Đề án hiện đã được Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Trần Văn Tám báo cáo Hội đồng thành viên xem xét trước khi trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.
Mục tiêu của việc xây dựng Đề án là xây dựng một mô hình quản lý khai thác công khai, minh bạch, bảo đảm ổn định, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội; tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ; xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu VEC; đáp ứng các yêu cầu quản lý Nhà nước và phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội của hoạt động quản lý khai thác đường cao tốc.
Chủ tịch HĐTV Mai Tuấn Anh (trái) nêu mục tiêu xây dựng Đề án nhằm đảm bảo
việc quản lý, khai thác các tuyến đường cao tốc an toàn, hiệu quả bền vững
Theo Ban Quản lý khai thác – đơn vị chủ trì xây dựng Đề án, nội dung Đề án tập trung đánh giá thực trạng mô hình quản lý khai thác hiện nay của VEC trên cơ sở phân tích ưu, nhược điểm, từ đó đề xuất mô hình quản lý khai thác theo 2 phương án: VEC tự thực hiện hoặc thuê đơn vị, tổ chức khác thực hiện. Qua thực tế quản lý, khai thác, Ban cũng đã đề xuất những hạng mục công việc quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông, chất lượng tuyến đường cao tốc hay hiệu quả khai thác… VEC sẽ tự thực hiện công tác này theo hình thức giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc thực hiện. Các công việc khác như bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ/đột xuất, tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng, đầu tư hệ thống thu giá điện tử tự động không dừng (ETC)…, VEC có thể tổ chức đấu thầu hoặc thuê các đơn vị khác thực hiện nhằm tiết giảm chi phí, bảo đảm công khai, minh bạch và hạn chế tối đa tiêu cực.
Theo thống kê của Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi, từ năm 2011 đến nay đã có 35 đề án liên quan đến lĩnh vực quản lý, khai thác được VEC xây dựng, tuy nhiên những đề án này chỉ phù hợp trong từng giai đoạn. Cũng theo Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi, cần có quan điểm xuyên suốt về mô hình của VEC trong thời gian tới, từ đó xác định đường hướng chiến lược lâu dài, đồng thời định rõ những giải pháp quản lý, khai thác căn cơ, bền vững và quan trọng nhất là phải tuân thủ luật pháp…
Tổng giám đốc VEC Trần Văn Tám khẳng định, hành lang pháp lý
liên quan đến lĩnh vực quản lý, khai thác đường cao tốc hiện tại đã tương đối đầy đủ
Cũng liên quan đến nội dung Đề án, Tổng giám đốc Trần Văn Tám nêu quan điểm, Đề án cần xây dựng theo hướng tổng thể, không nên đi quá chi tiết vào câu, từ. Tổng giám đốc cho biết, đến thời điểm hiện tại, hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực quản lý, khai thác đường cao tốc là tương đối đầy đủ, và cũng khẳng định đấu thầu công tác vận hành khai thác (O&M) là yêu cầu bắt buộc nên cần triển khai việc thoái vốn của VEC tại các đơn vị quản lý, khai thác các tuyến đường cao tốc. “Nếu không đủ điều kiện tham gia đấu thầu, sẽ là điều thiệt thòi cho các đơn vị” – Tổng giám đốc chia sẻ.
Băn khoăn về việc sẽ giao cho Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam (VEC M) thực hiện một số nhiệm vụ mới, Tổng giám đốc cũng đặt vấn đề liệu VEC có đủ lực để đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm, và rồi Trung tâm có thể “gánh vác” được từng ấy khối lượng công việc hay sẽ phải đi thuê đơn vị khác… Nhận thấy tầm quan trọng của công tác giám sát, hậu kiểm, kiểm soát tải trọng…, Tổng giám đốc đồng ý chủ trương những công việc này VEC sẽ tổ chức tự thực hiện…
Chủ trì cuộc họp xem xét nội dung Đề án tổng thể về mô hình quản lý, khai thác các tuyến đường cao tốc do VEC làm Chủ đầu tư vào sáng ngày 07/3, Chủ tịch HĐTV Mai Tuấn Anh nêu lý do của việc xây dựng Đề án – “Khai thác vận hành là lĩnh vực rất quan trọng trong hoạt động và quá trình phát triển VEC nên việc đề xuất mô hình tổng thể cho công tác này là hết sức cần thiết”. Qua rà soát lập Đề án, phát hiện những tồn tại của hành lang pháp lý trong nội bộ VEC, của cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó xây dựng cơ chế chính sách để đề xuất. Xây dựng Đề án cũng là dịp để đánh giá tổng quan hiệu quả sau 7 năm VEC đảm nhận quản lý, khai thác các tuyến cao tốc (tính từ thời điểm đưa tuyến đường cao tốc đầu tiên Cầu Giẽ - Ninh Bình vào khai thác). Qua xem xét đánh giá tổng thể hoạt động quản lý, khai thác thời gian qua sẽ nhìn nhận ra tồn tại, từ đó đề xuất các biện pháp để đạt được mục tiêu khai thác an toàn, hiệu quả. Tại cuộc họp, Chủ tịch Mai Tuấn Anh nhiều lần nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Đề án là “Khai thác an toàn, hiệu quả”, và vấn đề mấu chốt là xây dựng và phát triển Tổng công ty vững mạnh, xây dựng hình ảnh VEC, đảm bảo điều kiện cho các đơn vị thành viên phát triển.
Dự kiến, trong tháng 4/2018, VEC sẽ trình Đề án lên Bộ Giao thông vận tải.
Qua ý kiến của các thành viên tham dự họp, Chủ tịch yêu cầu Ban QLKT tiếp thu hoàn chỉnh Đề án trình HĐTV xem xét, trong đó lưu ý Ban cần làm rõ vì sao các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, các tổng công ty đường cao tốc của họ vẫn giao những nhiệm vụ mang tính quan trọng, chi phối hoạt động quản lý, khai thác cho các đơn vị thành viên mà không thuê ngoài. Nhân đề cập đến Nghị định 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về việc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, trong đó dịch vụ quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, dịch vụ bảo đảm hàng hải “lọt” vào Danh mục A – là các sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo phương thức đặt hàng,… giao kế hoạch, Chủ tịch cũng gợi ý hướng tiếp cận Nghị định này để có những đề xuất thiết thực liên quan đến công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc trong thời gian tới.
“Đề án cũng cần tập trung đánh giá hiệu quả của công tác quản lý, khai thác, đồng thời chỉ ra tồn tại trong từng lĩnh vực khai thác vận hành…”. Chủ tịch cho rằng chủ trương đấu thầu O&M là đúng, tuy nhiên cần xác định công việc nào xã hội làm hiệu quả hơn thì tổ chức đấu thầu, nhưng cần xây dựng lộ trình đấu thầu, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đầy đủ trong công tác đấu thầu, và quan trọng là lựa chọn được đơn vị đảm bảo đủ các điều kiện thực hiện nhiệm vụ.
Kết thúc cuộc họp, Chủ tịch lưu ý các đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc phải tiếp tục chủ động đổi mới trong hoạt động đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ để mở rộng thị trường, xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn...
Dự kiến, trong tháng 4/2018, VEC sẽ trình Đề án lên Bộ Giao thông vận tải.
VEC