Cấp thiết chuẩn hóa quản lý hệ thống cảng, bến thủy

Thứ tư, 25/10/2017 14:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm chuẩn hóa hệ thống hạ tầng và phương thức quản lý cảng, bến trên toàn quốc để đưa hoạt động cảng, bến thủy nội địa vào nền nếp.

Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ đánh giá tổng thể về việc phát triển cảng, bến thủy trên toàn quốc

Lộ diện nhiều bất cập

Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, hiện trên toàn quốc có 277 cảng thủy (gồm 264 cảng hàng hóa, 13 cảng khách, 15 cảng tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài), trong đó trên tuyến đường thủy quốc gia có 220 cảng, tuyến địa phương 57 cảng. Hầu hết các cảng, bến thủy trên tuyến đường thủy quốc gia đã được Cục lập hồ sơ trực tuyến để phục vụ quản lý, cũng như tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong kết nối vận tải.

“Hầu hết các cảng được xây dựng tại vị trí phù hợp quy hoạch, có khả năng kết nối giao thông, có kho, bãi và các công trình phụ trợ. Hơn 90% cảng có thiết bị xếp dỡ được cơ giới hóa, một số cảng có khả năng xếp dỡ container. Phương tiện thủy hoạt động tại cảng có trọng tải toàn phần có phổ biến từ 400 tấn trở lên. Cảng thủy nội địa thuộc địa phương quản lý chủ yếu cảng cấp III, IV”, lãnh đạo Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết.

Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Hồng Giang vừa phê duyệt kế hoạch, chỉ đạo các bộ phận, đơn vị trực thuộc Cục tổ chức kiểm tra, rà soát việc triển khai quy hoạch chi tiết hệ thống cảng, bến thuỷ nội địa trên toàn quốc. Theo đó, trong quý IV/2017, các Đoàn kiểm tra của Cục sẽ kiểm tra hiện trường các cảng, bến thủy đã được cấp phép hoạt động và thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của các Cảng vụ ĐTNĐ Trung ương. Các Đoàn kiểm tra, do lãnh đạo Cục chủ trì, cũng làm việc với các Sở GTVT địa phương về công tác cấp phép, quản lý cảng, bến thủy theo quy hoạch và thuộc thẩm quyền của địa phương.

Trong khi đó, theo quy hoạch tại Quyết định số 1071 ngày 24/3/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT ĐTNĐ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đến năm 2020 cả 3 khu vực Bắc - Trung - Nam có 166 cảng. Như vậy, số lượng cảng thủy hiện đã phát triển vượt mức quy hoạch, cần có sự đánh giá để có định hướng quản lý, phát triển phù hợp với thực tế.

Đáng nói là, không ít bến thủy nội địa đã mở rộng quy mô không khác gì cảng, trong khi phương thức quản lý, vận hành vẫn chỉ là... bến. “Một số bến hàng hóa trên tuyến đường thủy quốc gia được xây dựng quy mô kiên cố không kém gì cảng, có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy có trọng tải hơn 1.000 tấn”, đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam thông tin.

Từ góc độ kinh doanh cảng thủy nội địa, một số doanh nghiệp cho rằng, việc quy định cấp cảng phụ thuộc vào cấp kỹ thuật của đường thủy như hiện nay là không phù hợp, làm hạn chế năng lực đón phương tiện thủy. “Thực tế, có cảng có khả năng đón được phương tiện lớn hơn so với cấp công bố, nhưng do luồng chạy tàu đạt cấp kỹ thuật nhỏ hơn nên cảng cũng chỉ được công bố cấp tương đương với luồng. Trong khi thực tế tàu lớn hơn cấp luồng vẫn lưu thông bình thường”, ông Bùi Văn Chiến, Giám đốc một DN đường thủy tại Hải Dương cho biết.

Tổng điều tra cảng, bến trên toàn quốc

Đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng cho biết, không chỉ hệ thống cảng mà hệ thống bến thủy đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế sự phát triển của vận tải đường thủy. Bởi, toàn quốc hiện có hơn 3.100 bến hàng hóa đã được cấp phép hoạt động (và hơn 1.400 bến không phép), nhưng phần lớn nằm phân tán rải rác dọc theo các tuyến đường thủy, lại có kết cấu khá đa dạng, phần nhiều dựa vào bờ tự nhiên, được gia cố bằng rọ đá, cọc tre, kè đá, có bến kết cấu dạng phao nổi... Nguyên nhân này một phần do nhiều địa phương chưa có quy hoạch phát triển bến thủy nội địa theo thẩm quyền, trách nhiệm được Luật Giao thông ĐTNĐ quy định hoặc không kiểm soát phát triển bến theo quy hoạch.

Ông Lê Đức Cường, Phó giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II cho hay: Tại một số địa phương phía Bắc đang có tình trạng hàng trăm bến thủy hết hạn hoạt động theo giấy phép song chưa được địa phương gia hạn. Nguyên nhân do địa phương có sự thay đổi về cơ chế quản lý đất đai đối và các chủ bến chưa đáp ứng được. Thực tế trên phần nào khiến bức tranh về hệ thống cảng, bến thủy nội địa thêm “méo mó”, ảnh hưởng đến phát triển vận tải.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, quyền Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư của Cục ĐTNĐ Việt Nam, trong quý IV/2017 này, Cục sẽ tổ chức các Đoàn kiểm tra thực địa cảng, bến thủy trên các tuyến đường thủy quốc gia và làm việc với Sở GTVT các địa phương về triển khai quy hoạch cảng, bến thủy nội địa trên toàn quốc. “Đợt kiểm tra này của Cục nhằm đánh giá toàn diện, đưa ra các giải pháp khắc phục tồn tại trong phát triển hệ thống cảng, bến. Đồng thời, đưa ra các giải pháp để đảm bảo sự quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương”, ông Hùng cho biết.

kimcuc

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)