Phương châm đổi mới "nói đi đôi với làm" của ngành Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) thời gian gần đây đã được đánh giá cao, hiệu quả lớn nhất là sản lượng vận tải lĩnh vực này tăng mạnh chưa từng có.
Vận tải đường thủy được gỡ nhiều rào cản
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam chia sẻ, sau hơn một năm thực hiện tái cơ cấu vận tải ĐTNĐ đến năm 2020 theo đề án được Bộ GTVT phê duyệt tháng 4/2015, vận tải đường thủy có sự tăng trưởng rất nhanh về đội tàu và sản lượng vận tải hàng hóa. Điều này minh chứng trong 9 tháng đầu năm 2016, đường thủy vận chuyển 123,97 triệu lượt khách, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, vận chuyển 160,25 triệu tấn hàng hóa, tăng 6,2%.
Theo ông Giang, sự tăng trưởng còn thể hiện qua việc chuyển dịch từ đội tàu trên dưới 500 tấn trước kia lên trọng tải 1.000 - 3.000 tấn như hiện nay. Điển hình là tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang dành cho tàu sông pha biển (tàu SB). Nếu như giữa năm 2015 mới có gần 300 phương tiện và Đề án tái cơ cấu đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt hơn 1.000 phương tiện, nhưng đến nay đã có 964 tàu đang hoạt động, trong khi hàng trăm phương tiện khác đã được phê duyệt thiết kế để đóng mới. Sản lượng vận tải hàng hóa trên tuyến này 10 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 11,2 triệu tấn, tăng tới 236% so với cùng kỳ năm trước.
Đằng sau sự tăng trưởng này là cơ chế chính sách, thủ tục hành chính lĩnh vực đường thủy đã và đang được mở tối đa để tạo thuận lợi cho DN, người dân. Hầu hết các thủ tục liên quan đến phương tiện, thuyền viên đã được Cục ĐTNĐ Việt Nam tiếp nhận, giải quyết trực tuyến qua mạng. Đáng lưu ý là trong tháng 11/2016, 100% thủ tục liên quan đến lĩnh vực này được thực hiện trên mạng. Quy trình kiểm tra của Cảng vụ đối với phương tiện, thuyền viên được đơn giản tối đa, việc cấp phép cho tàu vào, rời cảng bến được thí điểm bằng tin nhắn điện thoại. Điều này nhận được sự đồng thuận lớn của doanh nghiệp, bởi trực tiếp giúp doanh nghiệp giảm chi phí, thời gian đi lại làm thủ tục cảng vụ và ngăn ngừa phiền hà, sách nhiễu. Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, sau hơn hai tháng thí điểm đã cấp phép ra, vào bến qua tin nhắn cho hơn 4.000 lượt phương tiện.
Bốc xếp xi măng từ phương tiện thủy lên bộ
Cải cách cơ chế phí, đào tạo
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, lĩnh vực đường thủy cần tiếp tục có những quy định phù hợp thực tiễn để giảm chi phí và thuận lợi hơn cho DN, người dân. “Quản lý nhà nước nói tạo điều kiện cho DN, nhưng việc tạo điều kiện phải xuất phát từ góc nhìn của DN, từ thực tiễn”, Thứ trưởng Thọ nói tại buổi tiếp xúc, đối thoại với DN đường thủy mới đây.
Cùng đó, Thứ trưởng Thọ cũng chỉ đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam phối hợp với đơn vị liên quan đề xuất phương án thu phí phương tiện vào cảng, bến theo tháng, năm (thay vì từng lần một như hiện nay) để thuận tiện cho DN khi cho phương tiện rời cảng ngoài giờ hành chính; Kiên quyết không để xảy ra hiện tượng cảng vụ đường thủy và cảng vụ hàng hải thu phí hai lần đối với phương tiện trên cùng một hành trình.
Ông Trần Tiến Lực, chủ DN tư nhân chuyên vận chuyển cát tuyến Việt Trì - Hà Nội - Hải Dương cho biết, giá vận chuyển cát hiện vào khoảng 4.000 - 5.000 đồng/m3; so với cùng kỳ năm trước giảm hơn 50%. Tương tự, chủ tàu Đào Việt Thành, vận chuyển xi măng từ Hải Phòng về Hải Dương cho biết, giá cước hiện khoảng 29.000đồng/tấn/60km, giảm 5.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Đối với lĩnh vực kinh doanh cảng, bến thủy, Thứ trưởng Lê Đình Thọ vừa yêu cầu Cục ĐTNĐ Việt Nam và các đơn vị chức năng trong tháng 11/2016 hoàn thành sửa đổi quy định về năng lực đón tàu của cảng thủy, giải quyết bất cập “cảng to không được đón tàu to”. Bất cập trên xuất phát từ việc công bố năng lực cảng dựa vào trọng tải tàu và phụ thuộc vào cấp luồng chạy tàu, cho dù cảng có khả năng tận dụng thủy triều để đón tàu theo đúng năng lực của cảng.
Theo Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Hồng Giang, đây đang là “nút thắt” trong công tác quản lý. Vì vậy, việc công bố cảng sẽ được tính theo kích thước cảng và khả năng chịu lực, thay cho căn cứ vào tải trọng phương tiện như hiện nay (chẳng hạn cảng có khả năng đón được tàu 1.500 tấn nhưng trong giấy phép chỉ cho đón loại thấp hơn vì cấp luồng chạy tàu được công bố không đáp ứng tàu 1.500 tấn).
Ông Giang cho biết thêm, Cục ĐTNĐ Việt Nam đang khẩn trương sửa đổi quy định về điều kiện lái phương tiện của thuyền viên, trong đó cho phép thuyền trưởng hạng II được điều khiển tàu có trọng tải đến 800 tấn (tương đương với thuyền trưởng hạng I hiện nay). Đây hẳn là tin vui cho DN và thuyền viên, nhất là ở ĐBSCL, bởi thực tế nhiều thuyền trưởng hạng II muốn nâng cấp lên hạng I nhưng không thể thực hiện được vì khó đáp ứng điều kiện về tốt nghiệp PTTH.