Cục QLXD Đường bộ đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án giao thông quan trọng

Thứ tư, 23/12/2020 08:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 22/12, Cục QLXD Đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá những nhiệm vụ đã làm được trong năm 2020 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục QLĐB cho biết: Được sự quan tâm của Đảng ủy, Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cùng với sự nỗ lực, đoàn kết của toàn thể cán bộ, công chức và người lao động, năm 2020, Cục QLXD đường bộ đã phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Xác định công tác quản lý xây dựng và chất lượng đối với các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm, Cục QLXD đường bộ đã chỉ đạo các Ban QLDA tập trung vốn cho các gói thầu, dự án trọng điểm (Dự án LRAMP, QL4, QL8A, QL15...). Chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục chỉ đạo các Ban QLDA rà soát từng dự án về tiến độ, chất lượng, theo kế hoạch vốn được giao, cân đối vốn để tập trung thi công gọn, có trọng tâm nhằm hoàn thành các hạng mục công trình, không thi công dàn trải, khai thác hiệu quả vốn đầu tư trong điều kiện nguồn vốn còn hạn hẹp.

Trong công tác khảo sát, thiết kế, các cơ quan chuyên môn của Cục đã phối hợp cùng Ban QLDA, TVTK, TVTT tiến hành kiểm tra hiện trường, xem xét số liệu khảo sát, tham gia xem xét và có ý kiến về hồ sơ thiết kế ngay trong quá trình thiết kế để kịp thời thống nhất giải pháp, tránh sửa chữa hồ sơ nhiều lần, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ thiết kế, rút ngắn tiến độ chung của dự án; trong công tác quản lý thi công: Cục đã chủ động, tăng cường kiểm tra chất lượng và kiểm soát tiến độ; tổ chức kiểm soát công tác thi công ngay từ khi bắt đầu triển khai thi công để kịp thời chấn chỉnh các nhà thầu, bắt buộc các nhà thầu phải làm tốt ngay từ đầu; kiểm soát chặt chẽ vật liệu đầu vào ngay từ đầu nguồn vật liệu; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công  để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.

Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục QLĐB báo cáo tại Hội nghị

Tính đến nay, Cục đang theo dõi, quản lý 2 dự án sử dụng nguồn vốn ODA (Dự án LRAMP và Dự án VRAMP); 7 dự án sử dụng nguồn vốn NSNN; 111 dự án sử dụng nguồn vốn Quỹ bảo trì, trong đó phải kể đến dự án rất khó khăn là Dự án sửa chữa cầu Thăng Long.

Trong đó, dự án Sửa chữa mặt cầu Thăng Long là dự án quan trọng của ngành GTVT và được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Được sự tin tưởng của Lãnh đạo Tổng cục ĐBNVN giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Cục đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, phối hợp với các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu khoa học (Trường Đại học GTVT, Hội Bê tông Việt Nam...), tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm, lập đoàn tham quan học tập kinh nghiệm tại các công trình đã được sửa chữa thành công ở nước ngoài để tìm giải pháp phù hợp áp dụng trong sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Trên cơ sở kết quả phân tích nguyên nhân hư hỏng, nghiên cứu so sánh các phương án và tổng hợp kinh nghiệm sửa chữa mặt cầu thép trên thế giới, so sánh các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, Cục đã tham mưu lựa chọn phương án sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng kết cấu mặt cầu liên hợp nhẹ: sử dụng công nghệ hàn đinh neo Plasma và bê tông siêu tính năng (UHPC cường độ trên 120Mpa) với tổng mức đầu tư 269,3 tỷ đồng.

Công tác chuẩn bị dự án được thực hiện từ tháng 11/2019 với khối lượng công việc rất lớn từ khảo sát, kiểm định cầu hiện hữu, đánh giá nguyên nhân hư hỏng, thực hiện các thử nghiệm để đánh giá nguyên nhân và đề xuất phương án sửa chữa. Trong thời gian chuẩn bị dự án, mặc dù bị ảnh hưởng bởi yêu cầu giãn cách xã hội do dịch bệnh covid 19, nhưng cán bộ của Cục đã ứng dụng công nghệ thông tin trực tuyến để đảm bảo dự án không bị ngừng trệ. Với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Tổng cục ĐBVN và sự quyết tâm của các đơn vị thực hiện dự án đến tháng 8/2020 dự án bắt đầu triển khai thi công.

Dự án có giải pháp kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được áp dụng trên quy mô và khối lượng lớn, có nhiều hạng mục phải phối hợp với nhau. Tuy nhiên với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các hạng mục công việc chính (hàn đinh neo; trộn, rải UHPC) đều được thi công thí điểm đảm bảo thành thạo trước khi triển khai thi công trên thực tế mặt cầu, đến nay, sau 04 tháng thi công, dự án đã hoàn thành 95% khối lượng, đảm bảo thông xe vào đầu tháng 1/2021.

Đến thời điểm hiện nay công tác triển khai thi công đã đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng; qua dự án các cán bộ, kỹ sư và công nhân trong nước đã làm chủ được các giải pháp công nghệ và sẽ tiếp tục nghiên cứu áp dụng hiệu quả cho các công trình khác đồng thời thể hiện sự quyết tâm, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm, phương pháp nghiên cứu, tập hợp trí tuệ của các nhà khoa học trong và ngoài nước và quyết liệt trong triển khai của Lãnh đạo và cán bộ Cục QLXD ĐB.

Bên cạnh đó, các dự án VRAMP, Dự án LRAMP được thực hiện cơ bản đáp ứng tiến độ và chất lượng yêu cầu; các tuyến đường sau khi hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả góp phần đảm bảo an toàn giao thông và phát triển kinh kế xã hội khu vực tuyến đi qua; các cầu dân sinh hoàn thành đã đem lại hiệu quả thiết thực cả về văn hóa - xã hội, kinh tế - chính trị, về an sinh, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho việc sinh hoạt, đi lại của người dân cùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc có điều kiện khó khăn, đặc biệt trong mùa mưa lũ.

Đồng thời, dự án LRAMP đã nghiên cứu áp dụng công nghệ mới, thí điểm sử dụng bê tông siêu tính năng UHPC làm giảm tiết diện kết cấu, giảm khối lượng vật liệu sử dung, thân thiện với môi trường và làm tiền đề để nghiên cứu ứng dụng hiệu quả trong các kết cấu công trình giao thông như sửa chữa mặt cầu Thăng Long…

Ngoài ra, các công tác tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; công tác cải cách hành chính, công tác thi đua khen thưởng cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Với những thành tích đã đạt được trong năm 2020, Cục đã được tặng Giấy khen của Tổng cục ĐBVN cho tập thể điển hình tiên tiến ngành đường bộ giai đoạn 2016 - 2020; Cục QLXD đường bộ có 2 cá nhân được tặng Giấy khen của Tổng cục ĐBVN cho cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2020.

Toàn cảnh Hội nghị.

Phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2020, nắm bắt kịp thời các Nghị quyết, chính sách mới của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, các Bộ ngành liên quan và các văn bản của Tổng cục ĐBVN về công tác quản lý dự án, năm 2021, Cục Quản lý xây dựng đường bộ xây dựng thực hiện nghiêm các yêu cầu, quy định của Bộ GTVT, của Tổng cục ĐBVN về quản lý dự án; Tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất lượng, kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm và phòng ngừa các sai sót trong thiết kế, trong thi công, giải quyết kịp thời những vướng mắc trên các công trường đang thi công, đảm bảo chất lượng và tiến độ các dự án, giải ngân theo kế hoạch được giao đối với các dự án đang thực hiện; Triển khai thực hiện các dự án sửa chữa công trình đường bộ năm 2021 đảm bảo tiến độ, chất lượng...

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị biểu dương những thành quả mà Cục Quản lý xây dựng đường bộ đã đạt được trong năm qua. Phó Tổng cục trưởng cho rằng, năm 2020 ngành đường bộ thực hiện nhiệm vụ hết sức khó khăn, nặng nề, khối lượng công việc tăng lên trong khi điều kiện về thời tiết, dịch bệnh hoành hành, ngay từ đầu năm khu vực phía bắc đã có mưa đá, lũ lụt miền trung gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng, dịch Covid 19 kéo dài .. ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Tuy nhiên, nhìn lại năm 2020, ngành đường bộ cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Các công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng, bảo trì; công tác giải ngân, tiến độ, chất lượng đạt yêu cầu góp phần tạo nên thành công chung của Tổng cục ĐBVN, giúp cho Tổng cục hoàn thành tốt nhiệm vụ 2020. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cũng cho rằng để có được kết quả này là sự đoàn kết gắn bó của lãnh đạo và cán bộ công nhân viên chức của toàn Cục.

Trong năm 2021, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN yêu cầu Cục tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm tra giám sát các dự án và áp dụng công nghệ trong công tác kiểm soát chất lượng  công trình; Tiếp tục đảm bảo tiến độ chất lượng dự án, tiến độ giải ngân, lựa chọn nhà thầu có năng lực để làm sao triển khai có hiệu quả đáp ứng tiến độ và an toàn trong quá trình thi công. 

Về dự án cầu Thăng Long, hiện đang được xã hội, các cấp các ngành quan tâm và đây là dự án quan trọng về ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sửa chữa mặt cầu tại Việt Nam. Mặc dù, đã đạt tiến độ hơn 95% theo quy định sắp hoàn thành nhưng tập thể lãnh đạo, cán bộ, các phòng ban của Cục tiếp tục sâu sát bám hiện trường, quản lý tiến độ, chất lượng thi công, đề xuất tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Tổng cục cho đến khi dự án hoàn thành thắng lợi -  Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN nhấn mạnh.

toanld

Nguồn: Tổng cục ĐBVN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)