Theo các chuyên gia, thị phần vận tải quốc tế thấp dần vì đội tàu nhà nước ngày càng “teo” đi.
Thị phần chưa đạt nổi mức 2 con số
Thống kê của Cục Hàng hải VN cho thấy, thị trường vận tải hàng xuất nhập khẩu do đội tàu biển Việt Nam đảm nhận nhiều năm qua luôn có xu hướng giảm.
Theo đó, thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu bằng tàu biển Việt Nam đã giảm từ mức 11% năm 2015 xuống còn 5% vào năm 2019 và 2020. Đến năm 2021, thị phần tăng nhẹ và có dấu hiệu hồi phục khi đạt 7%.
Thị trường vận tải hàng xuất nhập khẩu do đội tàu biển Việt Nam đảm nhận
nhiều năm qua luôn có xu hướng giảm. Ảnh minh họa
Đáng chú ý, theo Cục Hàng hải VN, xu thế container hóa ngày càng phát triển mạnh, nhiều mặt hàng bách hóa, tổng hợp được chuyển sang phương thức vận tải bằng container.
Hiện, tỷ lệ cung cấp dịch vụ vận chuyển container quốc tế của các hãng tàu Việt Nam rất nhỏ, chủ yếu các hãng tàu nước ngoài thuê các tàu chở container Việt Nam để khai thác tuyến quốc tế (tỷ lệ cho thuê tàu lớn: 20/45 tàu). Nếu không tính lượng hàng container, thị phần vận tải của ta cũng đạt 12% của năm 2021.
Cùng đó, lượng hàng rời chở xô như than, quặng và dầu thô nhập khẩu năm 2021 đạt 72 triệu tấn, tăng gấp 7 lần so với năm 2015 (11,5 triệu tấn).
Theo Cục Hàng hải VN, đội tàu của chúng ta chưa có gam tàu chuyên dụng này nên không tham gia vận chuyển xuất nhập khẩu, nhưng đủ đảm nhận toàn bộ việc chuyển tải nội địa phân phối khi hàng nhập về cảng biển của Việt Nam.
Do đó, nếu không tính loại hàng này và container thì lượng hàng hóa xuất nhập khẩu do đội tàu Việt Nam đảm nhận trên 17%.
Ngoài ra, toàn bộ đội tàu thuộc sở hữu của chủ tàu Việt Nam nhưng treo cờ nước ngoài chiếm khoảng 40% tấn trọng tải của đội tàu vận tải Việt Nam tham gia hoạt động vận tải quốc tế không được tính vào thị phần cho đội tàu biển Việt Nam.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu chọn tàu mang lợi ích
Theo số liệu của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 tăng từ 176,58 tỷ USD năm 2016 lên gần 281,5 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 đạt trung bình khoảng 11,7%/năm. Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD, ước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
Những con số trên cho thấy, dù xuất nhập khẩu có xu hướng tăng nhưng thị phần vận chuyển của đội tàu Việt Nam lại theo chiều ngược lại. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân để thị phần vận tải hàng XNK của Việt Nam rơi vào tay các chủ tàu nước ngoài.
Đội tàu của doanh nghiệp có vốn nhà nước nhiều năm qua chưa được đầu tư mới
Ông Bùi Việt Hoài - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội chủ tàu Việt Nam nhận định, thị phần vận tải quốc tế thấp dần vì đội tàu nhà nước ngày càng “teo” đi.
“Cách đây chục năm, đội tàu của Vinalines có hơn 2 triệu tấn trọng tải nhưng hiện chỉ còn hơn 1 triệu tấn trọng tải. Trong khi đó, đội tàu hơn chục năm nay không có đầu tư, còn đội tàu mới hiện nay của các doanh nghiệp tư nhân có tính kinh tế và tính cạnh tranh cao hơn nhiều”, ông Hoài phân tích.
Ngoài ra, ông Hoài cho rằng cũng khó để có cơ chế “hàng Việt Nam để đội tàu Việt Nam chuyên chở”. Bởi trên thực tế, doanh nghiệp nào cũng luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lựa chọn những tàu mang lại lợi ích cho họ nhiều nhất, cả về giá cả, sự thuận tiện.
“Để đội tàu Việt Nam có được thị phần vận tải xuất nhập khẩu, cần sự xuất phát từ hai bên. Một bên phải thiện chí và một bên phải hoàn thiện mình để mang lại giá trị gần bằng giá trị của các đội tàu nước ngoài”, ông Hoài chia sẻ.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo CTCP Vận tải biển VN, hàng xuất nhập khẩu hiện nay chủ yếu là hàng container, nhưng Việt Nam hiếm khi có tàu mẹ ghé cảng. Cùng đó, với thói quen mua CIF bán FOB, các doanh nghiệp sẽ chọn tàu phù hợp với các thị trường mình nhắm đến, ví như xuất khẩu sang Hàn Quốc sẽ chọn tàu của Hàn, xuất khẩu sang Nhật sẽ chọn tàu của Nhật. Để đội tàu Việt Nam có “suất” trong đó không đơn giản.
Chưa kể, các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam cũng chưa có được những tàu chạy chuyên tuyến. Hiện nay, đội tàu Việt Nam có những tàu khoảng 1800 Teus gom hàng chạy nội tuyến, hoặc chạy một số nước Nội Á.
“Nhiều tàu tập trung khai thác các tuyến nội địa nên thị phần vận tải hàng xuất nhập khẩu ít. Chưa kể, cơ chế hiện nay là chào giá cạnh tranh nên các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nếu giá rẻ sẽ chạy, không có nghĩa vụ ưu tiên cho tàu Việt Nam”, vị lãnh đạo thổ lộ.