Ông Lê Văn Nhược, người lính thuộc Đoàn 759 anh hùng (tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân) năm xưa từng lái một trong những chiếc tàu của Đoàn tàu không số, nhớ lại thời kỳ dùng tàu vỏ gỗ hai đáy do ngành GTVT thiết kế, chở vũ khí cho miền Nam.
Tiễn nhau bằng tên gọi
Trong căn nhà nhỏ ở phố Thanh Lân, quận Hoàng Mai (Hà Nội), bức ảnh đen trắng con tàu không số rất to được ông Nhược treo chính giữa, bên trong có ảnh nhỏ của ông thời trẻ mặc quân phục, xung quanh là ảnh ông chụp cùng đồng đội.
Ánh mắt của người lính năm xưa vẫn cháy lên ngọn lửa sục sôi khí thế hào hùng khi ông kể về tháng ngày lịch sử của những con người đã làm nên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.
|
Ông Lê Văn Nhược |
Đó là khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang trong thời kỳ quyết liệt, bom đạn dữ dội, những yêu cầu về cung cấp lương thực, thuốc men và vũ khí cho chiến trường miền Nam luôn được ưu tiên hàng đầu. Bộ Chính trị quyết định phải thành lập Đoàn vận tải biển tiếp vận cho chiến trường miền Nam và lấy ngày 23/10/1961 là ngày thành lập Đoàn vận tải biển 759.
52 năm đã trôi qua, người lính già không thể nào quên thời điểm được tuyển vào đoàn tàu không số năm 1964. Cậu lính trẻ Lê Văn Nhược hồi đó là một trong những người đầu tiên của miền Bắc được giao nhiệm vụ lái tàu không số trên con đường biển lịch sử. “Khi đã đặt chân lên tàu thì tất cả chúng tôi đều mang trong mình quyết tâm làm sao chi viện kịp đủ và nhanh cho chiến trường miền Nam”, ông Nhược nhớ lại.
Thế nhưng, với ông Nhược, vui nhất vẫn là thời điểm 22h ngày 11/10/1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên mang tên “Phương Đông 1” cùng với 13 chiến sĩ, do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy, chở hơn 30 tấn vũ khí rời bến Vạ Sét, Đồ Sơn lên đường đi Cà Mau. Lộ trình chuyến đi hết sức bí mật, theo đó tàu đi từ Hải Phòng ra hải phận quốc tế theo tuyến Hồng Kông - Sài Gòn, Hồng Kông - Thái Lan vào đến ngoài khơi Cà Mau thì chuyển hướng chạy thẳng vào bến ở các cửa sông theo kế hoạch. Tàu không mang số mà chuẩn bị sẵn rất nhiều biển số các tàu đánh cá của ngư dân vùng biển miền Trung và Nam Bộ để ngụy trang. Sau thành công của chuyến tàu này, những chuyến tàu không số đều đặn chở hàng ngàn tấn vũ khí, đạn được chi viện cho chiến trường miền Nam.
Về những khó khăn gặp phải, ông Nhược lặng người một lúc rồi lặng lẽ đáp, điều mà ông và toàn bộ anh em thủy thủ đoàn cho đến hôm nay vẫn cảm thấy đau xót, chính là ngày 26/2/1965, chiếc tàu 143 do Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thêm chỉ huy chở hàng vào Vũng Rô bị lộ khiến nhiều anh em hy sinh. Cũng kể từ đó con đường huyền thoại trên biển này bị địch phong tỏa gây cản trở vô cùng khó khăn.
Nhưng nhiệm vụ giải phóng miền Nam không thể một ngày không được chi viện. Đến tháng 10/1965, những chiếc tàu 42, 69 tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ trong sự đánh pháp ác liệt của kẻ địch. Khi nhắc về những đồng đội đã anh dũng hy sinh, không kìm nén được cảm xúc, giọng ông Nhược nghẹn lại: “Mỗi lần ra đi là một lần sẵn sàng chết, mỗi lần ra đi là anh em tiễn nhau bằng tên gọi …, nhưng tất cả vẫn một lòng vì tổ quốc, vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại này".
“Qua mặt” các phương tiện dò xét tiên tiến của địch
Khi được hỏi về vai trò của ngành Giao thông lúc đó có tác động thế nào đối với chiến dịch quan trọng này, người dẫn đường tận tụy ấy không ngớt lời ngợi khen về những quyết sách vô cùng sắc bén của Cố Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ. Ông khẳng định: “Những chiếc tàu không số chở vũ khí vào chiến trường miền Nam có sự đóng góp vô cùng to lớn của Bộ GTVT”.
|
Tàu không số hiên ngang trên biển (Ảnh tư liệu) |
Cuối năm 1962, Bộ GTVT đã chỉ đạo xưởng đóng tàu 3 Hải Phòng đóng những chiếc tàu sắt có trọng tải 100 tấn. Từ tháng 3/1963 đến cuối năm 1964, 6 chiếc tàu sắt của Bộ GTVT đã góp sức vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.
Ngoài ra, Cố Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ còn có một quyết định hết sức kịp thời và đúng đắn khi chấp nhận đề xuất của nhóm thiết kế tàu không số (TKS) thời đó do ông Trịnh Xương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ tàu thủy Việt Nam, Trưởng ban thiết kế TKS năm xưa đảm nhận. Khi đó (đầu năm 1961), địch đánh phá ác liệt tuyến đường Trường Sơn nhằm chặt đứt mọi con đường tiếp viện của quân, dân ta từ miền Bắc vào...
Nhóm thiết kế tàu không số được yêu cầu phải thiết kế loại tàu có thể che mắt được kẻ thù để đảm bảo tuyệt đối số vũ khí, hàng hóa chuyên chở. Nhận nhiệm vụ, nhóm đã họp gấp với Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ và có sáng kiến cho đóng nhanh loại thuyền vỏ gỗ có trọng tải 3-5 tấn giả dạng là tàu đánh cá của ngư dân. Chiếc tàu này được thiết kế hai đáy. Đáy dưới giấu vũ khí, còn mặt trên vẫn được ngụy trang như một tàu cá để qua mặt các phương tiện dò xét tiên tiến của địch.
Ông Nhược nhớ lại, Bộ GTVT đã cùng Bộ Tham mưu vạch ra những định hướng cụ thể cho các chuyến hải trình đảm bảo cho những con tàu không số di chuyển qua vùng địch an toàn. Nhờ vậy, có thể tự hào rằng, lịch sử thế giới chỉ có Việt Nam dám dùng tàu chở vũ khí từ miền Bắc đi qua lòng địch vào miền Nam.
Cũng từ cách thiết kế tàu theo sự chỉ đạo của Bộ GTVT, mà mỗi chuyến đi với vài chục tấn vũ khí trên tàu, đều được lắp hai, ba tấn bộc phá, cuốn dây nổ đặt ở các khoang khác nhau, để nếu như rủi ro bị địch phát hiện, ta sẵn sàng cho tàu đâm thẳng tiêu diệt tàu địch, giữ bí mật tuyệt đối về con đường mang tên Bác.
Vì thế, ông Nhược hài hước bảo: “Tàu không số nhưng kỳ thực lại là tàu nhiều số, mà nói đúng hơn phải là những ma trận số ảo nhằm che mắt kẻ địch" bởi tàu đến tỉnh nào thì ta lại lắp biển số của tỉnh đó.