Nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp cảng và khách hàng khi triển khai dịch vụ ePort ở Cảng Hải Phòng

Thứ sáu, 11/02/2022 08:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ, dịch vụ Cảng điện tử ePort cho thấy rất nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp cảng và khách hàng.

cang-tan-vu-cang-hai-phong-enternews-1609330284

Từ tháng 01/2022, Cảng Hải Phòng triển khai khai 100% dịch vụ Cảng điện tử ePort
đối với tác nghiệp hạ hàng, trả rỗng tại Chi nhánh cảng Tân Vũ

Theo thông tin từ Cảng Hải Phòng, nhằm tăng cường giao dịch qua hệ thống cảng điện tử (ePort), tạo sự thuận tiện cho khách hàng và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong tình hình dịch bệnh Covid-19, từ tháng 01/2022, Cảng Hải Phòng triển khai khai 100% dịch vụ Cảng điện tử ePort đối với tác nghiệp hạ hàng, trả rỗng trên website https://eport.haiphongport.com.vn tại Chi nhánh cảng Tân Vũ. Đến nay, khách hàng đã tiếp cận và ngày một lựa chọn sử dụng dịch vụ ePort đông đảo hơn.

Theo đó, khách hàng thực hiện đăng ký dịch vụ giao nhận, thanh toán trực tuyến cho các container và thực hiện đóng phí dịch vụ theo các phương thức thanh toán trực tuyến được hỗ trợ qua cổng thanh toán điện tử VNPay. Hệ thống cho phép cấp lệnh đối với cả hai hình thức hợp đồng thanh toán tiền ngay và thanh toán tiền sau theo hợp đồng ký với cảng.

Khách hàng sau khi làm thủ tục, thanh toán trên mạng, nhận mã QR và đến cổng quét mã hoặc trình lệnh điện tử với nhân viên tại cổng để thực hiện tác nghiệp hạ hàng, trả rỗng tại bãi container.

Tính đến ngày 18/01/2022, Cảng Hải Phòng đã cấp 942 tài khoản ePort cho khách hàng. Trong đó khách hàng doanh nghiệp 724 tài khoản, khách hàng cá nhân 195 và 23 tài khoản cho hãng tàu.

Dịch vụ cảng điện tử của Cảng Hải Phòng hướng tới hai nhóm đối tượng gồm khách hàng đăng ký thủ tục giao nhận hàng hóa là các công ty giao nhận, logistics các đơn vị vận tải .. và nhóm đối tượng là các hãng tàu. Hệ thống ePort của Cảng gồm hai nhóm dịch vụ chính là cung cấp dịch vụ đăng ký giao nhận hàng hóa và cung cấp dịch vụ trao đổi dữ liệu lệnh giao nhận điện tử eDO, tra cứu container giữa hãng tàu và Cảng.

Về sản lượng, doanh thu đối với các tác nghiệp ePort: Trong quý IV/2021 số lượng lệnh nâng hạ cấp tự động trên hệ thống ePort là 21.396 lệnh trên tổng số 64.615 lệnh, đạt tỉ lệ 33,11%.

Về doanh thu cước nâng hạ trên hệ thống ePort thông qua cổng thanh toán điện tử đạt 36,88 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 32,11% tổng doanh thu dịch vụ nâng hạ.

Theo Cảng Hải Phòng, việc triển khai dịch vụ cảng điện tử ePort đã góp phần hiện đại hóa, cung cấp dịch vụ tiện ích cho khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin cải tiến thủ tục quy trình giao nhận, thanh toán điện tử và giao nhận hàng hóa thuận tiện theo hướng đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, giảm thời gian khách hàng trực tiếp đến giao dịch tại cảng.

Đồng thời, giảm thời gian xe dừng đỗ tại các cổng cảng làm thủ tục và giảm ách tắc giao thông tại cổng cảng; Khách hàng không phải đến quầy thủ tục và giảm tiếp xúc trực tiếp phòng chống Covid-19…

Trước đó, Cảng Hải Phòng cũng đã có thông báo tạm dừng chính sách Giờ vàng đổi lệnh.

Theo đó, chính sách Giờ vàng đổi lệnh đã được Cảng Hải Phòng triển khai từ ngày 27/05/2021 nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ của Cảng vào khung giờ thấp điểm, hạn chế việc tập trung đông người và giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Được biết, năm 2021, mặc dù đối mặt với những khó khăn, thách thức trong cơ chế thị trường về cạnh tranh, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Công ty CP Cảng Hải Phòng vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2021.

Cụ thể, sản lượng hợp nhất đạt 38,228 triệu tấn (đạt 101,9% kế hoạch năm, tăng 7,6% so với thực hiện năm 2020, doanh thu dự kiến thực hiện 2.412,7 tỷ đồng (đạt 108,5% kế hoạch năm, tăng 10% so với thực hiện năm 2020). 

toanld

Nguồn: Tạp chí GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)