Nhiều tiếng nói phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam

Thứ hai, 12/05/2014 16:26
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 1/5 vừa qua, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc đã đưa giàn khoan HD-981 vào khoan tại vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, kèm theo lượng lớn tàu hộ vệ và cả tàu quân sự. Trước hành động này của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc, các Hiệp hội trong và ngoài Ngành GTVT đã có các tuyên bố và phát biểu phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 và nhiều tàu các loại vào hoạt động trái phép tại vùng biển của Việt Nam.

Ngày 1/5 vừa qua, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã đưa giàn khoan HD-981 vào khoan tại vị trí cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, kèm theo lượng lớn tàu hộ vệ và cả tàu quân sự.

Việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc làm này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam. Trước hành động này của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc, các Hiệp hội trong và ngoài Ngành GTVT đã có các tuyên bố và phát biểu phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 và nhiều tàu các loại vào hoạt động trái phép tại vùng biển của Việt Nam.

Trang Thông tin điện tử Bộ GTVT trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc các tuyên bố và phát biểu nêu trên:

Hội Cảng đường thủy thềm lục địa Việt Nam: Yêu cầu Trung Quốc dừng ngay lập tức các hành động cố ý khiêu khích tại Biển Đông

Ngày 9/5, Hội Cảng đường thủy thềm lục địa Việt Nam (VAPO) phát đi tuyên bố phản đối Trung Quốc về việc đưa giàn khoan nổi Hải Dương 981 (HD-981) vào vùng biển Việt Nam.

VAPO khẳng định, vùng biển này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định tại công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Việc làm của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, vi phạm tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) mà Trung Quốc là một bên đã ký kết.

Hội Cảng đường thủy thềm lục địa Việt Nam cho rằng, đây là hành động cố ý khiêu khích, gây nên sự bất ổn nghiêm trọng, đe dọa hòa bình ổn định, ảnh hưởng đến việc tự do hàng hải và làm ăn bình thường của nhân dân các nước có quyền lợi trên Biển Đông.

"Chúng tôi kiên quyết yêu cầu CNOOC dừng ngay lập tức các hành động bất hợp pháp, rút giàn khoan HD-981 và các tàu hộ vệ ra khỏi vùng biển thềm lục địa của Việt Nam" - Hội Cảng đường thủy thềm lục địa Việt Nam tuyên bố.

VAPO cũng yêu cầu Trung Quốc không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Giàn khoan của Trung Quốc gây mất an ninh luồng hành hải quốc tế

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của PV Báo GTVT, ông Quách Đình Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Hoa tiêu hàng hải Việt Nam khẳng định giàn khoan của Trung Quốc gây mất an ninh luồng hành hải quốc tế.

Theo ông Quách Đình Hùng, giàn khoan HD 981 của Trung Quốc chỉ cách đảo Lý Sơn 120 hải lý và cách đất liền khoảng 130 hải lý. Rõ ràng, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế, vi phạm chủ quyền biển của nước ta, vi phạm Công ước Luật Biển quốc tế năm 1982. Hành động này cũng đã gây gia tăng căng thẳng trên biển Đông. Chúng tôi phản đối và lên án hành động này của Trung Quốc.

Cũng theo ông Hùng, vị trí đặt giàn khoan HD 981 đang đe dọa mất an ninh, an toàn nghiêm trọng đến luồng hành hải của chúng ta và cả quốc tế. Giàn khoan HD 981 và 80 tàu của Trung Quốc bảo vệ giàn khoan đã tạo ra những vùng cấm và vùng biển này rất gần với luồng hành hải quốc tế. Khu vực này thường xuyên có các tàu trọng tải lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ... hành trình từ Bắc xuống Nam và ngược lại. Hiện các tàu qua khu vực này đang phải tránh xa giàn khoan HD 981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc.

“Hành động đặt giàn khoan của Trung Quốc đã khiến việc lai dắt, hướng dẫn hoa tiêu của chúng ta đối với các tàu của nước ngoài đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ mất an ninh và an toàn khu vực này gia tăng” - Ông Hùng nhấn mạnh.

Hội Người đi biển Việt Nam: Phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981

Sơ đồ vị trí giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam

Sơ đồ vị trí giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái
phép nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam

Ngày 10/5, Hội Người đi biển Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 và nhiều tàu các loại vào hoạt động trái phép tại vùng biển của Việt Nam.

Sơ đồ vị trí giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam

Hội Người đi biển Việt Nam khẳng định, hành vi đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (dịch sang tiếng Việt là Hải Dương 981) và tàu của Trung Quốc vào khu vực vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN, gây ảnh hưởng tới quyền tự do hàng hải và làm ảnh hưởng tới an toàn hàng hải trong khu vực.

Tuyên bố của Hội Người đi biển Việt Nam nhấn mạnh: "Hội cực lực phản đối và yêu cầu Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan Hải Dương 981 cùng các tàu hộ tống, kể cả các tàu quân sự, tàu hải cảnh, hải giám ra khỏi vùng viển của Việt Nam và phải cam kết không tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”.

Hội Người đi biển Việt Nam kêu gọi cộng đồng những người đi biển trên toàn thế giới cùng các Hội Người đi biển của các quốc gia trên thế giới lên tiếng bảo vệ công lý, lên án những hành động đơn phương, ngang ngược của Trung Quốc đang gây ảnh hưởng tới quyền tự do hàng hải và gây nguy cơ mất an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực Biển Đông, một địa bàn quan trọng của giao thương và hàng hải quốc tế.

Ngư dân các nghiệp đoàn nghề cá tỉnh Quảng Ngãi quyết tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền

Vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 án ngữ ngay đường biển từ Lý Sơn ra vùng biển Hoàng Sa của ngư dân Quảng Ngãi, do vậy ảnh hưởng lớn đến việc hành nghề bình thường của ngư dân.

Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi, kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, trong những ngày qua, Hội nghề cá Quảng Ngãi liên tục có thông báo đến ngư dân về tình hình xung quanh khu vực giàn khoan mà Trung Quốc vừa đưa vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Các ngư dân Quảng Ngãi đều nắm bắt được thông tin về việc Trung Quốc tự ý đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để khoan thăm dò. Họ rất bức xúc về việc Trung Quốc có những hành động phi pháp như vậy.

Ngư dân vẫn tiếp tục ra khơi đánh bắt bình thường. Đồng thời, Hội nghề cá tỉnh đề nghị các ngư dân và tàu cá phối hợp với lực lượng chức năng khác để đấu tranh yêu cầu Trung Quốc đưa giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Hội người Việt Nam tại Nga gửi thư ngỏ về tình hình Biển Đông

Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Phạm Xuân Sơn cho biết, Đại sứ quán đã thông tin vắn tắt cho bà con cộng đồng tại Nga về việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hành động của hai nước trên thực địa và phản ứng của Việt Nam liên quan đến vấn đề này.

Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cũng đã có các cuộc tiếp xúc ngoại giao với chính quyền Nga để phản ánh tình hình và tiếp nhận chia sẻ của phía Nga liên quan xung đột hiện nay.

Đại sứ cho biết Nga giữ lập trường các nước liên quan cần giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán trên cơ sở tôn trọng lợi ích hợp pháp của nhau và pháp luật quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Ngày 9/5, Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga đã dành ra thời gian thảo luận tình hình Biển Đông và thống nhất gửi thư ngỏ về vấn đề Biển Đông của Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Thư ngỏ nêu rõ cộng đồng người Việt Nam tại Nga luôn theo dõi sát và vô cùng căm phẫn trước việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; các tàu hải giám Trung Quốc liều lĩnh đâm vào lực lượng cảnh sát biển nước ta, làm hư hỏng phương tiện và gây thương tích cho các kiểm ngư viên; báo chí Trung Quốc đưa tin xuyên tạc tình hình, khiêu khích, kích động tâm lý hận thù dân tộc.

Hành động của Trung Quốc vi phạm thô bạo chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, chà đạp lên dư luận quốc tế, phá hoại “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên Biển Đông” đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Nhà nước, làm tổn hại tình cảm và mong muốn của nhân dân Việt Nam xây dựng, củng cố mối quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời với nhân dân Trung Quốc; đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga cực lực lên án hành động gây hấn của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan trái phép Hải Dương 981 và các tàu khỏi vùng biển của Việt Nam.

Với tình cảm và ý chí của đồng bào sống xa Tổ quốc, Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, truyền thống và sức mạnh của dân tộc Việt nam trong bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga nguyện sẵn sàng cống hiến tinh thần, sức lực, cơ sở vật chất và cả xương máu của mình để góp phần cùng đồng bào trong nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định:

Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông - mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Từ ngày 01/5/2014 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Các tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một Bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.

Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam cũng luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của Khu vực và Thế giới. Song, lãnh thổ là thiêng liêng, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với Luật pháp quốc tế.

Chúng tôi trân trọng cảm ơn và khẩn thiết kêu gọi các nước ASEAN, các nước trên thế giới, các cá nhân và Tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động xâm phạm nghiêm trọng nêu trên và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.

Trước tình hình đặc biệt nghiêm trọng này, Việt Nam đề nghị ASEAN, chúng ta tăng cường đoàn kết, thống nhất và khẳng định lại mạnh mẽ các nguyên tắc đã được nêu tại Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, đặc biệt phải tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Và cùng ASEAN thương lượng thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử COC.

Việt Nam đề nghị ASEAN đưa các nội dung nêu trên về vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung của Hội nghị và Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này. Việt Nam đánh giá cao việc các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, ngày 10/5/2014, đã nhất trí thông qua một Tuyên bố riêng về tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông, thể hiện rõ sự đoàn kết, vai trò trung tâm, tinh thần chủ động và trách nhiệm cao của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực.


Nguồn: Chinhphu.vn, Giaothongvantai.com.vn, hn.24h.com.vn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)