Giấc mơ bay thẳng đến Mỹ sắp thành hiện thực

Thứ ba, 18/04/2017 12:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mục tiêu mở đường bay thẳng đến Mỹ đang gần hơn bao giờ hết khi Cục Hàng không VN sắp được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) phê chuẩn năng lực giám sát hàng không mức 1 (CAT1).

Vietnam Airlines đã lên kế hoạch mở đường bay thẳng đến bờ Tây nước Mỹ với
2 địa điểm đang được cân nhắc gồm Los Angeleshoặc San Fransisco - Ảnh: Thanh Bình

Sắp chạm đích

Hành trình chuẩn bị cho việc mở đường bay thẳng đến Mỹ đã được nhà chức trách hàng không, hãng hàng không manh nha từ hàng chục năm trước. Với Vietnam Airlines, đó là việc cùng lúc tiếp nhận, quản lý và khai thác hai dòng máy bay thế hệ mới hiện đại bậc nhất hiện nay đến từ hai nhà sản xuất, chế tạo máy bay hàng đầu thế giới là Airbus A350-900 XWB và Boeing 787-9 Dreamliner.

Trong khi hãng hàng không tích cực đầu tư phương tiện, thiết bị, nhân lực phục vụ việc mở đường bay thẳng thì phía cơ quan Nhà nước, Cục Hàng không VN cũng đã sẵn sàng cho đợt rà soát kỹ thuật do phía Mỹ thực hiện, dự kiến vào tháng 5 tới. “Hiện, chúng tôi đã sẵn sàng cho đợt rà soát kỹ thuật này. Kết quả tích cực của đợt rà soát sẽ là cơ sở quan trọng cho đợt Đánh giá an toàn hàng không toàn cầu (IASA) sắp tới của FAA với Cục Hàng không VN trước khi cấp phê chuẩn CAT1”, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết.

Để chuẩn bị cho đợt rà soát kỹ thuật vào tháng 5 tới của FAA, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, cơ quan này đã có một đợt chuẩn bị khá công phu, kéo dài nhiều năm để nâng cao năng lực giám sát an toàn hàng không.

“Công việc đầu tiên và quan trọng nhất là hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống các tài liệu hướng dẫn liên quan đến an toàn và giám sát an toàn. Kế đó, phải xây dựng đội ngũ giám sát viên an toàn hàng không đảm bảo cả số lượng và chất lượng, xây dựng chương trình đào tạo, huấn luyện giám sát viên từ cơ bản đến nâng cao; Xây dựng kế hoạch, chương trình để có thể kiểm soát toàn bộ công việc, kết quả làm việc của giám sát viên”, ông Thanh nói và cho biết thêm: Đội ngũ giám sát viên an toàn hàng không hiện nay đều được cử đi đào tạo cả trong và ngoài nước để có được hàng loạt các chứng chỉ theo yêu cầu của phía FAA.

“Trước đây, Cục Hàng không VN không có phi công nào là công chức, nhưng bây giờ, theo tiêu chuẩn của FAA, phải có tối thiểu 2 giám sát bay (là phi công) làm việc toàn thời gian. Các giám sát viên phải thực hiện đầy đủ tất cả quy trình, nội dung giám sát với cả việc khai thác tàu bay cũng như đảm bảo tiêu chuẩn đủ điều kiện bay của tàu bay”, ông Thanh thông tin thêm.

Ngoài ra, Cục Hàng không VN cũng phải hoàn thiện hệ thống chế tài, vừa xử phạt vi phạm hành chính, vừa khuyến cáo, kiểm soát việc thực hiện khuyến cáo của nhà chức trách hàng không đối với việc đảm bảo an toàn; Hoàn thiện hệ thống thư viện pháp luật…

Trên thực tế, với các nước như Anh hay Liên minh châu Âu (EU), để chấp thuận mở đường bay, nhà chức trách hàng không chỉ đánh giá năng lực của hãng hàng không muốn mở đường bay đến lãnh thổ của mình. Còn với Mỹ, để được bay đến đây, nhà chức trách hàng không của quốc gia đó phải đáp ứng được tiêu chuẩn giám sát của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng như quy chế an toàn của FAA, cụ thể là phải được phê chuẩn CAT1. Sau khi đạt CAT1, Cục Hàng không VN sẽ được phép giám sát các hãng hàng không có trụ sở tại nước ta nhằm bảo đảm sự tuân thủ các quy chế và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để có thể bay thẳng đến Mỹ.

Theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của Vietnam Airlines, hãng này đã lên kế hoạch mở đường bay thẳng đến bờ Tây nước Mỹ với 2 địa điểm đang được cân nhắc gồm: Los Angeles hoặc San Fransisco. Với đội bay thế hệ mới A350 XWB và Boeing 787-9, trong hành trình, máy bay sẽ có 1 điểm dừng kỹ thuật là Tokyo hoặc Osaka (Nhật Bản). Tại điểm dừng này, máy bay sẽ được tiếp nhiên liệu, cung cấp suất ăn, thời gian tối đa khoảng 1 giờ và hành khách không phải xuống máy bay.

Được biết, hiện tại, hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã nộp hồ sơ xin cấp phép bay thương mại lên Bộ GTVT Hoa Kỳ. “Trên cơ sở đánh giá CAT1 của FAA, Vietnam Airlines sẽ nghiên cứu, lập kế hoạch khai thác đến thị trường Hoa Kỳ vào thời điểm thích hợp, dự kiến vào cuối năm 2018”, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết.

Trong một diễn biến khác, Vietnam Airlines cũng đã khai thác các đường bay đi/đến Mỹ dưới hình thức bay liên danh (code share) với tần suất 7 chuyến/tuần đến 25 địa điểm của Mỹ. Theo đó, hành khách mua vé máy bay của Vietnam Airlines nhưng chỉ bay một chặng trên máy bay của hãng, sau đó chuyển sang chuyến bay của hãng đối tác gồm China Airlines (qua cửa ngõ Đài Bắc) và Delta Airlines (qua cửa ngõ Narita, Haneda và Frankfurt).

Tuy nhiên, theo thông tin của Báo Giao thông, sản lượng vận tải khách qua hình thức bay liên danh năm 2016 đang giảm 4-15% so với năm 2015, do Delta Airlines cắt giảm 1 đường bay và chuyển đổi sân bay khai thác là điểm trung chuyển ở Tokyo, không thuận tiện cho hành khách nối chuyến.

Phục vụ hành khách ở nhà ga T2 CHK quốc tế Nội Bài

Phục vụ hành khách ở nhà ga T2 CHK quốc tế Nội Bài

Hành khách được gì?

Theo các chuyên gia, Mỹ là thị trường hàng không lớn nhất thế giới, vì thế sức cạnh tranh trên các đường bay đến quốc gia này chưa bao giờ giảm nhiệt. Thống kê cho thấy, hiện nay có khoảng 24 hãng hàng không khai thác chặng bay Việt Nam đi Mỹ tại các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất. Với các đường bay đến bờ Tây (San Francisco, Los Angeles), hãng hàng không thường trung chuyển qua các cửa ngõ Đài Bắc (Đài Loan), Seoul (Hàn Quốc), Hong Kong, Tokyo (Nhật Bản), Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc). Trong khi đó, các đường bay đến New York, Boston thuộc bờ Đông nước Mỹ, hành khách có thể trung chuyển tại Nhật Bản, Hong Kong hoặc các nước châu Âu như Pháp, Đức.

Thời gian trung chuyển hành khách với 1 điểm dừng này khoảng 3-5 giờ, tổng thời gian bay khoảng 17 giờ. Nếu có 2 điểm dừng (dừng qua đêm) và chuyển đổi sân bay, thời gian bay có thể kéo dài 25-38 giờ. Tùy vào khả năng chi trả và thời gian cho phép, hành khách có thể chọn chuyến bay có mức giá khoảng 15 - 40 triệu đồng dựa trên thời điểm, hành trình và số điểm trung chuyển.

Về câu hỏi đặt ra là nếu có đường bay thẳng đến Mỹ, hành khách sẽ được lợi gì, các chuyên gia hàng không đều thống nhất quan điểm: Lợi thế lớn nhất là thời gian. “Bay thẳng chắc chắn sẽ nhanh hơn, dịch vụ cung cấp trên máy bay sẽ phù hợp với đặc điểm và thói quen người Việt Nam hơn, tuy nhiên giá vé sẽ cao hơn. Còn nếu bay với nhiều điểm quá cảnh, khách mất thời gian nhiều hơn nhưng bù lại sẽ tiết kiệm được chi phí vì có thể mua được loại vé tiết kiệm”, một chuyên gia nói và phân tích thêm: Phân khúc thị trường mà Vietnam Airlines nhắm đến chắc chắn là những hành khách có khả năng chi trả cao và mong muốn tiết kiệm thời gian di chuyển.

Thống kê cho thấy, năm 2016, tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 689 nghìn khách. Tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 - 2016 đạt 8,4%/năm. Trong đó, dung lượng khách giữa Việt Nam - Los Angeles là lớn nhất với 137 nghìn lượt khách, Việt Nam - San Francisco lớn thứ 2, đạt hơn 90 nghìn khách/năm.

Năm 2003, Việt Nam và Mỹ ký kết Hiệp định Hàng không, cho phép các hãng hàng không 2 nước cung cấp dịch vụ trực tiếp lẫn nhau không hạn chế. Theo đó, sau 2 năm từ ngày ký hiệp định, mỗi nước có quyền chỉ định tối đa 2 hãng hàng không thực hiện bay thẳng, góp phần rút ngắn lộ trình, tiết kiệm thời gian cho hành khách và vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, mới chỉ có phía Mỹ hiện thực hóa hiệp định này bằng việc chỉ định hãng hàng không United Airlines mở đường bay thẳng San Fransisco - TP HCM, quá cảnh ở Hong Kong. Đường bay này sau đó đã đóng lại vào cuối năm 2016, nhiều khả năng do thị trường chưa như mong muốn.
 

 

kieuanh

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)