Các nhóm giải pháp mạnh sắp được đề xuất để tháo gỡ toàn diện bất cập, hạn chế của tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam bằng tàu pha sông biển.
Sau 5 năm, đội tàu VR-SB phát triển lên đến hơn 1.000 chiếc
nhưng quá trình hoạt động luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Liên Cục Hàng hải VN, Đăng kiểm VN, Đường thủy nội địa VN đang rốt ráo rà soát, đánh giá hiện trạng để đề xuất các nhóm giải pháp mạnh tháo gỡ toàn diện bất cập, hạn chế của tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam bằng tàu pha sông biển (VR-SB).
Phát triển nhanh nhưng còn nhiều bất cập
Ông Đỗ Văn Ty, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hải Nam chia sẻ, việc mở tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam dành cho tàu pha sông biển từ năm 2014 đến nay tạo ra luồng vận chuyển mới hiệu quả, giúp giảm tải cho đường bộ và giá thành vận chuyển.
Sau 5 năm, đội tàu phát triển lên đến hơn 1.000 chiếc, bao gồm cả tàu đóng mới, tàu có nguồn gốc từ tàu biển hạ cấp và tàu sông nâng cấp.
Dù vậy, theo ông Ty, việc tàu VR-SB được hoạt động dọc ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, mất an toàn cho phương tiện và thuyền viên.
Ông Đàm Quang Vỹ, Giám đốc Công ty TNHH Trọng Trung cho rằng, tàu VR-SB không đạt quy chuẩn an toàn như tàu biển, chỉ được phép chạy cách bờ biển không quá 12 hải lý, song hầu hết chạy xa hơn để theo đường thẳng, tiết kiệm nhiên liệu, quãng đường, thời gian.
“Cần phân thành một số loại tàu pha sông biển và định rõ vùng hoạt động. Quy chuẩn kỹ thuật đối với tàu chạy xuyên tuyến Bắc - Nam cần tương đương với tàu biển mới đảm bảo an toàn”, ông Vỹ nói.
Đại diện Tổ công tác của liên Cục Hàng hải VN, Đăng kiểm và Đường thủy nội địa VN cho biết, thời gian qua, đội tàu pha sông biển phát triển nhanh một phần do chi phí đầu tư, vận hành thấp hơn tàu biển.
Chẳng hạn, cùng cỡ trọng tải tàu biển cấp hạn chế III nhưng tàu VR-SB có trang bị kỹ thuật thấp hơn, định biên thuyền viên tối thiểu ít hơn và cũng chịu mức phí, lệ phí hàng hải thấp hơn.
Cùng đó, hiện chưa tổ chức giám sát được hoạt động khi hành trình trên biển, khiến tàu VR-SB biến rủi ro (chạy vượt tuyến) thành lợi thế để giảm giá thành, cạnh tranh với tàu biển.
Đề xuất một loạt giải pháp toàn diện
Ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho rằng, trước những bất cập trên, Cục Hàng hải VN, Đăng kiểm, ĐTNĐ đang phối hợp rà soát tổng thể những tồn tại, hạn chế và sẽ đề xuất Bộ GTVT các giải pháp toàn diện để đảm bảo mục tiêu phát triển vận tải ven biển bằng tàu pha sông biển an toàn và bền vững.
“Về kỹ thuật phương tiện, sắp tới liên Cục sẽ đề xuất sửa đổi một số nội dung như: Bổ sung quy định tàu VR-SB phải trang bị phao bè, thuyền cứu sinh và cơ cấu nhả nổi tự do cho phương tiện cứu sinh; số lượng phao tròn tối thiểu tăng thêm tương ứng với chiều dài của tàu”, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết.
Cũng theo liên Cục, thực tế, khả năng vận hành, sử dụng các trang thiết bị trên tàu của thuyền viên tàu VR-SB còn kém; có thuyền trưởng, sỹ quan boong không biết sử dụng ra đa, không biết thao tác hải đồ để xác định vị trí của tàu trên biển, hạn chế về kinh nghiệm tránh va, việc điều khiển tàu trên biển chủ yếu theo vết của định vị vệ tinh GPS.
Bên cạnh đó, quy định mỗi ca làm việc tối thiểu chỉ cần 3 - 4 thuyền viên, thời gian làm việc 8 tiếng (dài hơn 2 - 4 tiếng so với tàu biển) là không phù hợp để đảm bảo an toàn vận hành.
Vì vậy, tới đây sẽ đề xuất bổ sung thuyền viên làm việc trên tàu VR-SB có phạm vi hoạt động trên biển phải có kiến thức, trình độ về hàng hải và có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn tương tương thuyền viên tàu biển cấp hạn chế III trở lên.
Nội dung đào tạo, huấn luyện thuyền trưởng, thuyền viên có thêm phần an toàn hàng hải, tránh va, cứu sinh, cứu hỏa, phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, việc cấp phép rời cảng, bến tàu VR-SB và thu phí, lệ phí do cảng vụ đường thủy trung ương, địa phương và cảng vụ hàng hải thực hiện, song hạn chế hiện nay là chưa có cơ quan làm đầu mối thống nhất quản lý, kết nối dữ liệu và chưa giám sát được hoạt động của đội tàu khi hành trình trên biển.
“Sắp tới cần có thông tư của Bộ GTVT quy định về hoạt động, các tiêu chuẩn an toàn đối với phương tiện, tiêu chuẩn về khả năng chuyên môn của thuyền viên làm việc trên phương tiện, cũng như quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc quản lý, phối hợp quản lý tuyến vận tải ven biển bằng tàu VR-SB”, ông Thu nói và cho rằng, để quản được tàu pha sông biển khi vận hành, cần đầu tư hoàn thiện hệ thống trạm thu phát tín hiệu trên bờ để giám sát tự động AIS, giám sát qua vệ tinh và tăng nặng mức phạt tiền, đình chỉ hoạt động đối với tàu chạy vượt tuyến.
Hiện, Cục ĐTNĐ Việt Nam và Sở GTVT các địa phương được phân cấp quản lý đăng ký tàu VR-SB, song các tàu đăng ký tại sở GTVT. Vì vậy, ông Thu đề xuất tới đây giao Cục ĐTNĐ Việt Nam là đầu mối duy nhất quản lý đăng ký để thuận lợi trong xây dựng dữ liệu điện tử và tổ chức quản lý đăng ký, thuyền viên, xử lý vi phạm, tai nạn.
Sửa đổi nhiều nội dung về quản lý khai thác, vận hành
Liên Cục Hàng hải VN, Đăng kiểm VN, Đường thủy nội địa dự kiến đề xuất Bộ GTVT: Quy định giấy chứng nhận đăng kiểm ghi rõ vùng được phép hoạt động của tàu VR-SB để phù hợp với khả năng chịu sóng của phương tiện cụ thể; Xây dựng mẫu định biên an toàn tối thiểu cụ thể cho từng phương tiện căn cứ theo trọng tải, công suất máy và vùng hoạt động; Áp dụng nhật ký như tàu biển khi hoạt động trên biển; Không cấp đăng ký, đăng kiểm mới cho tàu từ trên 5.000 tấn để phù hợp quy hoạch phát triển đội tàu; không cho phép hoặc hạn chế chuyển đổi tàu sông, tàu biển (trong trường hợp nối dài tàu) thành tàu VR-SB; dừng hoạt động tàu VR-SB tuyến miền Trung Quảng Bình - Bình Thuận trong mùa mưa bão.