Trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn nhiều khó khăn, việc kêu gọi đầu tư BOT, nộp phí khi sử dụng các tuyến đường, cây cầu khang trang và mang lại nhiều tiện ích là điều đương nhiên...
Đây là ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi chia sẻ với các phóng viên bên lề nghị trường Quốc hội.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP HCM: "BOT phải chọn lọc, hiệu quả"
Không một quốc gia nào đủ tiền để xây dựng hạ tầng, ngay cả các nước giàu như: Mỹ, Anh, Đức... Việt Nam là nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn nên phải dựa vào nguồn lực xã hội, tư nhân là tất yếu để phát triển hạ tầng giao thông.
Chúng ta phải xác định, khi tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nào thì phải có lợi ích, họ phải thu phí. Chúng ta phải sắp xếp làm sao để có chính sách rõ ràng và người dân thấy rằng phần này nhà nước đã bảo đảm, còn đầu tư tư nhân là thêm vào.
Tôi cho rằng BOT phải chọn lọc. Hình thức BOT hay PPP không có gì mới. Nước Anh giàu như thế nhưng vẫn dùng PPP và BOT. Trong điều kiện hoàn cảnh như thế ở Việt Nam không được dễ dãi quá. Đầu tư BOT phải chấp nhận cho nhà đầu tư có lãi, nhưng phải kiểm soát chặt. Ví dụ ở nhiều quốc gia, xe buýt tư nhân và các phương tiện công cộng là của tư nhân, nhưng có sự thỏa thuận và kiểm soát chặt chẽ về giá.
Điều quan trọng là chúng ta phải quy hoạch, phải tính toán cái nào trước, cái nào sau. Kể cả BOT cũng phải tính toán hiệu quả, sau khi có công trình BOT, đời sống dân cư khu vực đấy phải tăng lên để bù lại.
Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH Kon Tum: "Thu phí để hoàn vốn đầu tư BOT là tất yếu"
Chủ trương kêu gọi đầu tư các dự án BOT, đặc biệt là với các dự án hạ tầng giao thông, theo tôi là rất cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta.
BOT là kêu gọi nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách của Nhà nước. Một khi nhà đầu tư bỏ tiền ra đầu tư một công trình BOT để phục vụ người dân, đất nước, đương nhiên họ được thu phí hoàn vốn là điều tất yếu. Vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải sử dụng nguồn vốn và các dự án BOT thế nào cho hợp lý để tránh được việc thu phí chồng lên nhau.
Với một dự án BOT, người dân là đối tượng được hưởng lợi trước hết, được đi lại trên một công trình giao thông đẹp, thuận lợi, rút ngắn quãng đường, giảm chi phí… Theo đó, các hoạt động buôn bán, sản xuất, kinh doanh của họ cũng được thúc đẩy, thuận lợi hơn, đây rõ ràng là cơ sở vững chắc để tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội chung của cả nước.
Vì những yếu tố tích cực đó, nên tiếp tục khuyến khích hình thức đầu tư BOT như chúng ta đã triển khai trong thời gian vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy - Đoàn ĐBQH Hậu Giang: "Tuyên truyền để dân hiểu BOT là hình thức đầu tư hiệu quả mới"
Ở Hậu Giang, dù chưa có công trình nào đầu tư BOT nhưng chúng tôi rất hoan nghênh hình thức này. Thực tế, thời gian qua, chúng tôi cũng đang kêu gọi nhiều dự án.
Cá nhân tôi cũng như lãnh đạo tỉnh, các cử tri đều cho rằng, trong điều kiện nhu cầu về đầu tư hạ tầng đang rất lớn, nhưng ngân sách Nhà nước có hạn thì hình thức kêu gọi BOT là một chủ trương đột phá và đúng đắn, cần mở rộng.
Còn có dư luận cho rằng, nếu mở rộng hình thức BOT sẽ gây ra tình trạng “phí chồng phí”, tôi cho rằng không hẳn như thế vì khi một nhà đầu tư theo hình thức BOT, đương nhiên họ phải thu hồi vốn. Còn người dân sử dụng các dự án đó được hưởng nhiều tiện ích như giảm chi phí, đi lại thuận lợi, nhanh chóng hơn, đương nhiên phải bỏ ra một phần chi phí, đó cũng điều hợp lý thôi.
Theo tôi được biết, tại những địa phương có dự án được đầu tư, xây dựng theo hình thức BOT, nhiều công trình rất đẹp, đường thông thoáng, giúp giảm thời gian lưu thông, giảm chi phí đi lại. Người dân và các phương tiện tham gia giao thông rất hứng khởi và nhận rõ những lợi ích mà tuyến đường mang lại. Đặc biệt, hàng hóa trung chuyển rất thuận lợi, mang lại nhiều nguồn lợi về kinh tế.
Bên cạnh đó, việc chuyển giao công trình vốn nhà nước cho các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả hơn cũng là một chủ trương cần thiết. Tuy nhiên, nên tính toán thế nào cho hợp lý để không thất thoát vốn của nhà nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư. Trước mắt sẽ thu lại được một phần vốn nhượng quyền, có thêm vốn để đầu tư các công trình trọng điểm, bức xúc khác, đồng thời giải được bài toán “khát vốn” mà chúng ta đang đối mặt.
Một số người hiện nay chưa đồng tình vì họ chưa thực sự hiểu rõ bản chất đầu tư BOT như thế nào. Vì thế cần tuyên truyền cho người dân tốt hơn, để họ hiểu được những lợi ích thực sự từ hình thức đầu tư mới này.
Đại biểu Bùi Thị An - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội: "Phải hài hòa lợi ích “3 nhà”"
Giao thông bao giờ cũng phải đi trước một bước mới tạo được tiền đề để phát triển KT-XH, liên kết vùng miền. Việc xã hội hóa kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông thời gian qua rất tốt. Tới đây, chắc chắn sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh.
Đương nhiên, doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn đầu tư thì phải tạo điều kiện để họ thu hồi vốn, nhưng cần hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nếu quản lý không tốt, nhà đầu tư sẽ thu về không tương xứng với đồng vốn bỏ ra, gây mất niềm tin.
Một vấn đề nữa cần lưu tâm là hiện nay, đường sắt nối với các cảng biển chưa nhiều, hạn chế năng lực vận tải hàng hóa cũng là một trong những nguyên nhân gây quá tải vận tải đường bộ, tăng cước vận tải, phá hủy hệ thống đường bộ. Trong khi đó, tiềm năng vận tải đường sắt rất lớn, các cảng biển không kết nối được với đường sắt là sự lãng phí lớn cho xã hội.
Tới đây, cần nghiên cứu và quan tâm thích đáng để có kinh phí đầu tư cho hệ thống đường sắt nối với các cảng biển, thậm chí cả kết nối với đường sông. Ta cứ than phiền quá tải đường bộ cũng một phần do thiếu kết nối với đường sắt, với các cảng biển và cảng đường thủy.