Bộ GTVT vừa có Văn bản số 8841/BGTVT-VT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bình Dương gửi đến sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương gửi đến sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến tại Văn bản số 288/BDN ngày 24/7/2020 và Văn bản số 296/BDN ngày 04/8/2020, văn bản số 5631/VPCP-QHĐP ngày 08/8/2020 của Văn phòng Chính phủ với nội dung cụ thể:
“Mặc dù pháp luật có quy định người cao tuổi được giảm ít nhất 15% giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng các phương tiện như tàu thủy, tàu hỏa, máy bay,..nhưng hiện nay hầu như chưa có đơn vị vận tải nào áp dụng chính sách này, đặc biệt là các hãng hàng không. Cử tri đề nghị trong thời gian tới, Nhà nước cần quan tâm chỉ đạo và giám sát việc thực hiện nghiêm túc các chính sách Nhà nước đã ban hành, nhất là chính sách người cao tuổi nhằm động viên, khích lệ cho nhóm đối tượng này”.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã quan tâm, góp ý nhằm giúp công tác quản lý của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn đối với công tác người cao tuổi. Về nội dung kiến nghị nêu trên, Bộ GTVT xin được trả lời như sau:
Tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi quy định như sau: “Người cao tuổi được giảm ít nhất mười lăm phần trăm (15%) giá vé, dịch vụ khi tham gia giao thông bằng tàu hỏa chở khách, tàu thủy chở khách, máy bay chở khách”. Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 06/2011/NĐ-CP, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 71/2011/TT-BGTVT ngày 30/12/2011, tại Điều 2 của Thông tư 71/2011/TT-BGTVT quy định về hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia giao thông công cộng như sau:
“1. Hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia giao thông đường sắt, đường thủy
a) Người cao tuổi khi đi lại bằng tàu hỏa, tàu biển chở khách và phương tiện thủy nội địa được mua vé tại cửa bán vé dành cho các đối tượng ưu tiên.
Nhân viên phục vụ trên tàu có trách nhiệm hướng dẫn, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện cho người cao tuổi; hỗ trợ người cao tuổi khi lên, xuống phương tiện và sắp xếp hành lý khi cần thiết.
b) Người cao tuổi khi đi lại bằng tàu hỏa được giảm ít nhất 15% giá vé, giá dịch vụ khi sử dụng các dịch vụ: bốc xếp hành lý, mua vé qua điện thoại, đưa vé đến tận nhà; được giảm ít nhất 15% giá vé khi đi lại bằng phương tiện thủy nội địa, tàu biển chở khách.
Mức giảm giá vé cụ thể do Thủ trưởng các tổ chức kinh doanh vận tải căn cứ điều kiện thực tế và thời điểm cụ thể xây dựng, công bố thực hiện.
(Ảnh minh họa)
2. Hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia giao thông đường bộ
a) Người cao tuổi sử dụng phương tiện vận tải công cộng đường bộ được ưu tiên mua vé tại các quầy vé, được sử dụng chỗ ngồi dành cho các đối tượng ưu tiên.
b) Lái xe, nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách có trách nhiệm hướng dẫn người cao tuổi sử dụng chỗ ngồi ưu tiên, hỗ trợ lên, xuống xe và sắp xếp hành lý cho các đối tượng cần sự chăm sóc đặc biệt.
c) Khuyến khích các doanh nghiệp vận tải xây dựng phương án miễn, giảm giá vé cho người cao tuổi và công bố thực hiện trên các tuyến vận tải.
3. Hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia giao thông bằng đường hàng không
a) Nhân viên của các hãng hàng không Việt Nam, doanh nghiệp cảng hàng không và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không liên quan khác có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người cao tuổi trong dây chuyền phục vụ hành khách tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam, bao gồm: làm thủ tục vé, sắp xếp chỗ ngồi (check in), kiểm tra an ninh hàng không, chờ ở phòng chờ, lên tàu bay (boarding) và nhận hành lý ký gửi tại nơi đến.
b) Tổ bay của các hãng hàng không Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn chu đáo, hỗ trợ người cao tuổi tiếp cận chỗ ngồi, sắp xếp hành lý cá nhân trên tàu bay.
c) Các doanh nghiệp nêu tại điểm a, b của khoản này phải xây dựng mới hoặc bổ sung, sửa đổi quy định, tài liệu hướng dẫn phục vụ hành khách hiện hành và triển khai các việc cần thiết khác phù hợp với từng cảng hàng không, sân bay nhằm thực hiện các quy định nêu tại khoản này.
d) Hành khách là người cao tuổi được giảm ít nhất 15% giá vé hạng phổ thông ít có điều kiện hạn chế nhất bán tại lãnh thổ Việt Nam trên các tuyến vận chuyển hàng không nội địa. Mức giảm giá vé cụ thể do các hãng hàng không căn cứ điều kiện thực tế xây dựng và công bố thực hiện.”.
Như vậy về cơ bản, Bộ GTVT đã hướng dẫn và quy định các đơn vị vận tải hành khách công cộng phải thực hiện việc giảm giá vé, giá dịch vụ và hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia giao thông công cộng theo quy định của Nghị định 06/2011/NĐ-CP.
Về việc thực hiện các quy định của các đơn vị vận tải hành khách công cộng đối với việc giảm giá vé, giá dịch vụ cho người cao tuổi, Bộ GTVT xin báo cáo giải trình với cử tri như sau:
Lĩnh vực đường Bộ và đường thủy nội địa: theo báo cáo của các Sở Giao thông vận tải các địa phương, hiện nay người cao tuổi khi tham gia giao thông cộng cộng đường bộ được ưu tiên mua vé tại các quầy bán vé, được sử dụng chỗ ngồi dành cho các đối tượng được quyền ưu tiên, được tạo thuận lợi khi lên, xuống phương tiện giao thông, sắp xếp hành lý và hỗ trợ các thông tin về hành trình khi có yêu cầu. Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện chính sách giảm giá vé hỗ trợ người cao tuổi từ 10 đến 15%, năm 2019 có 48.782 người cao tuổi được giảm giá vé với số tiền là 665.943.000 đồng; người cao tuổi khi tham gia giao thông đường thủy nội địa được giảm 15% giá vé, năm 2019 có 59.948 người cao tuổi được giảm giá vé khi tham gia giao thông đường thủy nội địa với số tổng số tiền được giảm là 2.135.407.000 đồng.
Lĩnh vực đường sắt: Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong lĩnh vực đường sắt: Người cao tuổi được ưu tiên về xếp hàng khi mua vé tàu tại các ga và được giảm 15% giá vé; tại các chi nhánh vận tải đã bố trí cửa vé riêng để bán vé cho các đối tượng hành khách là người cao tuổi, đồng thời thành lập tổ hỗ trợ và chăm sóc khách hàng để hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ, mang vác hành lý, đẩy xe lăn…cho hành khách là người cao tuổi khi mua vé và đi tàu; nhân viên làm công tác phục vụ trên tàu hỗ trợ lên, xuống toa xe, mang vác và sắp xếp hành lý cho người cao tuổi khi lên xuống tàu. Năm 2019 có 310.373 người cao tuổi được giảm giá vé khi tham gia giao thông đường sắt với số tổng số tiền được giảm là 20.658.757.000 đồng.
Lĩnh vực hàng không: Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay theo quy định tại Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người cao tuổi, các hãng hàng không Việt Nam đều đã ban hành quy trình phục vụ hành khách trong đó có quy trình phục vụ hành khách là người cao tuổi, chính sách ưu tiên phục vụ hành khách là người cao tuổi tại quầy làm thủ tục check in, khu vực phòng chờ ra tàu bay, trên tàu bay và đặc biệt là chính sách giảm giá vé máy bay 15% giá trần đối với hành khách là người cao tuổi. Hiện tại, trên các đường bay nội địa, các hãng hàng không Việt Nam, đặc biệt là các hãng hàng không có định hướng khai thác chi phí thấp như Vietjet Air, Jetstar Pacific Airlines và Bamboo Airways đều đang mở bán vé hạng phổ thông cơ bản với dải giá linh hoạt, trong đó tỷ lệ vé có giá thấp hơn mức giảm 15% của giá trần là khá lớn, do hành khách nói chung và khách là người cao tuổi nói riêng phần lớn đã mua được vé máy bay với mức giá thấp hơn mức giá giảm 15% được áp dụng trên cơ sở giá trần. Riêng Vietnam Airlines là hãng hàng không có tỷ trọng bán vé giá trần cao hơn các hãng hàng không vì vậy trong 10 tháng đầu năm 2019 đã bán 6.867 vé có áp dụng chính sách giảm giá cho người cao tuổi với số tiền giảm tương đương 1,852 tỷ đồng.
Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã thường xuyên chỉ đạo Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông vận tải phải thực hiện việc giám sát, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng thuộc lĩnh vực, trên địa bàn về việc thực hiện việc giảm giá vé, hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia phương tiện giao thông công cộng theo quy định tạithông tư số 71/2011/TT-BGTVT ngày 30/12/2011 của Bộ Giao thông vận tải“ quy định hỗ trợ người cao tuổi khi tham gia giao thông công cộng” và xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về việc hỗ trợ tham gia giao thông của người cao tuổi theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường tiếp cận của người cao tuổi đối với phương tiện giao thông công cộng, nhà ga, bến đỗ theo như quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tăng cường hơn nữa công tác giám sát, kiểm tra các đơn vị vận tải công cộng về việc thực hiện chính sách giảm giá vé, giá dịch vụ cho người cao tuổi khi tham gia giao thông công cộng, để tạo điều kiện thuận tiện hơn nữa cho người cao tuổi trong giao thông tiếp cận, và tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách giảm giá vé cho người cao tuổi khi tham gia giao thông bằng đường hàng không nói riêng, giao thông công cộng nói chung theo đúng quy định của chính sách Nhà nước.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVTi với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương gửi đến sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương để trả lời cử tri./.