Chiều 11/6, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì cuộc họp nghiên cứu giao lại cho các địa phương quản lý và vận hành các đường ngang giao với đường sắt hiện có. Cùng dự có lãnh đạo các Vụ: Vận tải, An toàn giao thông, Tài chính, Kết cấu hạ tầng giao thông, lãnh đạo Văn phòng Bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), Tổng công ty ĐSVN.
Chiều 11/6, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã chủ trì cuộc họp nghiên cứu giao lại cho các địa phương quản lý và vận hành các đường ngang giao với đường sắt hiện có. Cùng dự có lãnh đạo các Vụ: Vận tải, An toàn giao thông, Tài chính, Kết cấu hạ tầng giao thông, lãnh đạo Văn phòng Bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), Tổng công ty ĐSVN.
Theo báo cáo của Tổng công ty ĐSVN, hiện tại ĐSVN có 06 tuyến chính và các tuyến nhánh với tổng chiều dài 3143 km trong đó có 2682 km đường chính tuyến, đi qua 32 tỉnh thành phố. Trên mạng lưới đường sắt đó có 1.555 đường ngang các loại, trong đó 544 đường ngang có biển báo, 304 đường ngang cảng báo tự động, 654 đường ngang có người gác (trong đó có 525 đường ngang công cộng, 111 đường ngang nội bộ, 18 đường ngang) và 4268 đường dân sinh vượt qua đường sắt.
Về các hình thức tổ chức phòng vệ hiện nay tại các đường ngang, báo cáo cho biết hiện 525 đường ngang công cộng có người gác do Tổng công ty ĐSVN tổ chức phòng vệ với nguồn kinh phí quản lý, bảo trì và tổ chức phòng vệ đường ngang từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế theo kế hoạch nhà nước cân đối hàng năm cho Tổng công ty ĐSVN do các Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt và Thông tin tín hiệu đường sắt thực hiện.
Đối với 111 đường ngang nội bộ và 18 đường ngang chuyên dùng có người gác, hiện do các công ty kết cấu hạ tầng đường sắt thực hiện quản lý, bảo trì và tổ chức gác chắn theo hợp đồng với đơn vị chủ quản đường ngang. Nguồn kinh phí do đơn vị chủ quản đường ngang chịu trách nhiệm chi trả cho người thực hiện theo hợp đồng.
Theo ý kiến của Tổng công ty ĐSVN, trong giai đoạn trước mắt cần áp dụng thí điểm cho các đường ngang nội bộ, chuyên dùng và các đường ngang mới thành lập, cải tạo nâng cấp thành có người gác. Sau khi thực hiện thí điểm, tổng kết và hoàn chỉnh các văn bản để áp dụng cho đường ngang có người gác còn lại.
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên tham dự cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu Tổng công ty ĐSVN cần quyết liệt trong thực hiện vấn đề này vì đây là một mục tiêu nằm trong chủ trương xã hội hóa công tác an toàn đường sắt, đồng thời tăng vai trò, trách nhiệm của địa phương trong công tác an toàn giao thông đường sắt. Do đó, thời gian tới Tổng công ty ĐSVN cần rà soát tất cả các đường ngang và phân loại đường ngang để có thể giao dần cho địa phương quản lý, đồng thời nghiên cứu cơ chế đặt hàng hoặc khoán cho địa phương vận hành quản lý các đường ngang với điều kiện có đủ trang thiết bị. Còn việc duy tu bảo trì hệ thống phải do ĐSVN thực hiện. Tổng công ty ĐSVN cũng cần xây dựng cơ chế giám sát quản lý đảm bảo an toàn giao thông, rà soát các quy định liên quan đến điều kiện an toàn trong phòng vệ đường ngang, chứng chỉ nghề của người thực hiện tổ chức phòng vệ đường ngang để xem xét, sửa đổi cho phù hợp. Ngoài ra, khi thực hiện việc giao cho địa phương quản lý vận hành các đường ngang có thể dẫn đến dôi dư một số lượng công nhân đường sắt tại các điểm gác chắn, Tổng công ty ĐSVN cần xây dựng phương án để giải quyết chế độ, chính sách cho các công nhân này.
DT