Trong 5 năm (2011 - 2015), nước ta đã hoàn thành, đưa vào khai thác hơn 700 km đường cao tốc, vượt hơn 100 km so mục tiêu đề ra. Đường cao tốc chính là “động mạch chủ”, có tác động và sức lan tỏa mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Thành công bước đầu đã chắp cánh cho ước vọng hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam dọc theo chiều dài đất nước.
Cầu Long Thành trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
“Đánh thức” tỉnh nghèo
Với chiều dài 245 km, giữ “kỷ lục” về chiều dài trong số các tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đánh giá là bước đột phá lớn của toàn ngành giao thông vận tải (GTVT), tạo đà dịch chuyển kinh tế - xã hội, đòn bẩy tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) cho các tỉnh khu vực miền tây bắc. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Mai Tuấn Anh đánh giá: Việc đầu tư xây dựng tuyến đường đã đáp ứng trọn vẹn niềm mong mỏi lâu nay của nhân dân các dân tộc miền núi phía bắc. Tuyến đường này còn kết nối Hà Nội với Hải Phòng, Côn Minh - Hà Khẩu tạo thành tuyến Côn Minh - Hải Phòng, một trong những tuyến đường hợp tác phát triển tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, góp phần thực hiện thành công thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, xây dựng và phát triển “hai hành lang, một vành đai kinh tế”.
Từ khi đưa vào khai thác, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã giúp giảm thời gian đi lại giữa Hà Nội và Lào Cai từ bảy giờ xuống còn 3,5 giờ, từ Hà Nội đi Yên Bái chỉ còn hơn hai giờ, đồng thời cũng rút ngắn một nửa thời gian đi lại giữa các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ,… Không chỉ tiết kiệm thời gian, các phương tiện còn bảo đảm tiêu chí an toàn khi lưu thông, tiết kiệm các chi phí về nhiên liệu, hao mòn máy móc. Hiện, 100% số doanh nghiệp (DN) vận tải ô-tô tuyến Hà Nội - Lào Cai đã chuyển sang chạy đường cao tốc. Khi trên tuyến có nhiều DN tham gia khai thác, giá cước vận tải giảm mạnh và chất lượng phục vụ khách hàng được cải thiện. Giá vé của hầu hết các nhà xe vận tải hành khách chạy tuyến Lào Cai - Hà Nội đã giảm từ 370 nghìn đồng/lượt, xuống còn 220 nghìn đồng/lượt. Các DN vận tải hàng hóa hầu hết cũng chuyển sang chạy trên tuyến cao tốc, bởi lưu thông trên tuyến quốc lộ 70 trước đây luôn tiềm ẩn rủi ro vì tắc đường, tai nạn,... Giá cước vận tải hàng hóa từ Lào Cai tới cảng Hải Phòng giảm từ 450 nghìn đồng/tấn xuống còn 230 nghìn đồng/tấn.
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, sau khi đưa vào khai thác, đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Thanh Dương nhận định, đường cao tốc đã góp phần quan trọng giúp tổng doanh thu vận tải và dịch vụ vận tải do địa phương quản lý tăng mạnh, năm 2015 đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2014. Trước đây, mặc dù sở hữu nhiều “địa chỉ đỏ” về du lịch, song mỗi năm tỉnh Lào Cai phải chật vật mới thu hút từ 1 đến 1,2 triệu khách du lịch. Năm 2015, tỉnh đã đón 2,5 triệu lượt khách, trong đó, lượng khách quốc tế tăng cao, đóng góp doanh thu cho ngành du lịch gần 1.500 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2020, con số năm triệu khách du lịch/năm có thể thành hiện thực. Tỉnh đã tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được xây dựng đồng bộ. Trong đó, khu thương mại công nghiệp Kim Thành có quy mô lớn nhất vùng biên giới Tây Bắc, là cầu nối quan trọng của trục hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) với Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, tạo sức hút lớn cho tỉnh Lào Cai huy động nguồn lực đầu tư.
Tạo sức lan tỏa
Giám đốc Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) Bùi Đình Tuấn cho biết: Theo khảo sát của chúng tôi, đi trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, các xe loại nhỏ sẽ rút ngắn hơn một nửa thời gian lưu thông và tiết kiệm từ 1 đến 1,5 triệu đồng chi phí nhiên liệu so với lưu thông trên các tuyến cũ. Thống kê trong chín tháng năm 2015, các tỉnh có tuyến cao tốc đi qua như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai đã có sự tăng trưởng vượt bậc về vận tải hàng hóa và hành khách, nhất là các tỉnh cuối tuyến (tăng từ 8 đến 21% đối với vận tải hàng hóa và 6 đến 15% đối với vận tải hành khách).
Cuối năm 2015, tuyến cao tốc hiện đại Hà Nội - Hải Phòng đã chính thức thông xe toàn tuyến đưa vào sử dụng. Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) Đào Văn Chiến - chủ đầu tư dự án, đánh giá: Đây là trục “xương sống” cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, địa phương nằm trên trục này vốn đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nay sẽ tiếp tục tăng lợi thế cạnh tranh khi hạ tầng giao thông được hiện đại hóa. Tương tự, những tuyến cao tốc ở phía nam như: TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cũng sẽ tạo bước đột phá mạnh mẽ cho các địa phương. Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright TS Nguyễn Xuân Thành phân tích: Phát triển đường cao tốc ở Việt Nam là nhu cầu cần thiết, khi đạt mốc thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD/người/năm. Các tuyến cao tốc đã tác động rõ nét đến phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, nhất là các địa phương ven tuyến. Quyết định đầu tư của các doanh nghiệp dựa trên yếu tố then chốt hệ thống hạ tầng giao thông cải thiện. Đơn cử, năm 2010, khi tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình chưa đi vào khai thác, tỉnh Hà Nam chỉ có hai khu công nghiệp (KCN) Đồng Văn I và Đồng Văn II, tổng diện tích 410 ha. Đến nay, đã có năm KCN gồm Đồng Văn I, II, III, Hòa Mạc và Châu Sơn, cùng hai KCN khác đang xây dựng. Trong chín tháng năm 2015, Hà Nam đã thu hút 50 dự án đầu tư mới, điều chỉnh tăng vốn 19 dự án (quy mô đầu tư gấp hơn 2,6 lần so cùng kỳ năm 2014), riêng các KCN đã thu hút 34 dự án, chiếm 68%. Nhiều dự án công nghiệp tiên tiến, quy mô lớn đã được đầu tư vào tỉnh Hà Nam như Dự án nhà máy chế biến sữa Nutifood, Dự án sản xuất thiết bị viễn thông, đèn Led chiếu sáng của Công ty KMV, Dự án nhà máy Hoa Sen Hà Nam,… Khi hệ thống đường cao tốc được kết nối, còn giúp tiết kiệm chi phí đầu tư các cơ sở hạ tầng khác. Nhờ đường cao tốc, có thể sử dụng chung hạ tầng giao thông cho toàn vùng, không bị vướng vào “hội chứng” sân bay, cảng biển ở các địa phương.
Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tập trung xây dựng tuyến cao tốc bắc - nam, ưu tiên các tuyến cao tốc nối Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tuyến ra cảng biển lớn. Quy hoạch xác lập mạng đường cao tốc gồm 21 tuyến, tổng chiều dài hơn 6.400 km. Trong đó, cao tốc bắc - nam sẽ quy hoạch hai tuyến (phía đông và phía tây) có tổng chiều dài hơn 3.000 km. Đầu tư mạng lưới đường cao tốc bắc - nam được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT. Với địa hình trải dài từ bắc vào nam, khi hoàn thành hệ thống cao tốc bắc - nam chạy dọc đất nước, sẽ tạo thêm động lực tăng trưởng, năng lực vận tải vượt trội so với hệ thống đường bộ hiện tại. Mặc dù vậy, “con đường” để đạt được mục tiêu này được dự báo đầy chông gai, nhất là tìm kiếm, huy động nguồn lực cho các dự án. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nguồn vốn vay bị cắt giảm, khơi dậy các nguồn lực xã hội như thế nào đang là bài toán chưa có lời giải hữu hiệu. Tổng Giám đốc VEC Mai Tuấn Anh trăn trở: Điều quan trọng là cơ chế nào để hoàn thành mục tiêu, nếu không đổi mới tư duy, “cái đích” hơn 3.000 km đường cao tốc sẽ không có cách nào đạt được. Để hoàn thành hơn 700km vừa rồi, chúng ta đã mất ròng rã hơn 10 năm chuẩn bị. Các dự án đường cao tốc mới có vốn đầu tư rất lớn, càng cần phải có cơ chế, tư duy mới. Vì thế, việc Chính phủ có chính sách đặc thù trong đầu tư các dự án, ban hành nghị định riêng cho VEC sẽ là “cây đũa thần” giúp đơn vị điều phối các hoạt động. Cần xây dựng kế hoạch với mục tiêu cụ thể: Làm bao nhiêu km, ưu tiên theo thứ tự tuyến đường nào, huy động nguồn vốn ở đâu,… mới có thể triển khai một cách hiệu quả.
Theo quy hoạch được phê duyệt, mạng lưới đường bộ cao tốc đến năm 2020 sẽ có 22 tuyến, dài gần 6.000 km, tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ USD. Mục tiêu hoàn thành mạng lưới đường cao tốc vô cùng khó khăn, vì thế, ngành giao thông cần vận dụng sáng tạo hơn nữa, cùng quyết sách đủ mạnh của Nhà nước, mới hy vọng hoàn thành mục tiêu. Bởi việc đầu tư tuyến cao tốc bắc - nam là giải pháp mang tầm chiến lược quốc gia, nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn của đất nước.
Hai tuyến cao tốc trọng điểm thiếu vốn đối ứng: Hai tuyến cao tốc trọng điểm Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, sử dụng vốn ODA và vốn vay thương mại đang gặp khó khăn do thiếu trầm trọng vốn đối ứng. Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài hơn 57 km (vốn đầu tư 31 nghìn tỷ đồng) đang thiếu gần 3.150 tỷ đồng trong tổng số 5.690 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước cho giải phóng mặt bằng. Khởi công từ tháng 7/2014, nhưng đến nay, hầu hết các gói thầu của dự án chưa thi công. Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng rơi vào tình cảnh tương tự, năm 2015, dự án cần bổ sung vốn đối ứng gần 1.480 tỷ đồng nhưng không được bố trí, VEC phải kiến nghị Chính phủ cơ chế ứng 885 tỷ đồng từ nguồn thu phí các dự án VEC đang khai thác làm vốn đối ứng.