Thời gian qua, cửa biển Phan Thiết (Bình Thuận) bị bồi lắng khiến tàu thuyền xuất bến, rời cảng rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Bồi lắng ngày càng nghiêm trọng
Đứng tại khu vực cầu cảng quan sát bằng mắt thường khu vực trước cửa biển của cảng này có thể dễ dàng thấy một doi cát kéo dài hàng trăm mét ở cuối nguồn sông Cà Ty. Cát và rác thải bồi lấp từ nhiều năm qua đã tích tụ thành bãi ngày càng nhô cao trước khu vực cảng TP Phan Thiết.
Các tàu vận tải, cao tốc neo đậu tại bến cảng Phan Thiết phải đợi nhiều giờ
chờ thủy triều lên cao mới xuất được bến
Mỗi khi thủy triều xuống, mực nước xuống thấp, cạn trơ đáy, lúc này luồng hàng hải tại cảng chỉ là một luồng nước nhỏ hẹp, chỉ còn thuyền nhỏ mới ra vào được.
“Quá trình nạo vét cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đổ thải bùn khi khơi thông luồng. Do vậy, địa phương cần quy hoạch các khu vực bãi chứa để tiếp nhận khối lượng chất nạo vét, duy tu định kỳ và cải tạo nâng cấp đối với tuyến luồng, vùng nước trước bến cảng”, Ông Đỗ Văn Thuận, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải tỉnh Bình Thuận cho biết.
Ông Phan Đình Đồng, thuyền trưởng tàu Hoàng Thiên 99 cho biết, hiện nay để vào cảng Thương Chánh (cảng vận tải Phan Thiết - PV), tàu hàng, tàu cao tốc đều phải thuê tàu lai dắt gây tốn kém chi phí.
Ông Đồng tính toán mỗi chuyến thuê tàu lai chủ tàu phải thuê tàu lai dắt tốn chi phí hơn 1,2 triệu đồng/chuyến, tàu cao tốc khoảng 1 triệu đồng/chuyến. Mỗi tháng trung bình nếu đi 5 chuyến, tính ra kinh phí sẽ đội lên rất lớn.
Tất cả tàu ra vào cập, cảng đều phụ thuộc con nước. Ngoài ra, gần khu vực cảng Thương Chánh đi ra biển còn tồn tại một khối bê tông nằm ở cửa sông Cà Ty rất nguy hiểm. “Mỗi khi xuất bến các tàu đều lo lắng né tránh luồng cạn và chướng ngại vật tại cửa biển vì rất dễ bị vướng chân vịt, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn với tàu bè qua lại”, ông Đồng nói.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc hãng tàu cao tốc Phú Qúy Express cho biết, tại cảng Phan Thiết, lịch trình xuất bến của các tàu khách và tàu hàng tuyến đảo Phan Thiết - Phú Qúy và ngược lại hoàn toàn phụ thuộc vào thủy triều. Mỗi năm luồng đều bị bồi lắng, nếu không được khơi thông, luồng cạn sắp tới khó có thể đảm bảo an toàn chạy tàu.
“Nước lên xuống thất thường ảnh hưởng lịch chạy tàu và kế hoạch kinh doanh của hãng tàu. Lịch chạy tàu xếp lịch trước 15 ngày nhưng việc xuất bến không đúng giờ vẫn thường xuyên xảy ra, có lúc tàu phải chạy lúc 4h, 5h sáng, có lúc khởi hành lúc 19h tối. Dù biết bất tiện cho hành khách nhưng luồng cạn thì không thể xuất bến hoặc cập cảng. Các thuyền trưởng rất lo ngại khi diễn biến bồi lắng diễn biến khó lường, các cồn cát ngày càng phình to rất nguy hiểm nếu xảy ra sự cố đâm va vào…”, ông Thắng nói.
Cần sớm nạo vét luồng hàng hải
Luồng hàng hải Phan Thiết bị bồi lắng đe dọa an toàn chạy tàu
(Trong ảnh: Cát và bùn bồi lấp giữa sông Cà Ty trước bến cảng Phan Thiết)
Ông Đinh Viết Cường, Phó giám đốc Công ty TNHH Cảng Thương Chánh (đơn vị quản lý cảng vận tải Phan Thiết) cho rằng, nguyên nhân bồi lắng do vào mùa mưa lượng bùn, rác pha lẫn các loại tạp chất từ thượng nguồn đổ xuống ứ lại ở cửa sông Cà Ty.
Cộng thêm cát từ biển do gió từ biển đẩy vào đã bồi lắng nên cồn cát ngày càng phình to ra án ngữ ngay cửa cảng. Các loại tàu vận tải, cao tốc ra vào phải canh mực nước thủy triều đỉnh nhất mới xuất bến hoặc cập cảng. Năm 2021, bến cảng đã phải bỏ ra hơn 2 tỷ đồng nạo vét luồng trước bến để tàu neo đậu.
Cũng theo ông Cường, hiện quá trình nạo vét cũng bị “tắc” do khi bùn thải được đưa lên lại vướng bãi đổ thải. Chiếu theo quy định dù là cát, bùn, tạp chất dưới sông, suối là khoáng sản… muốn vận chuyển đi nơi khác ngoài việc có bãi đổ thải và phải đấu giá.
Trong khi đó, thực tế khi trục vớt vật chất dưới sông ngoài một phần cát nhiễm mặn còn lại là bùn lỏng, tạp chất và rác nên không ai mua để đấu giá dẫn đến kẹt đầu ra.
“Đây là tuyến ra vào độc đạo giữa đất liền với đảo Phú Quý, việc sớm khơi thông luồng và có cơ chế xử lý bùn thải khi nạo vét đang rất cấp thiết”, ông Cường cho hay.
Ông Đỗ Văn Thuận, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải tỉnh Bình Thuận xác nhận tình trạng tái diễn cửa biển bị bồi lắng tại cửa biển Phan Thiết gây khó khăn cho các tàu vận tải ra vào luồng hàng hải Phan Thiết.
Theo ông Thuận vào tháng 3/2020 luồng hàng hải Phan Thiết - Phú Qúy được nạo vét với độ sâu đáy luồng -4,1m. Qua thời gian bồi lắng độ sâu hiện tại luồng hàng hải Phan Thiết độ sâu chỉ đạt -2,7m.
Hiện tại, mực nước vẫn đáp ứng tàu cá, vận tải ra vào nhưng dấu hiệu quan trắc cho thấy, tình trạng bồi lắng chưa có dấu hiệu dừng lại và ảnh hưởng luồng tuyến chạy tàu nếu không kịp thời nạo vét. Để đảm bảo an toàn tàu chạy và đón các tàu có trọng tải lớn hơn cần sớm bổ sung quy hoạch kéo dài đê chắn sóng và thường xuyên nạo vét luồng.