UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, trong đó tác động trực tiếp đến du lịch, thương mại vận tải, xuất nhập khẩu… Dịch Covid-19 bùng phát trở lại (đợt 2) cũng đã gây ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động văn hóa, thể thao. Các chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh tại các cảng biển Thừa Thiên - Huế sụt giảm tương đối lớn do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.
Khu bến cảng Chân Mây nhìn từ xa, gồm bến số 1
đang khai thác, bến số 2 và bến số 3 đã cơ bản xong phần xây dựng
Hầu hết các lễ hội lớn, các hoạt động tham quan đều phải tạm dừng, nhất là hoãn sự kiện Festival Huế 2020- định kỳ 2 năm tổ chức 1 lần, gây ảnh hưởng lớn đến dịch vụ du lịch của tỉnh.
Các cảng biển trên địa bàn tỉnh cũng chịu sự tác động nặng nề của dịch Covid-19
Tại cảng Chân Mây, những năm qua lượng hàng thông qua cảng trung bình hàng năm đạt khoảng 2,2 triệu tấn, số tàu du lịch qua cảng bình quân hàng năm khoảng 40- 50 lượt với khoảng 130 nghìn lượt hành khách và thủy thủ.
Nếu như năm 2018 và 2019 cảng Chân Mây đều có sự tăng trưởng tích cực, liên tục hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra thì đến năm 2020, do tác động nặng nề của dịch Covid-19 nên các chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh đều có sự sụt giảm tương đối lớn.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sản lượng hàng hóa
và hành khách qua cảng Chân Mây đều sụt giảm mạnh - Ảnh tư liệu
Năm 2019 có 361 lượt tàu cập cảng Chân Mây, sản lượng hàng hóa thông qua cảng 2,67 triệu tấn và gần 118 nghìn lượt hành khách, thì tính đến tháng 9/2020 Cảng Chân Mây có 216 lượt tàu, sản lượng hàng hóa thông qua cảng 1,83 triệu tấn và chưa đến 44 nghìn lượt hành khách.
Sản lượng năm 2020 ước thực hiện được 2,4 triệu tấn, đạt 90,6% so với kế hoạch năm 2020 và giảm 10,1% so với năm 2019. Doanh thu năm 2020 chỉ đạt khoảng 78,6% so với kế hoạch năm 2020 và giảm 14,7% so với năm 2019. Trong đó, doanh thu dịch vụ du lịch, dịch vụ xăng dầu và doanh thu do sản lượng hàng hóa giảm mạnh nhất.
Lượng hàng hóa thông qua cảng Thuận An năm 2018 là 300 nghìn tấn, năm 2019 là 350 nghìn tấn, năm 2020 ước khoảng 150 nghìn tấn.
Tàu đang làm hàng tại bến số 1 cảng Chân Mây. Ảnh: C.C.M
Cảng biển Thừa Thiên-Huế thuộc nhóm cảng biển Trung Trung bộ (nhóm 3), theo quy hoạch đã được phê duyệt, cảng biển Thừa Thiên-Huế có chức năng là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1), bao gồm các khu bến chức năng: khu bến Chân Mây, Thuận An và bến chuyên dụng tại Điền Lộc, trong đó có 2 khu bến đang khai thác là Thuận An và Chân Mây; khu bến chuyên dùng Điền Lộc chưa xây dựng.
Tại cảng Chân Mây, ngoài tàu khách quốc tế, hàng hóa thông qua cảng chủ yếu là dăm gỗ, than, clinker… xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tại cảng Thuận An chủ yếu là các mặt hàng rời như clinker trung chuyển xuất khẩu, than nhập khẩu, cát bao, gỗ…
Đáng chú ý, theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện tại công suất bến số 1 cảng Chân Mây đã vượt 120% so với công suất thiết kế; đồng thời chưa đảm bảo điều kiện về trang thiết bị để xuất nhập hàng container nên lượng hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xuất qua cảng Đà Nẵng và các cảng khác rất lớn, ước tính khoảng 81.600 TEUs.
Hiện, bến số 2 và bến số 3 đã hoàn thành phần xây dựng, dự kiến cuối năm nay đầu năm 2021 sẽ đưa vào khai thác, thu hút được hàng container. Đặc biệt, dự báo đến năm 2025, nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động, trong đó nhà máy sản xuất găng tay y tế 10 tỷ chiếc/năm, sợi 800 tấn/năm; 2 dự án sản xuất ô tô với công suất khoảng 220.000 xe/năm, dự án nhà máy đồ chơi Billion Max với công suất 20 triệu sản phẩm/năm…, nhu cầu xuất hàng qua cảng Chân Mây rất lớn.
Tại buổi làm việc với Bộ GTVT về quy hoạch phát triển cảng biển, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị khu bến cảng Chân Mây là khu bến cảng tổng hợp, container, tàu khách quốc tế và bổ sung các bến chuyên dùng phục vụ tổng kho xăng dầu, LNG phù hợp với quy hoạch hạ tầng dự trữ cung ứng xăng dầu, khí đốt.
Tỉnh cũng đề nghị xem xét bổ sung hệ thống cảng cạn tại trung tâm tiếp vận hàng hóa và thương mại dịch vụ đầu mối tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô với diện tích khoảng 120ha vào quy hoạch cảng cạn thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1771/2008/QĐ-TTg.