Để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng, tất cả quy trình triển khai đầu tư, xây dựng,khai thác các dự án BOT đều được Bộ GTVT phối hợp các Bộ, ngành, chính quyền địa phương liên quan thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch.
Cùng với nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, việc huy động một số dự án
đầu tư theo hình thức BOT đã giúp việc triển khai thực hiện dự án mở rộng đường
Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hoàn thành vượt tiến độ, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng
Công khai, minh bạch
Thông qua các hình thức đầu tư xã hội hóa, ngành GTVT đã huy động được một nguồn vốn khổng lồ từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, từng bước làm thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông đất nước. Chỉ tính riêng ở lĩnh vực đường bộ, đến hết tháng 6/2015, Bộ GTVT đã và đang triển khai 71 dự án đầu tư bằng hình thức BOT và BT với tổng mức đầu tư khoảng 202 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 20 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác với chiều dài 410 km.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban PPP (Bộ GTVT) khẳng định, tất cả quy trình đầu tư, xây dựng, khai thác các dự án BOT do Bộ GTVT triển khai đều được thực hiện rất chặt chẽ, công khai, minh bạch trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng. Trước tiên, việc lập danh mục các dự án triển khai đầu tư bằng hình thức BOT phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương, đảm bảo yêu cầu phù hợp với quy hoạch, thúc đẩy phát triển KT-XH đối với địa phương, khu vực dự án đi qua. Sau đó, Bộ GTVT tiến hành công bố công khai danh mục các dự án trên cổng thông tin điện tử của Bộ và Báo Đấu thầu (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) trong thời gian 30 ngày để các nhà đầu tư quan tâm tham gia tìm hiểu từng dự án chuẩn bị triển khai bằng hình thức BOT.
“Việc lựa chọn nhà đầu tư tại các dự án BOT được tiến hành công khai, minh bạch trên cơ sở nhà đầu tư phải đáp ứng được yêu cầu về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Đối với những dự án chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia sẽ áp dụng cơ chế chỉ định thầu. Còn dự án nào có từ hai nhà đầu tư trở lên, Bộ GTVT tiến hành đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư cho dự án”, ông Huy thông tin.
Cũng theo ông Huy, sau khi lựa chọn được nhà đầu tư, tổ công tác liên ngành gồm đại diện các Bộ: GTVT, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư và chính quyền địa phương nơi dự án đi qua sẽ tiến hành đàm phán với nhà đầu tư về hợp đồng dự án với các nội dung liên quan đến phương án tài chính, mức thu phí, thời gian hoàn vốn,… rồi mới tiến tới ký tắt hợp đồng dự án khi các bên đạt được thỏa thuận. “Hợp đồng chính thức giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư chỉ được ký kết khi dự án được Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời nhà đầu tư phải góp đủ vốn chủ sở hữu và ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng theo quy định”, ông Huy nói.
Liên quan đến vấn đề cơ chế và thủ tục triển khai, ông Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, Trưởng ban QLDA dự án hầm Đèo Cả cho biết, đây là cơ chế và quy trình chung của Chính phủ. Thời gian qua Bộ GTVT đã công khai minh bạch mọi thủ tục. “Với dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, trước khi tiến hành khởi công đều có đầy đủ các thủ tục quan trọng như: hợp đồng dự án, giấy phép đầu tư và hợp đồng tín dụng”, ông Mai nói.
Cũng theo ông Mai, quan trọng nhất của dự án BOT là hợp đồng dự án và hợp đồng tín dụng. Có được những điều này mới chứng minh được nhà đầu tư có pháp nhân và năng lực tài chính. Thời gian qua, do đây là hình thức đầu tư mới mẻ, vừa làm vừa hoàn thiện hành lang pháp lý, một số dự án vừa triển khai vừa làm thủ tục cấp giấy phép đầu tư cũng là điều dễ hiểu. Nếu cứ chờ đợi có giấy phép đầu tư và xong tất cả các thủ tục, các dự án, nhất là trên QL1, QL14 rất cấp bách chắc chắn sẽ chậm tiến độ.
Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp đã và đang tham gia làm liên danh nhà đầu tư tại một số dự án BOT giao thông như: Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Pháp Vân - Cầu Giẽ,… trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Phương Thành Tranconsin cho biết, quy trình đầu tư xây dựng các dự BOT được Bộ GTVT triển khai rất chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch.
“Ngay từ công đoạn lập danh mục các dự án chuẩn bị đầu tư theo hình thức BOT, Bộ GTVT đã công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để các nhà đầu tư có tiềm lực và kinh nghiệm tham gia nghiên cứu, tìm hiểu. Công tác lựa chọn nhà đầu tư cũng được Bộ GTVT phối hợp với bộ, ngành, chính quyền địa phương liên quan phối hợp lựa chọn công khai, minh bạch. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, tất cả các khâu từ thiết kế, thi công,… của dự án đều được các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT rà soát, thẩm tra chặt chẽ”, ông Khôi chia sẻ.
Ông Khôi cũng thẳng thắn nhìn nhận những rủi ro của doanh nghiệp khi bỏ vốn đầu tư vào các dự án BOT giao thông. “Chúng tôi cũng cảm thấy lo lắng khi phải bỏ ra một nguồn vốn rất lớn để đầu tư, thời gian hoàn vốn dự án lại kéo dài, cùng với đó là sự thay đổi về cơ chế chính sách. Đơn cử như khi nhà đầu tư đã góp đủ vốn chủ sở hữu, ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng nhưng chỉ cần chính sách GPMB của dự án thay đổi, địa phương chậm bàn giao mặt bằng sẽ gây khó khăn trong công tác hạch toán dòng tiền, đội chi phí lãi vay do thời gian xây dựng dự án kéo dài thì nhà đầu tư phải đối mặt với rất nhiều rủi ro về tài chính”, ông Khôi chia sẻ.
Công trình cầu Cổ Chiên hoàn thành vượt tiến độ 15 tháng đã trở thành động lực mới cho kinh tế Trà Vinh
Siết chặt quá trình xây dựng, quản lý kinh doanh
Đại diện Ban PPP cho biết thêm, trong quá trình triển khai thực hiện, từ phương án thiết kế kỹ thuật, thi công, giá thành xây dựng,… của các dự án BOT đều được các cơ quan chức năng của Bộ GTVT rà soát, thẩm tra chặt chẽ. Ngoài việc lãnh đạo Bộ thường xuyên kiểm tra hiện trường, Bộ GTVT còn thành lập các tổ rà soát thiết kế, thủ tục đầu tư, hội đồng đánh giá tình trạng các cầu đang khai thác để sửa chữa tận dụng các cầu cũ còn tốt tránh tình trạng lãng phí đầu tư.
Cùng đó, công tác quản lý tiến độ, chất lượng các dự án BOT được Bộ GTVT quy định và thực hiện chặt chẽ giống như các dự án công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Cụ thể, ngày 4/10/2013, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 3085 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban QLDA đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Đây được ví như chiếc “gậy” để đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Bộ GTVT tại các dự án BOT tiến hành kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện của nhà đầu tư trong việc đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, ngăn chặn tình trạng mua bán thầu. Bất cứ dự án nào manh nha dấu hiệu chậm tiến độ đều được lãnh đạo Bộ GTVT xử lý, chấn chỉnh ngay.
Thậm chí, lãnh đạo Bộ GTVT còn chủ động ký công văn mời công an vào cuộc điều tra các dự án BOT có dấu hiệu mua bán thầu khi có dư luận phản ánh. Mới đây nhất, Bộ GTVT yêu cầu Thanh tra Bộ GTVT chủ động thanh tra toàn bộ các dự án BOT để ngăn chặn, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các sai phạm nếu có.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn các nhà đầu tư chỉ trông chờ vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, giữa tháng 7/2014, Bộ GTVT ban hành Quyết định 8003 quy định về năng lực tài chính của các nhà đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT. Theo đó, các nhà đầu tư phải đóng 100% vốn chủ sở hữu trong vòng 90 ngày kể từ khi thành lập doanh nghiệp dự án và dự án chỉ được ký hợp đồng chính thức khi nhà đầu tư đã góp đủ 100% vốn chủ sở hữu. Trường hợp nhà đầu tư không đáp ứng được yêu cầu về vốn chủ sở hữu, hợp đồng ký tắt không còn hiệu lực và Bộ GTVT có quyền thay thế nhà đầu tư khác. Đây được coi là giải pháp mạnh tay của Bộ GTVT để đảm bảo tiến độ và chất lượng cho các dự án thực hiện bằng vốn xã hội hóa.
Tính đến thời điểm này, không có bất cứ một dự án BOT nào bị chậm tiến độ, thậm chí nhiều công trình hoàn thành trước 6 tháng đến hai năm so với hợp đồng như: Dự án mở rộng QL1 đoạn Thanh Hóa, Vũng Áng, đoạn Phan Thiết - Đồng Nai, dự án cầu Việt Trì mới... đang phát huy hiệu quả, phát triển KT-XH rõ rệt.
Đặc biệt, nhằm tăng cường giám sát, kiểm tra quá trình khai thác kinh doanh của nhà đầu tư tại các dự án BOT, Bộ GTVT đã ban hành quy định về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện trách nhiệm giảm sát chất lượng công tác bảo trì, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí, doanh thu, lưu lượng xe, các thông số tài chính của hợp đồng dự án…