Báo cáo thực trạng và giải pháp khắc phục về thiết bị giám sát hành trình, xe ô tô

Thứ tư, 27/02/2019 15:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ GTVT vừa có Công văn số 1599/BGTVT-VT gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo thực trạng và giải pháp khắc phục về thiết bị giám sát hành trình, xe ô tô.

Theo đó, Bộ GTVT nhận được Văn bản số 345/VPCP-CN ngày 14/01/2019 của Văn phòng Chính phủ chuyển nội dung phản ánh của Báo VTV điện tử về bài phản ánh việc siết chặt quản lý thiết bị giám sát hành trình. Bộ GTVT kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực trạng và giải pháp khắc phục về thiết bị giám sát hành trình xe ô tô, cụ thể như sau:

Về thực trạng hoạt động hệ thống: hiện nay hệ thống xử lý dữ liệu giám sát hành trình xe ô tô chung của toàn quốc đang được Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) quản lý, khai thác để phục vụ công tác quản lý hoạt động vận tải đối với xe ô tô có kinh doanh vận tải. Hệ thống xử lý dữ liệu giám sát hành trình xe ô tô của Tổng cục ĐBVN đang hoạt động gồm có 19 máy chủ đặt tại Công ty CP Hanel (trong đó có 07 máy chủ do Tổng cục ĐBVN đầu tư từ năm 2015), với số lượng máy trên đã đáp ứng tiếp nhận và xử lý dữ liệu của trên 1 triệu phương tiện trên toàn quốc.

Từ năm 2016 đến nay, Tổng cục ĐBVN chưa được bố trí nguồn kinh phí để duy trì và nâng cấp hệ thống máy chủ để đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải đường bộ. Toàn bộ việc xây dựng phần mềm, đầu tư phần cứng và duy trì hoạt động của hệ thống từ đó đến nay đều do Công ty CP Hanel hỗ trợ thực hiện. Tổng cục ĐBVN đã phối hợp chặt chẽ với Công ty CP Hanel để chuẩn bị tốt hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được với số lượng phương tiện truyền dữ liệu tăng nhanh theo lộ trình lắp đặt quy định tại Nghị định, số 86/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, do khó khăn về mặt tài chính để đầu tư nâng cấp hệ thống nên vào tháng 9/2018 khi số lượng phương tiện truyền dữ liệu theo lộ trình của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP tăng đột biến và trong thời gian ngắn đã làm cho hệ thống đã bị gặp sự cố kỹ thuật và quá tải.

Kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô (Ảnh: Báo Giao thông)

Trong thời gian từ tháng 10/2018 đến nay, Tổng cục ĐBVN tiếp tục phối hợp với Công ty CP Hanel để bổ sung máy chủ đề khắc phục sự cố kỹ thuật của hệ thống. Sau khi được bổ sung máy chủ, hệ thống bắt đầu thực hiện tổng hợp dữ liệu, nhận lại dữ liệu trong thời gian gặp sự cố, đồng thời tiếp nhận ngay dữ liệu ở thời điểm hiện tại để phục vụ công tác quản lý. Tuy nhiên, việc đầu tư bổ sung hệ thống máy chủ cũng chỉ để đảm bảo duy trì và tiếp nhận đầy đủ dữ liệu truyền về; chưa đảm bảo có đủ tài nguyên để chạy các tính năng khác phục vụ yêu cầu quản lý của Tổng cục ĐBVN và các Sở GTVT, cũng như chưa thể cung cấp tài khoản cho các đơn vị kinh doanh vận tải.

Hệ thống xử lý dữ liệu giám sát hành trình xe ô tô được sử dụng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ tại Tổng cục ĐBVN và Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chia sẻ thông tin cho các bến xe khách để phối hợp quản lý tuyến cố định. Hệ thống cũng đã chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý giao thông, chống ùn tắc giao thông và giải pháp giao thông thông minh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng cục ĐBVN đang sử dụng hệ thống phần mềm Công ty CP Hanel xây dựng để tiếp nhận và xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô; đã thực hiện cung cấp 130 tài khoản cho các Sở GTVT và Thanh tra giao thông 63 tỉnh, thành phố để cập nhật, khai thác dữ liệu từ hệ thống phục vụ công tác quản lý hoạt động vận tải tại địa phương và tra cứu các phương tiện trong toàn quốc đang hoạt động trên địa bàn địa phương; cung cấp 541 tài khoản cho 541 bến xe khách trong toàn quốc để thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với các phương tiện vận tải khách theo tuyến cố định; 10 tài khoản cấp cho các phòng, vụ chức năng thuộc Tổng cục ĐBVN, thuộc Bộ GTVT và Uỷ ban ATGT Quốc gia.

Về các chức năng đã có trên hệ thống: hệ thống giám sát hành trình xe ô tô của Tổng cục ĐBVN do Công ty CP Hanel hỗ trợ xây dựng được đưa vào hoạt động từ năm 2015. Đến nay, hệ thống đã có các chức năng gồm:

Chức năng giám sát trực tuyến trên nền bản đồ số, bao gồm: Chức năng giám sát trực tuyến các phương tiện đang hoạt động; các phương tiện đang dừng; kiểm tra, theo dõi được các phương tiện không có dữ liệu (không truyền dữ liệu); chức năng giám sát các phương tiện quá tốc độ. Chức năng giám sát trực tuyến đều giám sát được trạng thái của phương tiện tại thời điểm hiện tại theo thời gian thực gồm: vị trí, hành trình, tốc độ và đom vị kinh doanh, vận tải chủ quản, loại hình kinh doanh; Chức năng giám sát trực tuyến các phương tiện theo từng doanh nghiệp và theo từng Sở GTVT; Chức năng tra cứu phương tiện, chức năng kiểm tra và xem lại hành trình xe chạy trong ngày và trong nhiều ngày. Hiện nay, trên hệ thống nhiều phương tiện đang truyền dữ liệu với tần suất 3 -10s/bản tin, thông thường các phương tiện truyền dữ liệu với tần suất từ 10 - 30s/bản tin. Như vậy, với chức năng này thì phương tiện hoạt động được giám sát gần như theo thời gian thực. Các Sở GTVT, các doanh nghiệp có thể ngay lập tức phát hiện phương tiện chạy quá tốc độ, đang dừng hoặc không có dữ liệu trên hệ thống. Hiện nay, hệ thống đang duy trì chức năng giám sát trực tuyến để phục vụ công tác theo dõi, giám sát và chấn chỉnh các trường hợp vi phạm của các đơn vị kinh doanh vận tải của các Sở GTVT.

Cảnh sát giao thông kiểm tra thực trạng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô

Chức năng báo cáo: Hệ thống có các báo cáo tổng hợp và báo cáo chi tiết các trường hợp vi phạm tốc độ, vi phạm thời gian lái xe liên tục, thống kê phương tiện không truyền dữ liệu, thống kê số lượng bản tin đã tiếp nhận của từng phương tiện. Các báo cáo thống kê được thiết kế theo cấp Tổng cục, cấp Sở, cấp doanh nghiệp và theo từng phương tiện, thống kê theo từng đơn vị truyền dữ liệu. Với chức năng này, hệ thống tiếp nhận dữ liệu đến đâu sẽ tổng hợp, tính toán và xác định vi phạm để đưa vào các báo cáo theo từng loại vi phạm tới đó. Sở GTVT có thể truy cập và trích xuất báo cáo bất kỷ thời điểm nào vào thời gian hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng để kiểm tra và nhắc nhở, chấn chỉnh.

Hiện nay, do việc truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô về máy chủ của nhà cung cấp phụ thuộc hoàn toàn vào sóng điện thoại di động, chất lượng của sóng di động phụ thuộc vào nhiều yếu tố địa hình, thời tiết và khả năng duy trì hoạt động của nhà mạng. Vì vậy, nhiều phương tiện đang hoạt động sẽ bị mất sóng và phải truyền lại dữ liệu khi có sóng di động trở lại. Để giải quyết vấn đề này, Tổng cục ĐBVN đã bố trí kênh truyền lại dữ liệu riêng để tiếp nhận đầy đủ dữ liệu của các phương tiện khi gặp sự cố truyền dữ liệu. Hàng tháng, để tổng hợp dữ liệu phục vụ công tác chấn chỉnh, xử lý vi phạm, hệ thống phải chạy lại trong khoảng thời gian từ ngày 01 đến ngày 15 (tuỳ theo năng lực của hệ thống máy chủ) thực hiện cập nhật đầy đủ dữ liệu trong các thời điểm bị mất sóng và tính toán lại các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo tính chính xác khi tính toán các trường họp vi phạm để phục vụ công tác xử lý vi phạm theo quy định. Trong thời gian từ tháng 9/2018 đến nay do hệ thống vẫn đang bị quá tải nên chức năng tổng hợp dữ liệu vi phạm hàng tháng để phục vụ công tác xử lý vi phạm của các Sở GTVT chưa được thực hiện xong.

Về chức năng cảnh báo cho đơn vị kinh doanh vận tải, hiện nay, các đơn vị kinh doanh vận tải đều có tài khoản truy cập vào phần mềm giám sát trực tuyến do các đơn vị cung cấp thiết bị hoặc cung cấp dịch vụ xây dựng để khai thác sử dụng, giám sát và theo dõi các phương tiện thuộc đơn vị mình. Thực hiện chấn chỉnh, nhắc nhở đối vói các lái xe khi phát hiện vi phạm trên phần mềm giám sát trực tuyến của đơn vị mình. Đa số các đơn vị lắp đặt thiết bị của 1 đơn vị cung cấp thực hiện việc theo dõi, giám sát khá tốt; tuy nhiên, tại các hợp tác xã kinh doanh vận tải việc khai thác sử dụng, giám sát và theo dõi các phương tiện thuộc đơn vị mình gặp nhiều khó khăn do đa số các phương tiện thuộc từng thành viên hợp tác xã lắp đặt thiết bị của nhiều đơn vị cung cấp khác nhau, vì vậy không thể có đủ nhân lực và thời gian truy cập vào tài khoản của tất cả các phương tiện để theo dõi, giám sát hàng ngày.

Về chức năng cảnh báo cho lái xe, hiện nay, theo quy định tại QCVN 31:2014/BGTVT thì thiết bị giám sát hành trình xe ô tô phải có chức năng cảnh báo cho lái xe (cảnh báo bằng còi) khi lái xe điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ hoặc khi thời gian lái xe liên tục quá 4 giờ. Việc cài đặt tốc độ cảnh báo trên thiết bị giám sát hành trình xe ô tô được các đơn vị cung cấp thiết bị cài đặt trên cơ sở tốc độ giới hạn của từng loại xe ngoài khu vực dân cư theo quy định tại Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT. Khi có cảnh báo chạy quá tốc độ giới hạn cài đặt trên thiết bị, thiết bị lắp trên xe sẽ phát tiếng cảnh báo bằng còi cho đến khi lái xe giảm tốc độ xuống dưới tốc độ giới hạn đã cài đặt; hoặc khi lái xe liên tục quá 4 giờ thì thiết bị sẽ phát tiếng cảnh báo bằng còi cho đến khi lái xe dừng xe (không điều khiển xe chạy) từ 15 phút trở lên.

Tại nhiều đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện điều hành tập trung có bố trí bộ phận theo dõi thường xuyên các phương tiện thuộc đơn vị mình ữên phần mềm giám sát trực tuyến của đơn vị để đưa ra cảnh báo kịp thời đối với các trường hợp lái xe chạy quá tốc độ, chạy sai hành trình hoặc lái xe liên tục quá 4 giờ.

Về tình hình truyền dữ liệu, hàng tháng bình quân có từ 72-75% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống của Tổng cục ĐBVN, tỷ lệ xe không truyền dữ liệu bình quân là 25 - 28%. Đây là số liệu thống kê hàng tháng được thông báo trên hệ thống để làm căn cứ đôn đốc, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm không truyền dữ liệu khi đang hoạt động vận tải.

Tổng số phương tiện hiện có trên hệ thống tính đến ngày 28/01/2019 là 1.077.000 xe, trong đó có 682.588 xe thuộc diện quản lý của các Sở GTVT. Như vậy, có khoảng 394.000 xe hiện đang tồn tại trên hệ thống, các xe này không thuộc diện phải lắp thiết bị giám sát hành trình xe ô tô nhưng các chủ phương tiện vẫn thực hiện lắp để quản lý và được các đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình xe ô tô truyền về máy chủ của Tổng cục ĐBVN.

Về nguyên nhân không truyền dữ liệu: Tỷ lệ xe không truyền dữ liệu có thể do một số nguyên nhân sau: Do xe ngừng, không hoạt động kinh doanh vận tải (do không có hàng hoặc không có lịch hoạt động); Do xe vào cấp để thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa hoặc do xe hỏng đột xuất;  Do thiết bị giám sát hành trình xe ô tô hư hỏng trong quá trình xe đang hoạt động vận tải; Do lái xe cố tình ngắt thiết bị trong quá trình hoạt động vận tải; Do xe hoạt động thường xuyên ở khu vực không có mạng, xe liên vận quốc tế đang hoạt động vận tải ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Về công tác đôn đốc, xử lý vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô, từ năm 2016 đến tháng 9/2018, hàng tháng tại Tổng cục ĐBVN đều có văn bản thông báo kết quả tổng hợp vi phạm trên hệ thống gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các Sở GTVT tăng cường theo dõi, chấn chỉnh và xử lý vi phạm qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô.

Từ tháng 9/2018 đến nay, do hệ thống gặp sự cố kỹ thuật và quá tải nên Tổng cục ĐBVN chưa có văn bản thông báo kết quả tổng hợp vi phạm trên hệ thống gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đôn đốc các Sở GTVT xử lý vi phạm. Hệ thống duy trì để phục vụ công tác tiếp nhận dữ liệu và chức năng giám sát trực tuyến và phục vụ công tác tra cứu dữ liệu. Kết quả xử lý vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô của các Sở GTVT, năm 2016, các Sở GTVT đã xử lý vi phạm đối với 11.362 phương tiện. Thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải 10 đơn vị; năm 2017, các Sở GTVT đã xử lý vi phạm đối với 28.005 phương tiện, thu hồi Giấy phép kinh doanh, vận tải 23 đơn vị; năm 2018, các Sở GTVT đã xử lý vi phạm đối với 9.189 phương tiện, thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải 09 đơn vị; chấn chỉnh, nhắc nhở 30.167 phương tiện vi phạm.

Với kết quả trên, kể từ khi đưa vào sử dụng và khai thác, hệ thống đã góp phần quan trọng trong công tác giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tỷ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000 km giảm mạnh (năm 2015 tỷ lệ này là 11,5 lần/1000 km, năm 2018 tỷ lệ này giảm còn 0,19 lần/1000 km), mặc dù số lượng phương tiện hiện nay tăng gấp 5 lần so với thời điểm năm 2015.

Bộ GTVT đã chấp thuận chủ trương thực hiện Dự án ứng dụng công nghệ Giám sát hành trình phương tiện để nâng cao chất lượng quản lý và bảo trì trong lĩnh vực đường bộ (Văn bản số 10283/BGTVT-KHĐT ngày 12/9/2018) và giao Tổng cục ĐBVN hoàn thành việc lập dự án trong Quý II/2019.

Sau khi hạ tầng công nghệ thông tin đủ năng lực và cho phép thực hiện, Tổng cục ĐBVN sẽ cung cấp tài khoản cho toàn bộ các đơn vị kinh doanh vận tải để thuận lợi trong việc theo dõi, quản lý, chấn chỉnh lái xe vi phạm thuộc đơn vị mình quản lý.

Cần bố trí nguồn kinh phí hàng năm cho Bộ GTVT để đảm bảo duy trì hoạt động ổn định của hệ thống (dự kiến khoảng 15-19 tỷ/năm); bố trí kinh phí để xây dựng bản đồ số phục vụ cho công tác giám sát hoạt động của phưong tiện kinh doanh vận tải theo tốc độ của từng cung đường (nội dung này có đề án riêng đã được phê duyệt)…

Để xử lý triệt để tình trạng lái xe ngắt thiết bị, trong thời gian tới Bộ GTVT giao Tổng cục ĐBVN nghiên cứu thí điểm lắp đặt camera giám sát tại các điểm nóng về ATGT trên hệ thống quốc lộ và tại các đô thị để đối soát dữ liệu với hệ thống giám sát hành trình xe ô tô từ đó phát hiện ngay phương tiện nào đang hoạt động kinh doanh nhưng không có dữ liệu giám sát hành trình xe ô tô để có biện pháp xử lý kịp thời./.
 

kimcuc

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)