Với mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững hệ thống kỹ thuật chuyên ngành quản lý bay, phục vụ công tác điều hành bay an toàn, sáng ngày 01/8/2016, tại thành phố Đà Nẵng, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã tổ chức Hội nghị công tác kỹ thuật năm 2016, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thăng đã chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị, về phía khách mời có các đồng chí Lãnh đạo của Bộ Tư lệnh Thông tin, đại diện Quân chủng Phòng không-Không quân, Phòng Quản lý hoạt động bay, Cục HKVN và Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Về phía Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, tham dự có Chủ tịch Hội đồng thành viên Đinh Việt Thắng, Tổng giám đốc Phạm Việt Dũng và các đồng chí thành viên Hội đồng thành viên, các Phó Tổng giám đốc, đại diện Lãnh đạo các đơn vị và các cán bộ, chuyên viên, kỹ sư chuyên trách của các phòng, trung tâm bảo đảm kỹ thuật của các cơ sở điều hành bay trong toàn Tổng công ty.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Đinh Việt Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch Đinh Việt Thắng và Tổng giám đốc Phạm Việt Dũng đánh giá cao về vai trò của công tác kỹ thuật của Tổng công ty trong thời gian qua, được đánh giá là yếu tố vô cùng quan trọng, với hệ thống phức tạp, trải dài trên toàn quốc, nhưng hệ thống kỹ thuật của Tổng công ty, trong nhiều năm qua, luôn được Cục Hàng không đánh giá đạt tiêu chuẩn, đảm bảo duy trì 24/24h cho mọi hoạt động phục vụ công tác điều hành bay an toàn. Trước những thách thức đang đặt ra hiện nay về đổi mới công nghệ, các đồng chí đã chỉ đạo quyết liệt, đòi hỏi toàn bộ hệ thống kỹ thuật của Tổng công ty, trong thời gian tới cần tập trung giải quyết 6 nhiệm vụ trọng yếu sau:
Xây dựng quy hoạch lại tổng thể hệ thống kỹ thuật trong toàn quốc, xác định rõ việc tăng cường các hệ thống thông tin VHF, hệ thống radar giám sát, đài dẫn đường đảm bảo tăng năng lực thông tin liên lạc, các tính năng thiết bị, mở rộng tầm phủ, tính sẵn sàng của hệ thống, nhằm đảm bảo phục vụ tốt công tác điều hành bay.
Tổ chức tái cơ cấu lực lượng kỹ thuật, nhằm chuyên môn hóa, đồng bộ hóa toàn bộ hệ thống kỹ thuật trong toàn quốc, đảm bảo hệ thống kỹ thuật luôn vận hành trôi chảy, an toàn nhất. Cải tiến áp dụng phương thức quản lý kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng cường hiệu quả trong thực hiện giám sát tình trạng thiết bị kỹ thuật trong mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh.
Tổng giám đốc Phạm Việt Dũng phát biểu tại Hội nghị
Tổ chức tốt việc nhận diện danh mục các mối nguy hiểm của hệ thống kỹ thuật, nhằm quản lý nhận diện chủ động các yếu tố gây mất an toàn cho các hệ thống kỹ thuật. Quyết liệt triển khai quản lý hệ thống kỹ thuật của Tổng công ty theo tiêu chuẩn ISO.
Đổi mới phương thức quản lý vật tư dự phòng, cùng với phương thức quản lý mới nhằm rút ngắn tối đa thời gian mua sắm vật tư thay thế, đồng thời đảm bảo việc quản lý, sử dụng linh hoạt các vật tư dự phòng trong toàn Tổng công ty.
Tổ chức hàng năm diễn tập tăng cường khả năng ứng phó cho các lực lượng kỹ thuật khi có sự cố kỹ thuật xảy ra. Đổi mới công tác đào tạo, tăng cường hợp tác đào tạo cho các lực lượng chủ chốt làm công tác kỹ thuật; chú trọng đến việc huấn luyện thường xuyên cho tất cả các lực lượng kỹ thuật hiện nay, theo đúng yêu cầu của ICAO.
Ưu tiên trước hết cho việc bảo đảm an toàn an ninh mạng, tổ chức rà soát tổng thể để đưa ra những giải pháp bảo đảm an toàn an ninh mạng cho đến khi toàn hệ thống được bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Đảm bảo tốt các điều kiện cần thiết về nhân lực, vật lực nhằm đầu tư, xây dựng hệ thống nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ chuyên ngành Quản lý bay, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Trưởng ban Kỹ thuật Bế Nhật Hoàn trình bày báo cáo trung tâm của Hội nghị
Tiếp đó, Hội nghị, đã được nghe đồng chí Bế Nhật Hoàn trưởng Ban Kỹ thuật trình bầy báo cáo trung tâm của Hội nghị. Báo cáo đã tập trung đánh giá về hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Tổng công ty cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt phục vụ điều hành bay an toàn, cụ thể:
Về dịch vụ Thông tin hàng không: Tại 22 cảng hàng không trên toàn quốc đều được lắp đặt trạm VHF để phục vụ cho điều hành bay tại sân bay; 03 trạm VHF tiếp cận tại 3 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất; 07 trạm VHF đường dài được lắp đặt theo dọc trục đường bay Bắc - Nam. Dịch vụ thông tin do VATM cung cấp đạt chất lượng tốt, được đánh giá cao, chất lượng đạt ngang tầm khu vực và trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có mạng thông tin vệ tinh dùng riêng cho điều hành bay. Cùng với Singapore, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trong khu vực áp dụng dịch vụ CPDLC.
Về dịch vụ dẫn đường hàng không: Tổng công ty hiện đã đầu tư hệ thống đài dẫn đường: 03 đài NDB, 22 đài VOR/DME. Dịch vụ dẫn đường truyền thống bằng VOR/DME, NDB đã đáp ứng được yêu cầu đề ra. Hiện nay, Tổng công ty cũng đã rất chú trọng chỉ đạo phát triển dịch vụ dẫn đường bằng vệ tinh (GNSS), đáp ứng được lộ trình CNS/ATM mới, ASBU của ICAO.
Về dịch vụ giám sát hàng không: Toàn bộ vùng trời trong phạm vi trách nhiệm của Việt Nam hiện nay đã được bao phủ bởi 03 hệ thống rada sơ cấp, 06 hệ thống rada thứ cấp. Tại 2 Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất lắp đặt 02 hệ thống rada mặt đất. Dịch vụ xử lý dữ liệu radar/dữ liệu bay và hệ thống ATM của Việt Nam đang được đánh giá là một trong các quốc gia đứng đầu trong khu vực.
Đánh giá tình hình quản lý, bảo đảm kỹ thuật của Tổng công ty, đồng chí đã nhấn mạnh vào từng lĩnh vực, như: mô hình tổ chức thực hiện dịch vụ kỹ thuật; quản lý vật tư dự phòng; công tác khai thác, bảo trì bảo dưỡng, sửa chữa; nguồn nhân lực; hệ thống quản lý an toàn kỹ thuật; Hệ thống tài liệu pháp quy; về công tác Huấn luyện đào tạo; Phối hợp hiệp đồng nội bộ giữa kỹ thuật và không lưu; về nghiên cứu và tình hình phát triển khoa học và công nghệ của Tổng công ty.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, tồn tại và nêu rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan, để Hội nghị thảo luận đưa ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Đại diện Trung tâm Quản lý luồng không lưu phát biểu tham luận
Hội nghị đã dành phần lớn thời gian để đại diện các cơ quan, đơn vị trình bầy các tham luận, thảo luận, cũng như các giải pháp thực hiện nhằm xây dựng và phát triển bền vững dịch vụ kỹ thuật của Tổng công ty. Đã có 15 tham luận và 10 ý kiến thảo luận trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở của Tổng công ty và các khách mời xoay quanh các nội dung, về nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho dịch vụ Khí tượng; nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật thông qua Hệ thống Quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO; những giải pháp nhằm mục đích duy trì lâu dài Hệ thống radar Thompson, radar Selex; giải pháp đường truyền thông tin liên lạc hiệp đồng giữa nội bộ các đơn vị trong Tổng công ty, hiệp đồng với các đơn vị bên ngoài Tổng công ty,…..
Đại diện phòng Quản lý hoạt động bay - Cục HKVN phát biểu tham luận tại Hội nghị
Trong số những ý kiến, đáng chủ ý là tham luận và ý kiến của nhiều đại biểu trao đổi về nội dung bảo đảm an toàn an ninh hệ thống mạng của Tổng công ty hiện nay. Đây là vấn đề đang được lãnh đạo Tổng công ty đặc biệt quan tâm, các ý kiến đã tập trung đánh giá thực trạng nguy cơ mất an toàn thông tin đối với hệ thống mạng và các giải pháp tăng cường an ninh hệ thống phục vụ yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Đại diện Ban Kỹ thuật phát biểu tham luận tại Hội nghị
Kết luận tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thăng đã chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai các giải pháp để hoàn thiện việc xây dựng và phát triển bền vững dịch vụ kỹ thuật của Tổng công ty, đồng chí đã nhấn mạnh, trọng tâm cần thực hiện các nhiệm vụ sau:
Về tổ chức kỹ thuật: Kiện toàn mô hình tổ chức kỹ thuật theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, tách lĩnh vực cung cấp dịch vụ kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay là một công ty con thuộc Tổng công ty. Để giải quyết vấn đề tăng hiệu quả, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có của đơn vị, thực hiện cổ phần hóa huy động được các nguồn lực đầu tư từ xã hội.
Về nguồn nhân lực: Ưu tiên các chính sách đầu tư cho đào tạo huấn luyện kỹ thuật; Bố trí lao động phù hợp với năng lực, trình độ của nhân viên kỹ thuật; có chế độ đánh giá tiêu chuẩn cấp bậc chuyên môn kỹ thuật và tiền lương hợp lý. Công tác huấn luyện thường xuyên, huấn luyện nâng cao, huấn luyện khác phải đáp ứng qui định của ICAO. Xây dựng đội ngũ huấn luyện viên kỹ thuật tại các đơn vị kỹ thuật.
Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Thăng phát biểu kết luận Hội nghị
Về quản lý: Áp dụng mô hình hệ thống quản lý chất lượng ISO cho lĩnh vực cung cấp dịch vụ kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay. Hoàn thiện và xây dựng những quy định kỹ thuật thống nhất về các hệ thống thiết bị CNS, điện nguồn, chống sét, phòng thiết bị quản lý bay tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ bay kiểm tra PBN. Hoàn thiện tiêu chuẩn cấp bậc nhân viên kỹ thuật theo quy chế trả lương phù hợp với vị trí công việc kỹ thuật thực tế.
Về kỹ thuật công nghệ: Ưu tiên nguồn lực cho việc đầu tư, nâng cấp các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật CNS/ATM theo lộ trình ASBU, đảm bảo hệ thống thiết bị trong nước phù hợp với các yêu cầu kết nối quốc tế. Đầu tư hệ thống trang thiết bị mới thay thế các trang thiết bị đã lỗi thời và xuống cấp, gồm có: Hệ thống ATM mới cho khu vực phía Nam, hệ thống VSAT phía Nam, APP Đà Nẵng.
Đầu tư thêm các trạm VHF A/G cho ACC HCM, các trạm ADS-B để tăng cường vùng phủ sóng tại vùng phía đông FIR HCM. Đầu tư xây dựng mở rộng phạm vi ứng dụng mạng viễn thông hàng không ATN cho AMHS, AIDC, ADS-B. Rà soát, bổ sung tần số và thiết bị dự phòng tại các cơ sở điều hành bay có mật độ bay cao. Bổ sung thiết bị và tần số dự phòng còn thiếu cho điều hành bay đường dài và điều hành bay khu vực tiếp cận vì trong thực tiễn hiện tượng nhiễu tần số xảy ra thường không nằm trong tầm kiểm soát của Tổng công ty. Chuyển đổi mạng thông tin vệ tinh sang VINASAT cùng với việc thay thế hệ thống VSAT cũ phía Nam.
Xây lắp các đài dẫn đường mới, thay thế các đài dẫn đường cũ tại các sân bay và các điểm trọng yếu trên hệ thống và các đường bay bằng phương tiện dẫn đường DVOR/DME nhằm mở rộng và tăng cường diện phủ sóng phù trợ dẫn đường hàng tuyến và đi/đến các sân bay.
Gian trưng bày các sản phẩm do ATTECH nghiên cứu và chế tạo
Đo đạc hệ tọa độ WGS-84 các hệ thống thiết bị của Tổng công ty. Từng bước tiếp cận công nghệ dẫn đường mới theo tính năng PBN. Trên cơ sở lộ trình và phương thức bay áp dụng công nghệ PBN, đặc biệt là phương thực DME/DME để có thể xây dựng quy hoạch và kế hoạch đầu tư các đài DME phục vụ phương thức và phối hợp đồng bộ với hệ thống các đài DME các nước lân cận chúng ta.
Nâng cấp chất lượng dịch vụ bay hiệu chuẩn đảm bảo tính chủ động về phương tiện thiết bị và con người; theo lộ trình cam kết với ICAO đến năm 2020 áp dung AIDC, kết nối các trung tâm điều hành bay của Việt Nam với các Nước trong khu vực, trên hạ tầng mạng AFTN hiện nay và sau đó áp dụng từng bước theo mạng ATN. Hoàn thành việc chuyển đổi chính thức sử dụng hệ thống AMHS, thực hiện nâng cấp tính năng mới của AMHS, triển khai kết nối AMHS với các nước trong khu vực. Xây dựng mạng ADS-B đảm bảo khả năng giám sát, đặc biệt là giám sát các hoạt động bay tầm thấp. Đến năm 2020 hoàn thành phủ sóng mạng ADS-B trên toàn quốc và áp dụng giám sát ADS-B.
Các đại biểu tham gia Hội nghị công tác kỹ thuật năm 2016 do VATM tổ chức