Do tính chất đặc thù ngành Hàng hải nói chung, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nói riêng được xem là “hội nhập” rất sớm với quốc tế.
Vinalines chủ trương xây dựng hệ thống quản trị thông minh mà các công ty hàng đầu thế giới áp dụng
Hơn 20 năm hình thành và phát triển, Vinalines đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cơ hội lớn và cả những thách thức không nhỏ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Vinalines.
Cách mạng 4.0 từ trong tư duy của lãnh đạo
Theo Chiến lược phát triển đến năm 2020, Vinalines phải giữ vững vị trí doanh nghiệp hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam trong các lĩnh vực vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải; phấn đấu đến năm 2030 trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực có năng lực cạnh tranh cao. Để thực hiện Chiến lược phát triển và hiện thực hóa tầm nhìn này, có nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó “Thường xuyên cập nhật, nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới trong lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động” đã được Thủ tướng Chính phủ lưu ý trong Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 27/2/2017.
“Với một doanh nghiệp đang trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế cổ phần, ngành nghề có tính đặc thù cạnh tranh cao, Vinalines phải đổi mới phương thức quản lý, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, điều hành, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhằm hiện thực hóa mục tiêu và chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Chủ tịch HĐTV Vinalines Lê Anh Sơn nói.
Nỗ lực đưa Vinalines trở thành nhà cung cấp dịch vụ logistics trọn gói
Theo lãnh đạo Vinalines, các yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Trong đó, Big Data (dữ liệu lớn) là một khái niệm đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn và được nhiều chuyên gia cho rằng sẽ trở thành một cuộc cách mạng trong tương lai, ảnh hưởng đến rất nhiều mặt của đời sống, kinh tế và xã hội. Đối với các công ty dịch vụ logistics, Big Data có ý nghĩa rất lớn và đang được các nước đặc biệt quan tâm.
Big Data là một khái niệm về những bộ dữ liệu có kích thước quá lớn và phức tạp đến mức những thiết bị, công cụ, ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không thể phân tích, xử lý nổi. Big Data được hình thành qua việc tổng hợp dữ liệu liên tục qua thời gian dài và do đó thường chứa rất nhiều thông tin hữu ích mà nếu trích xuất thành công sẽ rất có ích cho doanh nghiệp và xã hội.
Ví dụ, một công ty có thể biết những phương thức vận tải và hãng tàu nào, có thể được sử dụng để tối đa hóa lợi nhuận cho một điểm đến cụ thể trong khi vẫn đáp ứng thời gian giao hàng. Big Data có thể làm được điều này. Hoặc một hãng tàu muốn tìm hiểu trong một thời gian cụ thể, trong một mùa nhất định của năm, đến một địa điểm cụ thể, trong điều kiện thời tiết nhất định có thể ảnh hưởng đến thời gian giao hàng, Big Data có thể làm được. Sử dụng Big Data trong quản lý chuỗi cung ứng có thể giúp các doanh nghiệp dự báo nhu cầu chính xác hơn, hiểu rõ hơn về chu kỳ mua của khách hàng và ước tính công suất kho trong tương lai dựa trên các dữ liệu cũ. Việc trích xuất thành công kho dữ liệu sẽ giúp rất nhiều cho việc kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt với ngành logistics và chuỗi cung ứng. Tất cả mọi thứ, từ các tuyến đường, nhà vận chuyển, thời gian giao hàng, phương thức vận chuyển, điểm định giá, doanh thu, thu nhập và lợi nhuận đã được thu thập và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của nhiều doanh nghiệp.
Với định hướng phát triển của Vinalines là trở thành nhà cung cấp dịch vụ logistics trọn gói (door to door) cung ứng các gói giải pháp dịch vụ logistics tổng thể có giá trị gia tăng cao cho khách hàng, trên cơ sở tích hợp lợi thế từ các lĩnh vực hoạt động cốt lõi, ý thức được điều này, lãnh đạo Vinalines đã có chủ trương xây dựng và phát triển hệ thống Business Intelligence (BI) là hệ thống báo cáo quản trị thông minh hàng đầu thế giới đang được ứng dụng tại rất nhiều công ty lớn trên thế giới và cả những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. BI đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của một hệ thống báo cáo thông minh gồm các bảng biểu, sơ đồ,… tập trung cho việc trình bày một cách dễ hiểu, trực quan về tình hình của doanh nghiệp, từ đó đưa ra những đánh giá và kế hoạch cho tương lai của doanh nghiệp. Hệ thống BI được thiết lập hỗ trợ chuyên sâu cho Ban Lãnh đạo, giúp Ban Lãnh đạo của Vinalines đưa ra hướng đi đúng đắn và cấp thiết trong tình hình cạnh tranh kinh tế thị trường hiện nay.
Nâng chất lượng điều hành, khai thác cảng
Ngoài ra, văn phòng công ty mẹ sẽ đầu tư nâng cấp hệ thống máy chủ hiện tại thành trung tâm dữ liệu của Vinalines (Data Center) đạt tiêu chuẩn đảm bảo an toàn, bảo mật cho triển khai các ứng dụng CNTT lớn của Vinalines, bao gồm cả hệ thống dự phòng để đảm bảo khả năng thay thế khi hệ thống máy chủ gặp sự cố. Triển khai hệ thống quản lý máy trạm Active Directory (AD) nhằm xây dựng cơ chế quản trị thống nhất trong toàn văn phòng tổng công ty, đảm bảo hệ thống chạy ổn định, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho hệ thống, giảm các nguy cơ mất mát dữ liệu.
Việc áp dụng hệ thống CNTT được triển khai đồng bộ từ công ty mẹ đến các đơn vị thành viên sẽ là giải pháp tối ưu để quản trị nguồn nhân lực trong toàn hệ thống Vinalines và là giải pháp quản lý tài chính hiệu quả trong toàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam bao gồm 34 đơn vị và hơn 17.000 cán bộ, công nhân viên.
Giữa năm 2017, các cảng Tân Vũ, Hải Phòng, Tiên Sa, Đà Nẵng đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm kết nối, trao đổi dữ liệu với cơ quan Hải quan (PL-CEM). Theo đánh giá của cơ quan Hải quan, đây là một giải pháp lâu dài và cơ bản nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho tất cả doanh nghiệp liên quan đồng thời nâng cao năng lực quản lý, điều hành, khai thác cảng và chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Thời gian và thủ tục thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của khách hàng đã được rút ngắn đáng kể.
Ngoài ra, cảng Tân Vũ, cảng Tiên Sa cũng đã triển khai, vận hành đồng thời hệ thống quản lý, điều hành, khai thác container (PL-TOS) nhằm giảm thời gian để khách hàng thực hiện việc giao nhận một container hàng hóa tại cảng. Các công ty hàng đầu thuộc lĩnh vực logistics của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam như Vinalines Logistisc, VOSA cũng đẩy mạnh việc áp dụng CNTT trong quản lý dịch vụ chuỗi, nghiên cứu, bồi dưỡng cán bộ tìm hiểu để nâng cao nghiệp vụ, nhằm “đón đầu” những thay đổi lớn trong thời gian tới.