Việc hãng tàu quốc tế khai thác thêm nhiều tuyến ở Việt Nam cho thấy thị trường Việt đang có những thuận lợi.
HMM, SM Line và Pan Ocean vừa cùng nhau liên kết, cung cấp tuyến dịch vụ giữa Hàn Quốc - Việt Nam - Thái Lan. Tuyến được đặt tên CVT, sẽ hoạt động qua các cảng như Incheon, Qingdao, Thượng Hải, TP.HCM, Laem Chabang, Chiwan và Incheon.
Các tàu được triển khai trong tuyến gồm tàu của cả 3 hãng, bao gồm Sky Rainbow 1,809 Teus (từ HMM), Jan 1,708 Teu (từ SM Line) và Pos Hochiminh 1,809 Teus (từ Pan Ocean). Các con tàu sẽ mất 3 tuần để hoàn thành hải trình này.
Nhiều hãng tàu nước ngoài khai thác tuyến mới tại Việt Nam tạo thuận lợi
cho việc xuất nhập khẩu ở Việt Nam. Ảnh minh họa
Trong khi đó, hãng tàu Thái Lan RCL cũng “bắt tay” khai thác tuyến dịch vụ hàng tuần kết nối khu vực Đông Nam Á, Trung Đông và bờ Tây Ấn Độ. Lộ trình tuyến sẽ xuất phát từ TP. HCM, qua các cảng như Laem Chabang, Port Kelang, Jebel Ali, Sohar, Nhava Sheva.
Để cung cấp cho dịch vụ mới này, RCL “bắt tay” với các nhà cung cấp tàu trên tuyến là China United Lines (CULines), Emirates Shipping Lines (ESL) và Global Feeder Shipping (GFS). Việc bổ sung tuyến mới này giúp hãng tàu tăng độ bao phủ của mình lên khu vực Viễn Đông, Trung Đông và bờ Tây Ấn Độ.
Cũng trong việc tăng cường mở các tuyến mới đến Việt Nam, GSL bắt đầu tăng cường mở rộng phạm vi vận chuyển tại Việt Nam.
Theo đó, hãng mở rộng tuyến dịch vụ vận chuyển trực tiếp khu vực miền bắc Việt Nam, kết nối miền bắc Việt Nam với khu vực Trung và Nam của Trung Quốc. Ở tuyến khai thác này, các tàu sẽ ghé Thượng Hải, Ningbo, Hải Phòng, Xiamen, Thượng Hải.
Theo một doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam, việc các tàu ngoại tăng cường mở thêm các tuyến mới đến Việt Nam là tin vui cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt. Bởi, các nhà XNK có thể có nhiều lựa chọn, cơ hội hơn cho việc đưa hàng ra quốc tế.
Doanh nghiệp vận tải biển trong nước chủ yếu khai thác các tuyến nội địa và một số tuyến nội Á
Hiện nay, hầu hết các tuyến quốc tế vẫn là “cuộc chơi” của các hãng tàu nước ngoài. Đội tàu của Việt Nam đa số chỉ đảm nhận tuyến nội địa và một số có tuyến nội Á.
Do đó, việc các hãng tàu tăng cường khai thác các tuyến mới ở Việt Nam và các nước Châu Á cũng ít nhiều tạo ra tính cạnh tranh với các doanh nghiệp vận tải biển nội địa.
“Sự cạnh tranh có thể có, nhưng không nhiều. Chưa kể, các doanh nghiệp Việt Nam cũng khó để thực hiện các tuyến này bởi những sự yếu và thiếu về cả đội tàu đạt tiêu chuẩn, về thị trường, nhân lực...
Hãng tàu nước ngoài thấy thị trường thuận sẽ đưa tàu vào, bằng không sẽ rút tàu. Thị trường sẽ điều tiết các tuyến vận tải”, một doanh nghiệp vận tải cho hay.
Hiện tại, một số doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam cũng mới mở thêm các tuyến Châu Á. Trong đó, VIMC vừa khai trương tuyến tàu biển kết nối miền Trung Việt Nam với Kolkata, Ấn Độ và dự kiến kết nối với Bangladesh.
VIMC đã thiết lập tuyến vận tải container kết nối trực tiếp Hải Phòng - Malaysia - Ấn Độ. Ngoài ra, hãng tàu Hải An cũng mở nhiều tuyến từ Hải Phòng sang các cảng của Trung Quốc như Hongkong, Quảng Châu.