Jetstar Pacific được “rót” thêm 139 triệu USD từ hai cổ đông lớn

Thứ năm, 21/04/2016 09:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (JPA) cho biết, Jetstar sẽ tiếp tục được hai cổ đông lớn là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tập đoàn Qantas (Australia) “rót vốn” 139 triệu USD để phát triển đội bay và chiếm lĩnh thị trường hàng không.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi công bố giá trị mới cho Hội viên Bông Sen Vàng, chương trình hợp tác giữa Vietnam Airlines và Jetstar Pacific vào ngày hôm 20/4.

Theo ông Lê Hồng Hà, kể từ khi về “ngôi nhà chung” với Vietnam Airlines vào tháng 2/2012, Jetstar đã được cấu trúc lại về kinh doanh, chất lượng và sản phẩm dịch vụ. Vào thời điểm tiếp nhận, JPA hoạt động trong bối cảnh nguồn vốn chủ sở hữu bị âm, mất khả năng thanh toán và có nhiều khoản công nợ quá hạn, khó đòi.

Ngay sau khi nhận chuyển giao phần vốn Nhà nước tại JPA từ Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Jetstar cùng các cổ đông khác xây dựng phương án tái cơ cấu toàn diện hãng, trong đó có việc cấp thiết phải tăng vốn điều lệ; tái cơ cấu đội tàu bay, mạng bay; tổ chức sấp xếp lại nguồn lực, bộ máy quản lý để đưa JPA thoát khỏi tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng và hoạt động kinh doanh thua lỗ, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển.

Giai đoạn đầu, JPA đã tăng trưởng đội tàu bay, xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng kéo dài (thanh toán khoản nợ...) để cải thiện tình hình tài chính. Đến nay, JPA đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh đã đi vào ổn định, phát triển và giảm lỗ theo các năm.

“Theo báo cáo kiểm toán của Công ty Kiểm toán và Tư vấn Deloitte Việt Nam, năm 2015, sau rất nhiều năm hoạt động thua lỗ, JPA đã cân đối được thu chi với lợi nhuận trước thuế là 267 triệu đồng,” ông Hà nói.

Bên cạnh đó, theo ông Hà, năm 2015, đội máy bay, mạng đường bay mở rộng tăng trưởng bền vững, dù hơi chậm nhưng chắc và phối hợp chặt chẽ với cổ đông Vietnam Airlines và Tập đoàn Quantas để tạo dải sản phẩm tốt cho khách hàng tại thị trường nội địa.

Thống kê sơ bộ của Jetstar Quý 1 vừa qua, sản lượng khách đạt 45-47% so với cùng kỳ năm 2015, hãng khai thác 15 máy bay (tăng 6 chiếc so với năm trước đó) đồng thời cân đối được thu chi, tiêp tục là năm không lỗ.

“Việc Vietnam Airlines và Tập đoàn Quantas ‘rót vốn’ giúp Jetstar tái cấu trúc và tiếp tục tăng vốn trong thời gian tới. Trong đó, Vietnam Airlines góp vốn 39 triệu USD, tổng vốn tăng 139 triệu USD giai đoạn 2016-2020. Với cam kết này, Jetstar sẽ chủ động nâng đội tàu bay khai thác lên 30 chiếc vào năm 2020 nhằm mở rộng thị trường,” ông Hà khẳng định.

Đề cập về tầm nhìn, chiến lược phát triển và kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm (2016-2020), vị Tổng giám đốc Jetstara cho hay, hãng sẽ tiếp tục duy trì và phát triển là hãng hàng không giá rẻ có quy mô đủ lớn để đảm bảo cạnh tranh trong phân khúc chi phí thấp; hoàn thiện sản phẩm cùng với mạng đường bay cùa Vietnam Airlines để thực hiện chiến lược thương hiệu kép trên cơ sở khai thác các đường bay nội địa và quốc tế khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á; phát triển đội tàu bay; linh hoạt điều chỉnh đội bay trên cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, mở thêm đường bay và đảm bảo hiệu quả chung.

Đặt câu hỏi đến việc, giá xăng dầu giảm liên tục thời gian qua có tác động đến giá vé của các hãng hàng không, ông Hà nhìn nhận, quý 1 giá xăng Jet A1 bình quân là 43 USD/thùng, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2015 (70-71 USD/thùng). Bên cạnh đó, Chính phủ cũng điều chỉnh một số loại thuế như thuế môi trường và cộng các loại thuế này vào thì giá xăng dầu hàng không hiện tại đang giảm 25% trong khi các năm trước đó đều chiếm hơn 45%, tổng chi phí.

“Chi phí xăng dầu Quý 1 vừa qua của Jetstar chiếm 30% (quý 1/2015 là 39%) trong chi phí sản xuất. Tổng chi phí xăng dầu giảm 7,5-8% đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không đem đến các giá vé khuyến mại, giảm giá vé. Đặc biệt, giá vé của Jetstar giảm 22% trên tất cả các đường bay nội địa,” ông Hà tiết lộ.

Bổ sung thêm, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, giá vé của ngành hàng không khác biệt so với đường bộ, đường sắt, taxi đều chính sách một giá nhưng hàng không thì có nhiều loại giá. Đơn cử, trên đường bay Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, Vietnam Arilines hiện nay có tới 10 loại giá vé.

“Theo Luật Giao thông đường bộ, các Nghị định, Thông tư, giá vé hàng không đều bị kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý Nhà nước. Khi có biến động về giá xăng dầu đồng thời thay đổi giá vé, các hãng hàng không phải báo cáo, đăng ký để liên Bộ Tài chính, Giao thông vận tải tính toán lại để xem xét các hãng có thực hiện theo đúng quy định của văn bản quy phạm pháp luật hay không?,” ông Thành phân tích.

Ngoài ra, theo vị Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, từ đầu năm đến nay, chưa bao giờ các chương trình khuyến mai, giảm giá vé liên tục. Ba tháng đầu năm 2016, số lượng khách bay nội địa đi lại bằng đường hàng không tăng 34%.

“Thị trường hành khách tăng trưởng tốt như Việt Nam thì sản lượng bình quân hàng không phải tăng trưởng gấp 2 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nhìn chung, đến thời điểm này, mặt bằng giá vé của các hãng hàng không giảm 20%,” ông Thành khẳng định.

Nhấn mạnh thương hiệu kép Jetstar-Vietnam Airlines sẽ xây dựng một chuỗi hệ thống sản phẩm dịch vụ, giá cả khác nhau để tăng sự tiện ích và lựa chọn đối với khách hàng, ông Thành cũng cho biết, Vietnam Airlines và Jetstar sẽ phối hợp để lập lịch bay, giờ bay trên các đường bay để tạo sản phẩm dịch vụ đồng nhất. Đây là thế mạnh của thương hiệu kép khi bắt đầu chung sống dưới “một ngôi nhà chung.”
 

kieuanh

Nguồn: Vietnam+

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)