Ngày 12/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 103/2005/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, quy định rõ nội dung hoạt động, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên phạm vi cả nước.
Ngày 12/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 103/2005/QĐ-TTg ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, quy định rõ nội dung hoạt động, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên phạm vi cả nước.
Trong đó, chủ cơ sở phải có trách nhiệm xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tiến hành ký kết thỏa thuận, hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ quan, đơn vị thích hợp. Đồng thời chịu trách nhiệm đối với sự cố tràn dầu do cơ sở mình gây ra; chủ động, tích cực huy động nguồn lực, tự tổ chức, chỉ huy ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra sự cố tràn dầu. Chủ cơ sở cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây ra sự cố tràn dầu theo quy định. Các phương tiện, thiết bị có khả năng gây ra sự cố tràn dầu, bắt buộc phải tham gia bảo hiểm về ô nhiễm môi trường tương ứng với nguy cơ gây ra tràn dầu.
Các tàu theo Quy định 26, Phụ lục I Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra mà Việt Nam là nước thành viên tham gia phải có kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các bộ, ngành liên quan, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực, các tổ chức kinh tế - xã hội khác phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định tại quy chế này.
Nhà nước Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, bảo vệ môi trường tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, thực hiện sự huy động của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, của UBND các địa phương.
Mai Anh (ST)