Giá cước vận tải container và sản lượng hàng hóa sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải cắt tuyến, bán bớt tàu do không thể gồng gánh thêm chi phí.
Chuyển hướng ra thị trường nước ngoài
Kể từ tháng 4/2023, chuyến tàu kết nối từ cảng Cửa Lò chạy thẳng tới Kolkatar (Ấn Độ) và Chitagong (Bangladesh) của Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông (Biendong Shipping) chính thức dừng lại sau gần 1 năm khai thác. Sản lượng hàng hóa sụt giảm ở cả hai đầu khiến chủ tàu không thể gồng gánh thêm các chi phí.
“Giá cước vận tải container giảm tới 60% so với thời kỳ đỉnh điểm. Chúng tôi buộc phải quyết định dừng tuyến để tìm phương án khác. Trong đó, có việc chuyển hướng, đưa tàu đi chạy hoàn toàn tuyến quốc tế thay vì cạnh tranh gay gắt ở thị trường nội địa”, ông Nguyễn Minh Tiến, Trưởng phòng kinh doanh của Biendong Shipping.
Thị trường tàu container đang trong bối cảnh khó khăn vì cước thấp,
hàng hóa giảm, cộng thêm những quy định mới về bảo vệ môi trường
khiến các doanh nghiệp phải tìm cách xoay xở hướng mới
Tương tự là Công ty CP Vận tải và xếp dỡ Hải An. Doanh nghiệp này liên tục tìm kiếm những cơ hội, đưa tàu cho thuê định hạn tại thị trường quốc tế.
Theo một lãnh đạo của Hải An, mức cước thuê tàu định hạn tùy từng tàu và tùy thời gian thuê tàu. Tuy nhiên, giá cho thuê tàu hiện cũng đã giảm khoảng 50% so với thời kỳ cao điểm hồi đầu năm 2022. Điển hình, giá cước cho thuê tàu 1.200 Teus thời kỳ cao điểm khoảng 20.000 - 22.000 USD/ngày, giờ chỉ khoảng 12.000 USD/ngày.
Sản lượng khai thác giảm, giá cước và cho thuê tàu đều giảm là một trong những nguyên do khiến kết thúc quý I/2023, báo cáo tài chính hợp nhất của Hải An ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ chỉ đạt hơn 119 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo sàn giao dịch Phattaa, mức cước vận tải container hiện nay đang giảm mạnh, đặc biệt trên các tuyến quốc tế. Trên tuyến Hồ Chí Minh - Port Klang (Malaysia), giá cước vận chuyển có mức khoảng 6,5 - 8 triệu đồng/container 40 feet và khoảng 4,3 triệu đồng/container 20 feet.
Trong khi, thời điểm tháng 4/2022, giá vận tải trên tuyến này tương ứng khoảng 26 - 40 triệu đồng/container 40 feet và khoảng 13-19 triệu đồng/container 20 feet.
Với tuyến nội địa, mức cước hai đầu Hải Phòng - TP.HCM hiện có giá khoảng 4 triệu đồng/container 20 feet và khoảng 6 triệu đồng/container 40 feet. Nhưng thời cao điểm, mức giá có thể lên tới 9-11 triệu đồng/container 20 feet và 17-19 triệu đồng/container 40 feet.
Tái cơ cấu lại đội tàu
Một doanh nghiệp tiết lộ, lượng hàng hóa hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 60% công suất của tàu. Tuy nhiên, ngay cả khi công suất đầy đủ, giá cước thấp vẫn làm hiệu quả khai thác thấp. Thậm chí ở một số tuyến, cước thấp cộng thêm việc cạnh tranh khiến nhiều chủ tàu chấp nhận lỗ, chỉ thu các phụ phí chạy tàu.
Nhưng đó chưa phải tất cả. Những quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) liên quan tới giảm phát thải khí nhà kính đang khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.
Để đáp ứng các quy định mới về việc giảm phát thải carbon đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, trẻ hóa đội tàu, hoặc các tàu biển sẽ phải giảm công suất máy để giảm phát thải.
Dù vậy, các chuyên gia nhận định, việc vận tải biển hội nhập quốc tế ngày càng hiện hữu và doanh nghiệp buộc phải thực hiện các quy định liên quan tới bảo vệ môi trường là điều sớm hay muộn.
Đây có thể coi là một trong những trở ngại lớn với đội tàu của Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) vì đội tàu hầu hết đã già, được đóng lâu năm.
Để thích ứng với các quy định mới, cũng như đảm bảo cho đội tàu hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp này thông báo giai đoạn tới năm 2025 có kế hoạch đầu tư 4 tàu container từ 1.700 - 2.200 Teus và 8 tàu hàng khô trọng tải đến 60.000 tấn (DWT). Riêng trong năm 2023, dự tính sẽ đầu tư 2 tàu container 1.700 - 2.200 Teus.
Đại diện VIMC cho biết, doanh nghiệp có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh việc đánh giá thị trường, tìm kiếm các cơ hội thuê thêm tàu ngoài vào khai thác.
Với thị trường tàu container, VIMC sẽ nghiên cứu các thị trường mới như Ấn Độ, Myanmar, Phillipines, Malaysia... để tạo ra các sản phẩm mới đa dạng, đặc trưng và giảm thiểu rủi ro.
Bất chấp thị trường tàu container suy giảm, Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) cũng tiếp tục có kế hoạch tìm kiếm, thuê thêm tàu về khai thác.
Doanh nghiệp này cũng đa dạng các hạng mục kinh doanh từ tàu dầu, tàu container tới tàu hàng khô. Với các tàu già, Vosco cũng dự kiến thanh lý 1 tàu được đóng từ năm 1996.
Ông Nguyễn Quang Minh, Chủ tịch HĐQT Vosco cho biết, để đáp ứng những quy định mới của IMO, các tàu sẽ buộc phải giảm tốc độ xuống khoảng tới 30-40%.
Điều đó sẽ gây ảnh hưởng tới hiệu quả khai thác kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp phải đặt kế hoạch đầu tư những tàu mới, máy móc mới hơn.
Trước đó, tại cuộc làm việc với Tổng thư ký IMO Kitack Lim tại Việt Nam, lãnh đạo Vosco đã kiến nghị IMO làm cầu nối để kết nối các chủ tàu Việt Nam với các ngân hàng/tổ chức tài chính quốc tế, để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận tài chính với lãi suất và thời gian vay ưu đãi.
Theo Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, khi chưa có tàu mới sử dụng năng lượng sạch, ngoài việc tuân thủ đầy đủ các quy định của các Công ước quốc tế, các chủ tàu cần nâng cao nhận thức, đào tạo thuyền viên phù hợp để các thuyền viên chủ động, tích cực tham gia cải thiện môi trường, đạt được hiệu quả “xanh” trong việc kinh doanh và khai thác tàu.