Cải thiện mối quan hệ chủ tàu, chủ hàng để phát triển vận tải biển

Thứ hai, 11/09/2017 14:24
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức cuộc họp nhằm đưa ra giải pháp, tạo cơ hội cho đội tàu Việt Nam nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu chủ trì cuộc họp

Trao đổi tại cuộc họp, ông Trịnh Thế Cường – Trưởng phòng Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hiện nay đội tàu Việt Nam còn nhiều khó khăn trong vấn đề tiếp cận thị trường. Từ trước đến nay, các chủ hàng xuất, nhập khẩu của Việt Nam vẫn duy trì tập quán mua CIF, bán FOB, theo đó quyền thuê phương tiện thuộc về các đối tác nước ngoài, do vậy đội tàu Việt Nam rất khó tiếp cận để giành quyền vận tải. Các dự án vận chuyển than nhập khẩu tổ chức đầu thầu trong thời gian qua đều thuê tư vấn và tổ chức đấu thầu quốc tế, trong khi than là mặt hàng không có yêu cầu cao về vận chuyển và không cần đội tàu dưới 15 tuổi nhưng do chủ hàng Việt Nam tổ chức đấu thầu quốc tế nên đội tàu trong nước cũng khó có cơ hội giành hợp đồng.

“Phần lớn đội tàu Việt Nam đầu tư trong giai đoạn phát triển nóng, giá tàu rất cao, vốn đầu tư đi vay của các ngân hàng thương mại. Đội tàu ngày càng cũ, khó cạnh tranh được với đối tác nước ngoài, với đội tàu thế hệ mới do đó nếu không có sự hợp tác hỗ trợ của doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước thì đội tàu Việt Nam rất khó khăn”, ông Cường nói.

Hiện nay vấn đề mấu chốt đang tồn tại là mối quan hệ giữa chủ tàu và chủ hàng chưa thực sự tốt

Đồng thời, phạm vi hoạt động của đội tàu biển Việt Nam chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á, Trung Đông. Tuy nhiên do tình trạng dư thừa “nguồn cung” tàu biển từ năm 2010 tới nay đã khiến giá thuê tàu sụt giảm nghiêm trọng. Vận tải hàng khô (BDI) đã giảm từ 12.000 điểm xuống còn 800 điểm, giá thuê tàu hiện tại rất thấp không đủ bù đắp các khoản chi phí.

Tại cuộc họp, đại diện chủ tàu đưa ra ý kiến về rất nhiều khó khăn hiện nay đội tàu Việt Nam đang gặp phải về chất lượng, thời gian chờ nhận và trả hàng cũng như những khúc mắc với các chủ hàng. Ông Lê Việt Tiến – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải biển Việt Nam cho biết hiện nay vấn đề tàu của công ty chủ yếu là các tàu chở than đang gặp phải là thời gian chờ giao trả hàng quá lâu, có tàu phải đợi hơn 10 ngày tại cảng chính vì vậy ông Tiến đề nghị các chủ hàng, các nhà máy nhiệt điện cần có kế hoạch bố trí tàu hợp lý hơn để giảm thiểu thời gian chờ đợi cho tàu đồng thời các nhà máy chỉ lựa chọn 1 nhà cung ứng cho mỗi giai đoạn cụ thể để tránh việc sắp xếp chồng chéo lịch tàu.

“Các Tập đoàn, Tổng công ty tăng cường chuyển đổi hình thức mua FOB và bán CIF đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung để dễ giành quyền thuê tàu chuyên chở cho các chủ tàu Việt Nam. Trong trường hợp mua CIF thì phải yêu cầu nhà cung ứng có thỏa thuận hợp tác, sử dụng đội tàu của Việt Nam với sản lượng vận chuyển không dưới 50% trước khi đấu thầu”, ông Tiến kiến nghị thêm.

Cũng như ông Tiến, đại diện Tổng công ty Cổ phần vận tải dầu khí cho rằng các bộ ngành cần giám sát để đảm bảo các đơn vị tuân thủ chủ trương về điều kiện mua hàng FOB và tổ chức đấu thầu, chào giá cạnh tranh trong nước. Trong trường hợp các chủ tàu trong nước không đủ năng lực cung cấp thì sẽ có chính sách ưu tiên cho liên danh có sử dụng nhà thầu trong nước theo quy định của Luật đấu thầu hiện hành.

Tóm lược lại các vấn đề, ông Đỗ Xuân Quỳnh – Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho rằng vấn đề cốt lõi hiện nay chính là mối quan hệ giữa chủ tàu và chủ hàng kém, có nhiều chủ tàu còn không biết trong nước có những đội tàu nào nên khi cần thì lại sử dụng bên ngoài. Do đó, Hiệp hội cũng đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam tăng cường tổ chức các cuộc họp giữa chủ tàu và chủ hàng để giải quyết các khúc mắc hiện nay, Hiệp hội luôn sẵn sàng giúp đỡ Cục để tổ chức. Đồng thời, Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ cho doanh nghiệp vận tải biển vay vốn từ quỹ đầu tư phát triển hoặc có cơ chế, chính sách để các ngân hàng thương mại cho khoanh nợ cũ và tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn mới với lãi xuất ưu đãi với niên hạn tối thiểu 10 năm để doanh nghiệp vận tải biển đầu tư tái cơ cấu đội tàu theo định hướng của Chính phủ.

Kết luận cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu cho biết, Cục sẽ phối hợp cùng các đơn vị xây dựng cơ chế chính sách, đồng thời giao cho Phòng Vận tải cập nhật các thông tin, đề xuất mới nhất của các chủ tàu, chủ hàng từ đó đưa ra những giải pháp đúng đắn. Về vấn đề nâng cấp đội tàu, Phó Cục trưởng đề nghị các chủ tàu phải chú ý, nâng cấp phương tiện, đội tàu cần có lộ trình rõ ràng. Hiện nay mối quan hệ, liên kết giữa chủ hàng và chủ tàu chưa thực sự tốt, cần cải thiện thì mới có thể phát triển được vận tải biển do đó Cục Hàng hải Việt Nam sẵn sàng đứng ra tổ chức các hội nghị, các cuộc họp như thế này để làm rõ các vấn đề hiện tại.

nhunghv

Nguồn: Tạp chí GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)