Sáng 18/11, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu về sở hữu, sử dụng và các giải pháp nâng cao an toàn cho người điều khiển mô tô, xe máy”. Tham dự Hội thảo có các ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia; Dominic Patella, Chuyên gia giao thông, Ngân hàng Thế giới; David Spice, Trưởng đoàn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới...
Sáng 18/11, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu về sở hữu, sử dụng và các giải pháp nâng cao an toàn cho người điều khiển mô tô, xe máy” nhằm bàn thảo và đưa ra các giải pháp về công nghệ để nâng cao ATGT, giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông của mô tô và xe máy.
Tham dự Hội thảo có ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia; Dominic Patella, Chuyên gia giao thông, WB; David Spice, Trưởng đoàn nghiên cứu của WB; Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc thứ nhất Honda Việt Nam; đại diện các bộ, ngành, Sở GTVT, trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước, tổ chức quốc tế liên quan đến ATGT.
Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG Khuất Việt Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh, Hội thảo là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và các chuyên gia quốc tế bàn thảo, đưa ra các giải pháp về công nghệ để nâng cao ATGT, giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông của mô tô và xe máy; bên cạnh đó công bố, đánh giá nghiên cứu của WB về ATGT đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; đồng thời tạo điều kiện để các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực GTVT, các đơn vị sản xuất xe máy trao đổi và thảo luận các kết quả nghiên cứu khoa học, các kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến an toàn với người đi mô tô, xe gắn máy.
Theo số liệu của Ủy ban ATGT Quốc gia, xe máy hiện đang là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam, chiếm hơn 85% tổng số phương tiện giao thông hiện đang hoạt động trên cả nước. Cùng với những ưu điểm nổi trội như tính cơ động cao, linh hoạt, giá thành rẻ, trong những năm tới đây xe máy sẽ vẫn tiếp tục là phương tiện đi lại quan trọng của người dân Việt Nam.
Chuyên gia giao thông của WB Dominic Patella phát biểu tại Hội thảo
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, xe máy là phương tiện có nguy cơ tai nạn giao thông cao nhất trong số những phương tiện cơ giới đường bộ. Tại Việt Nam, tai nạn giao thông đối với người đi xe máy chiếm hơn 70% số vụ tai nạn giao thông đường bộ. Điều này đòi hỏi cần phải tăng cường quản lý nhằm bảo đảm an toàn, kéo giảm nguy cơ tai nạn cho hoạt động tham gia giao thông của người đi mô tô, xe máy, đồng thời phát huy được những lợi thế và hiệu quả của loại phương tiện này.
Hội thảo dành phần lớn thời gian cho nội dung trao đổi, thảo luận.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo nghiên cứu của WB; chia sẻ của Công ty Honda Việt Nam trong công tác đào tạo lái xe an toàn; giải pháp tổ chức giao thông trong và ngoài đô thị để bảo đảm an toàn giao thông của Trường Đại học GTVT; kinh nghiệm quốc tế về an toàn giao thông cho xe máy của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ công an).
Đồng thời, trao đổi, thảo luận về công tác kiểm soát chất lượng, an toàn kỹ thuật; tình hình ô nhiễm môi trường do khí thải mô tô, xe gắn máy; giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng của khí thải đến ô nhiễm môi trường do xe cơ giới của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT); Công tác truyền thông, phổ biến các quy định pháp luật về an toàn giao thông cho người đi xe mô tô, xe máy (Bộ Thông tin và Truyền thông); Công tác quản lý chất lượng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy (Bộ Khoa học và Công nghệ)…
Xuân Nguyên