Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh có nhiều giải pháp để nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước và hạ tầng về hàng hải.
Bằng những giải pháp kịp thời từ Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, hạ tầng cảng biển tại Quảng Ninh
được khai thác hiệu quả với sản lượng hàng hóa thông qua ấn tượng
Hàng hóa tăng ấn tượng nhờ cảng hút tàu lớn
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải (CVHH) Quảng Ninh cho biết, CVHH Quảng Ninh là cơ quan trực thuộc Cục Hàng hải VN, thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hàng hải tại 6 khu vực gồm: Vạn Gia - Hải Hà; Mũi Chùa; Cô Tô; Cẩm Phả - Cửa Đối; Hòn Gai và Quảng Yên.
Theo ông Thành, trước đây, tàu thuyền đến cảng biển Quảng Ninh chủ yếu là tàu có trọng tải dưới 50.000 DWT nên chưa khai thác tối đa cơ sở hạ tầng, năng lực khai thác cảng biển không tương xứng với tiềm năng vốn có.
“Trong tương lai, các khu neo hiện hữu tại khu vực Hòn Gai và Cẩm Phả sẽ quá tải. Việc nghiên cứu, mở rộng khu neo đậu kết hợp tránh bão cho tàu thuyền tại khu vực Hòn Soi Mui, Cẩm Phả thuộc vùng nước cảng biển Quảng Ninh là rất cần thiết. Nơi đây có một số điều kiện tự nhiên thuận lợi: Khu vực kín gió, có dòng chảy do thủy triều không lớn, phù hợp cho tàu thuyền neo tự do bằng neo của tàu thuyền’, ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cho biết.
Thế nhưng, hiện những con tàu có trọng tải từ 70.000 - 180.000 DWT đã có thể ra, vào thường xuyên để làm hàng thuận lợi tại các cảng biển khu vực Quảng Ninh.
“Từ năm 2017 đến nay, lượng hàng hóa thông qua cảng biển Quảng Ninh tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, năm 2020, dù các ngành kinh tế tại địa phương bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tuy nhiên hoạt động xuất nhập khẩu bằng đường biển vẫn tăng mạnh với hơn 100 triệu tấn hàng trong 11 tháng đầu năm. Dự kiến đến hết năm 2020, lượng hàng hóa thông qua cảng biển Quảng Ninh sẽ đạt khoảng 109 triệu tấn, tăng 13% so với năm 2019”, ông Thành thông tin.
Ông Thành cũng cho biết, để có được kết quả trên, những năm qua, CVHH Quảng Ninh đã tham mưu, đưa ra các định hướng phát triển kinh tế biển phù hợp trong công tác quản lý Nhà nước về hàng hải tại khu vực.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác cảng, các hãng tàu, chủ tàu, đại lý, phát huy tối đa năng lực trong lĩnh vực kinh doanh của các đơn vị.
“Trên cơ sở đó, cảng vụ sẽ bố trí vị trí neo phù hợp, bảo đảm an toàn khi tàu vào cảng; Kiểm soát chặt chẽ, không để các phương tiện xếp dỡ, chuyển tải neo đậu, di chuyển làm ảnh hưởng đến việc điều động tàu vào, rời vị trí neo đậu đã được chỉ định”, ông Thành nói và cho biết, nỗ lực nâng cao khả năng tiếp nhận được tàu biển trọng tải lớn còn mang lại việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương liên quan đến hoạt động bốc xếp, giao nhận hàng hóa, đại lý hàng hải.
Đầu tư giao thông kết nối, nâng cao năng lực bến cảng, kho bãi
Tàu thuyền đến cảng biển Quảng Ninh chủ yếu là tàu có trọng tải dưới 50.000 DWT
nên chưa khai thác tối đa cơ sở hạ tầng
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song đánh giá về thực trạng phát triển cảng biển tại Quảng Ninh, lãnh đạo CVHH Quảng Ninh cho biết, hiện khu vực Vạn Gia - Hải Hà chưa có hệ thống cầu cảng, kho bãi, địa điểm kiểm tra hàng hóa.
Thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Ninh cần chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án, hoàn thiện các thủ tục pháp lý trong công tác quy hoạch, xây dựng bến cảng như: Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh, Khu bến tàu khách - cảng, kho bãi tổng hợp.
Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ Dự án xã hội hóa nạo vét tuyến luồng hàng hải Vạn Gia (bao gồm khu neo đậu tránh trú bão), đáp ứng cỡ tàu đến 20.000DWT vào làm hàng tại cảng tổng hợp Vạn Ninh để phát triển kinh tế biển.
“Đối với khu vực Hải Hà, đây là khu vực tiềm năng về phát triển về cảng biển, có nhiều dự án đang triển khai như: Các dự án tại khu vực KCN cảng biển Hải Hà, Dự án Bến cảng đa năng tại đảo Hòn Miều, Dự án Bến cảng nước sâu đa năng tại đảo Cái Chiên. Tuy vậy, hiện nay, các tàu thuyền hoạt động tại đây chủ yếu tận dụng độ sâu tự nhiên, chưa được thiết lập luồng hàng hải. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh và Bộ GTVT cần sớm khảo sát, thiết lập luồng hàng hải vào khu vực khu công nghiệp cảng biển Hải Hà để thu hút đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển”, ông Nguyễn Ngọc Thành đề xuất.
Tại khu vực Cẩm Phả, lãnh đạo CVHH Quảng Ninh cho biết, đây là khu vực tiếp nhận được tàu thuyền trọng tải lớn, kết nối tuyến luồng đường thủy tới các cảng nội địa các tỉnh phía Bắc thuận lợi.
Ở khu vực này, kích cỡ tàu hàng đến cũng đang tăng dần, khu neo Hòn Nét đã tiếp nhận tàu chở hàng tổng hợp đến 120.000 DWT. Trong khi đó, tuyến luồng Cẩm Phả hiện có nhiều dải cạn, độ sâu không đồng đều (-6,8 đến -9,8m).
Tương tự, tại khu vực Hòn Gai, hoạt động khai thác tại khu bến Cái Lân chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, việc khai thác hàng container còn nhiều hạn chế do luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân mới được thiết kế ở độ sâu phục vụ tàu có trọng tải đến 50.000 tấn.
Trong khi các bến cảng Cái Lân đã được đầu tư, nâng cấp để tiếp nhận tàu có trọng tải đến 85.000DWT (giảm tải) ra, vào làm hàng.
“Để khai thác hết công suất của các khu bến theo quy hoạch, đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chú trọng phát triển đồng bộ hệ thống giao thông: Đường bộ, đường sắt, đường biển... nhằm kết nối đa phương thức vận tải để tối ưu thời gian, chi phí vận tải; tạo cơ chế chính sách, hỗ trợ các nhà đầu tư đến việc phát triển dịch vụ hậu cần sau cảng và hệ thống logistics”, ông Thành nói.
Trong khi đó, tại khu vực Quảng Yên, hiện, cơ sở hạ tầng tại khu vực khu kinh tế ven biển Quảng Yên phát triển không đồng đều. Hệ thống đường giao thông đối ngoại có dấu hiệu mãn tải ở một số tuyến đường chính: QL10, QL18a. Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng còn thiếu kết nối đến các khu vực phát triển công nghiệp dịch vụ. Đặc biệt, hệ thống đường sắt, cảng biển chưa được đầu tư hoàn thiện.
Trên cơ sở Quyết định số 29/2020 của Thủ tướng về việc thành lập khu kinh tế ven biển Quảng Yên (Quảng Ninh), CVHH Quảng Ninh cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển tại khu vực; đồng bộ giữa phát triển hạ tầng cảng biển và giao thông kết nối, tăng tính liên kết ngành, liên kết vùng trong phát triển cảng biển.