa so với trung tâm Thành phố. Do nguồn vốn đầu tư công còn hạn hẹp nên một số dự án chậm được triển khai theo kế hoạch.
Các dự án phát triển GTNT hầu hết được thực hiện theo Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có yêu cầu nhân dân đóng góp ngày công, vật liệu xây dựng để làm đường, trong khi đời sống của phần lớn người dân trong khu vực được thụ hưởng dự án đều còn khó khăn, khả năng đóng góp còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý hành lang đường bộ còn gặp nhiều khó khăn do ý thức của một bộ phận nhân dân chưa tốt, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quyết liệt. Công tác quản lý, bảo trì đường bộ chưa được quan tâm đúng mức; kinh phí bố trí cho sửa chữa định kỳ các tuyến đường chưa phù hợp với mức độ hư hỏng của đường.
Với mục tiêu chung là xây dựng HTGT đồng bộ, phù hợp, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu vận tải của tỉnh cũng như vận tải quốc tế thông qua tỉnh, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); nghiên cứu, đề nghị Chính phủ quy hoạch và xây dựng sân bay Cao Bằng; xây dựng quy hoạch và khai thác đường thủy nội địa tạo động lực thúc đẩy phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành đoạn tuyến đường bộ cao tốc từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến thành phố Cao Bằng theo kế hoạch; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường ra cửa khẩu, điểm, khu du lịch theo phương án kết nối giao thông đã được phê duyệt; 85% chiều dài các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa mặt đường, 100% xã có đường đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa.