VEC: Tiên phong nhượng quyền khai thác đường bộ cao tốc

Thứ năm, 11/05/2017 15:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
“Nhượng quyền vận hành khai thác (O&M) để tạo nguồn lực đầu tư dự án mới” – Đó là khẳng định của Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Mai Tuấn Anh khi trao đổi với phóng viên.

  “Được đà xốc tới”, đề án nhượng quyền O&M thứ 2 áp cho Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây được VEC ấp ủ và dự kiến cho ra đời trong tháng 5 này. Các Nhà đầu tư Nhật rất quan tâm đến Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, điển hình như nhóm nhà đầu tư PPP do tỉnh Aichi đứng đầu…

Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Mai Tuấn Anh.

Việc nhượng quyền vận hành khai thác hay bán quyền thu phí… là những mô hình phổ biến ở nước ngoài, tuy nhiên ở Việt Nam lĩnh vực này còn khá mới mẻ.

Sự cấp thiết nhượng quyền các dự án cao tốc

Mới đây, VEC đã trình lên Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhượng quyền vận hành khai thác (O&M) Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đây được xem là hướng đi mới, hiệu quả của VEC nói riêng và ngành Giao thông vận tải nói chung nhằm huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư các dự án phát triển hạ tầng đường bộ, giảm áp lực tăng nợ công của Chính phủ. Việc áp dụng chính sách nhượng quyền khai thác có thời hạn cho khu vực tư nhân tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng đường bộ không chỉ nhằm sớm thu hồi vốn đầu tư ban đầu, mà còn nâng cao hiệu quả khai thác vận hành do được chuyển giao và áp dụng các công nghệ tiên tiến. Vì vậy, việc nhượng quyền có thời hạn quyền vận hành khai thác các dự án đường cao tốc VEC quản lý được coi là hướng đi phù hợp và cần thiết.

Nhượng quyền O&M cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với giá trên 9.100 tỷ VNĐ

Trả lời câu hỏi về căn cứ nào để VEC đưa ra mức giá trị chuyển nhượng trên, Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh cho biết, việc xác định giá trị nhượng quyền có thời hạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được VEC dựa trên cơ sở thu nhập ròng hàng năm trong tương lai của tuyến đường với các thông số đầu vào cơ bản như: doanh thu; chi phí quản lý vận hành, chi phí bảo dưỡng định kỳ; cơ cấu nguồn vốn; lãi suất giả định cho vốn chủ sở hữu và vốn huy động tại doanh nghiệp dự án. Phí chuyển nhượng được trả cho VEC theo 3 đợt thanh toán, mỗi đợt bằng 1/3 giá trị nhượng quyền. 

Thưa ông, giá trị nhượng quyền lên tới gần 10.000 tỷ VNĐ có ảnh hưởng đến việc thu hút các Nhà đầu tư?

Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh: Giá trị nhượng quyền không phải là vấn đề lớn với Nhà đầu tư, mà quan trọng hơn cả là kỳ vọng của Nhà đầu tư khi nhận quyền khai thác sẽ được hưởng lợi gì. Điều Nhà đầu tư quan tâm chính là các phương án tài chính VEC xây dựng đã hợp lý và có tính khả thi không. Bên cạnh đó, chất lượng công trình, cơ chế thực hiện… cũng là những mối lưu tâm của Nhà đầu tư.

Nhà đầu tư còn quan ngại đến các rủi ro về lưu lượng, tỷ giá, chính sách vĩ mô… Cụ thể, có 3 kịch bản xảy ra đối với dự báo tăng trưởng về lưu lượng: lưu lượng đạt đúng như kỳ vọng; cao hơn; thấp hơn. Và Nhà đầu tư quan tâm đến chính sách, cơ chế của Nhà nước bảo lãnh rủi ro về lưu lượng. Tùy từng quốc gia mà tỷ lệ bảo lãnh này có khác nhau, thường thì ± 10% lưu lượng dự báo. Điều kiện cụ thể về tỷ lệ bảo lãnh sẽ được đưa vào hợp đồng kinh tế PPP.

Rủi ro về tỷ giá hối đoái, chuyển đổi ngoại tệ… đối với Nhà đầu tư là rất lớn, do thời gian ký kết hợp đồng chuyển nhượng kéo dài nhiều chục năm, do đó đòi hỏi chính sách vĩ mô phải có sự ổn định.

Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Mai Tuấn Anh

Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

Cách đặt vấn đề của Đề án có vẻ hướng tới các Nhà đầu tư ngoài?

Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh: Đề án không hạn chế đối tượng Nhà đầu tư tham gia nhượng quyền. Nhưng với số vốn gần 10.000 tỷ VNĐ bỏ ra không phải là con số nhỏ với Nhà đầu tư trong nước, việc huy động ngân hàng cũng gặp phải khá nhiều “rào cản”. Chưa kể, một số Nhà đầu tư trong nước có tiềm lực tài chính lại chủ yếu quan tâm đến lĩnh vực bất động sản. “Đầu tư vào giao thông chứa đựng nhiều rủi ro” – Tổng giám đốc nhận định.

Thưa ông, hiệu quả chuyển nhượng đã thấy rõ, nhưng nếu không có Nhà đầu tư tiềm năng thì Đề án sẽ khó triển khai thành công?

Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh: Ngay khi xây dựng Đề án nhượng quyền vận hành, khai thác Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, quan điểm lựa chọn Nhà đầu tư tiềm năng của VEC là phải đảm bảo 3 yếu tố: Có kinh nghiệm đầu tư các dự án nhượng quyền cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ; có năng lực về tài chính; và có năng lực về vận hành, khai thác các dự án đường cao tốc.

Liệu Vinci có phải là Nhà đầu tư của “thương vụ” này và các cam kết của hai bên?

Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh: Trước mắt, VEC chỉ tham khảo kinh nghiệm của Vinci trong quá trình nghiên cứu xây dựng Đề án nhượng quyền vận hành, khai thác Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Việc lựa chọn Nhà đầu tư sẽ chỉ tiến hành sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với những cơ chế đảm bảo tính khả thi.

Như trên đã phân tích, việc nhượng quyền không đơn giản bởi nó chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ yên tâm đầu tư khi thấy rõ những quan tâm của họ (như các vấn đề bảo lãnh rủi ro…) đã được đề cập và giải quyết như thế nào, hiệu quả của đồng vốn bỏ ra, hành lang pháp lý và sự ổn định về cơ chế chính sách. Chính vì thế, trong Đề án nhượng quyền vận hành, khai thác Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, VEC cũng đề xuất rất cụ thể về phương án, cơ chế chính sách, tổ chức thưc hiện, tiến độ thực hiện… để báo cáo Bộ GTVT xem xét, trình Thủ tướng chấp thuận, trên cơ sở đó VEC mới triển khai.

Về trình tự thực hiện Đề án, Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh cho rằng còn rất nhiều việc phải làm. Trước tiên, trên cơ sở Đề án xây dựng, VEC trình Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển nhượng O&M. Để chuyển nhượng được, VEC đã xây dựng 4 phương án về thời gian nhượng quyền kèm theo đó là giá trị nhượng quyền trong 20 năm, 25 năm, 30 năm và 35 năm; các kịch bản được đề xuất trên cơ sở kỳ vọng của Nhà đầu tư trên vốn chủ sở hữu (12 - 14%), lãi vay ngân hàng trong nước và ngoài nước…

Trong thời gian nhượng quyền, Nhà đầu tư phải thực hiện bảo trì, bảo dưỡng, trung tu… theo đúng quy định. Hết thời hạn nhượng quyền, Nhà đầu tư phải chuyển lại “con đường” cho VEC tiếp tục khai thác.

Cũng theo Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh, chuyển nhượng O&M chính là một hình thức đầu tư PPP, và muốn triển khai đầu tư, Nhà đầu tư tiềm năng cùng đơn vị chủ đường thành lập doanh nghiệp dự án (SPV) để vận hành, khai thác tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Trong Đề án, VEC lập ra 2 phương án về sự tham gia của VEC trong SPV: Phương án 1 là VEC nhượng quyền toàn bộ và không tham gia vào hoạt động của SPV; Phương án 2 là VEC góp vốn chủ sở hữu bằng 30% giá trị nhượng quyền, trong đó phần vốn góp của VEC là 29% và phần vốn góp của Nhà đầu tư chiến lược là 71%. Đây là vấn đề Nhà đầu tư rất quan tâm, bởi Nhà đầu tư mong muốn VEC đứng ra hỗ trợ Nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Lý giải vì sao VEC chỉ góp 29% vốn chủ sở hữu mà không phải là 30%, Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh cho biết vì theo quy định của khoản 1b Điều 2 Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định Nhà đầu tư chỉ được tham dự thầu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi bên mời thầu không có cổ phẩn hoặc vốn góp trên 30% của nhau.

Tiến độ thực hiện Đề án cụ thể thế nào, thưa ông?

Tổng giám đốc Mai Tuấn Anh: Để triển khai Đề án, VEC đã xây dựng kế hoạch 9 bước thực hiện. Nếu Đề án được phê duyệt, VEC phấn đấu trong năm 2017 hoàn thành các thủ tục triển khai chuyển nhượng O&M Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Số tiền thu được, ngoài phần góp vào SPV, VEC sẽ đầu tư vào Dự án đường cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đối tác công – tư ( PPP) đoạn từ Ninh Bình – Quốc lộ 45 và Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa) với chiều dài 106km với tổng mức đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng. Do đó, việc triển khai sớm Đề này này là cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên đây là một lĩnh vực mới chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, đang ở giai đoạn khởi động với những cơ chế đặc biệt, nên đòi hỏi cần có thời gian để các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp nhận thông tin, tìm hiểu và nghiên cứu mô hình. Tuy nhiên, VEC hy vọng Đề án sẽ được thông qua sớm nhằm tạo nguồn lực mới cho doanh nghiệp.

Đề án nhượng quyền O&M thứ 2 áp cho Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây được VEC ấp ủ và dự kiến cho ra đời trong tháng 5 này. Các Nhà đầu tư Nhật rất quan tâm đến Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, điển hình như nhóm nhà đầu tư PPP do tỉnh Aichi đứng đầu…

Hồng Minh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)