Sáng nay (14/5), Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với với Báo Lao Động tổ chức Hội thảo mang chủ đề “Dự án cảng HKQT Long Thành – cần một cách nhìn khách quan, trung thực và xây dựng” với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu và các chuyên gia kinh tế.
Hội thảo "Cảng HKQT Long Thành, cần cách nhìn khách quan,
trung thực và xây dựng" thu hút nhiều chuyên gia và giới truyền thông.
Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết ý tưởng về việc tạo lập một sân bay quốc tế (CHKQT) mới tại khu vực phía nam để bổ sung hỗ trợ cho Sân bay Tân Sơn Nhất đã được hình thành từ nhiều năm trước.
Cục trưởng HKVN đã chứng minh dưới góc nhìn là các quy định của ICAO, về vị trí địa lý, địa chính trị, về an ninh quốc phòng… để có thể xác định CHKQT có đáp ứng được ở vị trí Long Thành hay không. Các chuyên gia của Cục HKVN còn có dẫn chứng cụ thể về vùng cấm bay, vùng chống lấn bay tại Tân Sơn Nhất về lâu dài rất khó có thể mở rộng. Chưa tính đến bài toán khả thi về kinh tế, môi trường, an toàn hàng không.
Do vậy Cục HKVN, Bộ GTVT xem mục tiêu xây dựng CHKQT Long Thành thành một cửa ngõ hàng không quốc tế lớn nhất toàn quốc, một Trung tâm trung chuyển hàng không (Hub) của khu vực là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Cục trưởng Lại XuânThanh nhấn mạnh: Có thể chúng ta đi sau, nhưng không phải là yếu điểm nếu chúng ta biết học hỏi, lợi thế sẽ không thể phát huy nếu chúng ta không biết cách vượt qua khó khăn. Cùng với sự đổi mới, phát triển của đất nước, với quyết tâm cao, chúng ta nhất định sẽ thành công.
TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương: Phải lấy thước đo lợi ích quốc gia để đo
Cần đứng trên lợi ích quốc gia
PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương khẳng định ngay “tôi đến Hội thảo để ủng hộ dự án này”. Theo TS Trần Đình Thiên nên căn cứ vào thước đo chính là đứng trên lợi ích quốc gia.
TS Thiên lưu ý đã là dự án kinh tế, bao giờ cũng phải đánh đổi, quan trọng là cái được nhiều hơn cái chưa được, tranh luận dựa vào điều gì, việc đánh đổi lợi, hại phải dựa trên lập trường lợi ích quốc gia.
Theo TS Thiên, nới Tân Sơn Nhất ra mấy cũng chỉ là nhà ga chứ không phải tổ hợp công nghiệp hàng không; các nước đi sau thường làm to hơn, không cơi nới sân bay cũ; bên cạnh đó, giao thông kết nối vào Tân Sơn Nhất hiện nay quá nóng.
TS Lương Hoài Nam cũng cho rằng, sân bay Tân Sơn Nhất khó có thể mở rộng được để làm thêm một đường băng nữa, dẫn chứng là GPMB đường Bình Lợi – Tân Sơn Nhất có hơn 1km từ BV 175 vào Trường Sơn không thể làm được. Đành phải mở rộng Bạch Đằng để giảm chi phí tiếp cận sân bay nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Tổng Giám đốc TCT Cảng HKVN Lê Mạnh Hùng: Đã chuẩn bị đủ mọi điều kiện để triển khai Dự án
Về vấn đề vốn ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc TCT Cảng HKVN cho biết việc thu xếp vốn cho sân bay Long Thành là hoàn toàn khả thi, đáp ứng được tầm nhìn chiến lược dài hạn của quốc gia.
Việc GPMB, tái định cư cho hàng nghìn hộ dân 6 xã bị ảnh hưởng, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cam kết: Tỉnh đã có quy hoạch quỹ đất, đào tạo người dân bị giải tỏa trắng để họ chuyển đổi việc làm.
Ông Trần Văn Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết người dân rất đồng thuận, và mong muốn Dự án xây dựng CHKQT Long Thành được triển khai sớm, để họ yên tâm, ổn định cuộc sống. Tỉnh sẽ nghiên cứu cơ chế đặc thù kiểu như Dự án quốc gia thủy điện Sơn La để thu xếp toàn bộ về tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp…
Về sân bay Biên Hòa ông Vĩnh khẳng định không có giao thông kết nối, không khả thi về môi trường, tiếp cận giao thông.
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu quan tâm, tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia
Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu khẳng định Bộ rất quan tâm đến đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, hội thảo còn nhiều ý kiến khác nhau là chuyện bình thường.
Thứ trưởng nhấn mạnh 3 lý do chọn Cảng HKQT Long Thành và khẳng định Bộ xin tiếp thu hai vấn đề để bổ sung thêm là hiệu quả kinh tế xã hội và hiệu quả phương án tài chính.
Theo Thứ trưởng, chúng ta đang bàn về dự án là quá chậm, bởi ngay như nhà ga T2 Nội Bài cũng đã chậm gần 10 năm mới triển khai, khiến cho T1 phải quá tải gần 6 năm, dịch vụ xuống cấp.