VATM mở thêm vị trí cấp huấn lệnh không lưu tại Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài

Thứ năm, 10/11/2016 07:52
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nhằm nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ điều hành bay, giảm áp lực về khối lượng công việc cho Kiểm soát viên không lưu Cơ sở kiểm soát tiếp cận – tại sân Nội Bài, đặc biệt là Kiểm soát viên kiểm soát mặt đất Nội Bài, từ 00h01 (giờ UTC) ngày 10/11/2016, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) thực hiện triển khai thêm vị trí cấp huấn lệnh không lưu tại Đài Kiểm soát không lưu (KSKL) Nội Bài.

Việc bổ sung thêm vị trí cấp huấn lệnh góp phần điều tiết, sắp xếp các chuyến bay khởi hành nhằm bảo đảm công tác điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả, nâng cao năng lực khai thác đường lăn, đường cất hạ cánh tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.

Chức năng, nhiệm vụ của vị trí cấp huấn lệnh không lưu được tách từ một phần chức năng, nhiệm vụ của Kiểm soát viên không lưu Bộ phận kiểm soát mặt đất (GCU) Nội Bài về cấp huấn lệnh không lưu gồm huấn lệnh đường dài (ATC clearance) và tên gọi của phương thức khởi hành tiêu chuẩn (SID), phối hợp điều tiết, sắp xếp các tàu bay khởi hành từ Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài trước khi tàu bay xin phép đẩy/ nổ máy.

Trước đó, VATM đã tiến hành thử nghiệm khai thác vị trí cấp huấn lệnh không lưu từ 02.00 đến 04.00 (giờ UTC) ngày 7/11/2016  theo đúng kế hoạch đã được Cục Hàng không Việt Nam chấp thuận. Trong khi thử nghiệm, cấp huấn lệnh không lưu đảm bảo đúng quy định, đầy đủ, chính xác và kịp thời cho 15 chuyến bay khởi hành từ sân bay Nội Bài của các Hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jestar Pacific Airlines. Các hệ thống, trang thiết bị hoạt động ổn định, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn khai thác đúng theo kế hoạch. VATM khẳng định sẵn sàng thực hiện khai thác vị trí cấp huấn lệnh không lưu tại Đài KSKL Nội Bài theo đúng kế hoạch.

Kíp trực tại Đài KSKL Nội Bài

Hiện nay, mật độ hoạt động bay tại các Cảng Hàng không quốc tế ngày một tăng cao, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất vào giai đoạn cao điểm, cơ sở điều hành bay đã điều hành trung bình trên 700 chuyến bay/ngày. Với mật độ hoạt động bay cao, việc cấp huấn lệnh (ATC clearance, chỉ thị khởi hành) cho tổ lái đã chiếm một phần không nhỏ trong khối lượng công việc của GCU. Đây cũng là yếu tố gây nghẽn sóng liên lạc không địa của GCU khi vừa phải cấp huấn lệnh cho tổ lái, đồng thời vừa điều hành, kiểm soát tàu bay lăn trong khu vực trách nhiệm trên cùng một tần số sóng liên lạc  không địa. Điều này có thể dẫn đến việc chuyến bay bị trì hoãn, chậm trễ, ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp dịch vụ điều hành bay.

Với thực trạng như hiện nay, việc bổ sung thêm vị trí cấp huấn lệnh với tần số liên lạc riêng tại GCU là cần thiết, đặc biệt là tại các sân bay có hoạt động bay cao như Tân Sơn Nhất và Nội Bài, góp phần làm giảm tải khối lượng công việc cho kiểm soát viên không lưu, giảm thiểu việc chiếm giữ sóng liên lạc, giảm sự chậm chễ và nâng cao chất lượng dịch vụ điều hành bay. Hiện nay, trên thế giới cũng như một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng đã triển khai vị trí cấp huấn lệnh với tần số liên lạc riêng biệt.

VATM

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)