Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái. Một trong số đó là đột phá về đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông (HTGT).
Trong nhiệm kỳ qua, các dự án trọng điểm của tỉnh
đảm bảo chất lượng và tiến độ theo đúng yêu cầu
Với việc tập trung huy động nguồn lực lớn, mạng lưới giao thông toàn tỉnh từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, liên hoàn, thông suốt, có tính kết nối cao, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trong đó, các dự án trọng điểm đã và đang tạo ra những điểm nhấn quan trọng về kết cấu HTGT của địa phương trong kết nối vùng, miền, khu vực.
Cùng với cả nước, Yên Bái đang chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện. Tiếp tục thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là HTGT kết nối vùng, liên vùng, nhằm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của vùng vào năm 2030 được Đảng bộ tỉnh xác định rất rõ tại dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Trong nhiệm kỳ, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư một số công trình trọng điểm, có tác động lớn đến phát triển mở rộng không gian đô thị và kinh tế - xã hội của tỉnh như: dự án đường nối quốc lộ 32C với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối nút giao IC12 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên; đường Văn Chấn - Trạm Tấu; đường Âu Lâu - Đông An; hoàn thành đưa cầu Bách Lẫm, cầu Tuần Quán vượt sông Hồng vào sử dụng.
Hiện, tỉnh tiếp tục triển khai các dự án như: dự án cầu Cổ Phúc; dự án đường nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC12) với Đường tỉnh 172, Đường tỉnh 173 đoạn Vân Hội - Đại Lịch - Mỵ và đoạn Đại Lịch - Minh An; đường nối quốc lộ 37 và đường Yên Ninh; đường nối Quốc lộ 37, Quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường nối Quốc lộ 32 với Đường tỉnh 174, huyện Trạm Tấu; đường Trạm Tấu - Bắc Yên…
Các dự án đã và đang triển khai thực hiện tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thông các vùng trong tỉnh với các tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc và với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh, thu hút các nhà đầu tư đến Yên Bái.
Theo ông Bùi Danh Tú - Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, giai đoạn tới mục tiêu phát triển HTGT của tỉnh trọng tâm tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, ưu tiên các dự án kết nối quốc lộ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, các dự án liên kết vùng và của tỉnh với các tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc như: đường nối tỉnh lộ 170 (Yên Thế - Vĩnh Kiên) với quốc lộ 70 và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường Gia Hội - Phong Dụ Thượng với nút giao IC15 (cao tốc Nội Bài - Lào Cai); đường Khánh Hòa - Văn Yên; đường Sơn Thịnh - Sơn Lương; Sùng Đô - Nậm Mười; đường Chấn Thịnh - nút giao IC11 cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đầu tư xây dựng nút giao IC13 cao tốc Nội Bài - Lào Cai…
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ 32C, quốc lộ 37 và quốc lộ 2D; triển khai các dự án đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội nhất trí ưu tiên như: tuyến nối thị xã Nghĩa Lộ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; phấn đấu kiên cố hóa khoảng 2.000 km đường giao thông nông thôn.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu chiến lược phát triển HTGT, ngành GTVT đã tham mưu với UBND tỉnh trong việc triển khai các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh đảm bảo chất lượng và tiến độ theo đúng yêu cầu; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến tiến độ, chất lượng công trình; tham mưu giúp tỉnh ban hành đề án phát triển giao thông nông thôn trong giai đoạn 2021 - 2025.
Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu giúp tỉnh có các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực xã hội cùng với phát huy nội lực đầu tư cho phát triển kết cấu HTGT; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn ODA, vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế, vốn hỗ trợ ngân sách địa phương, vốn đóng góp của nhân dân, của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội để đầu tư phát triển kết cấu HTGT. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương thực hiện tốt phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới...