Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp về Đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà nước của Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) sáng nay, 14/4. Dự họp có lãnh đạo các Vụ tham mưu, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ; Cục ĐSVN; Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông; Tổng công ty ĐSVN.
Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp về Đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà nước của Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) sáng nay, 14/4. Dự họp có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, lãnh đạo các Vụ tham mưu, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ; Cục ĐSVN; Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông; Tổng công ty ĐSVN.
Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp về Đề án
đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà nước của Cục Đường sắt Việt Nam
Theo báo cáo của Cục ĐSVN, mục tiêu của việc xây dựng Đề án nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước (QLNN) đối với hoạt động đường sắt; tách bạch chức năng QLNN và quản lý kinh doanh của doanh nghiệp giữa quản lý kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đường sắt hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thúc đẩy ngành Đường sắt phát triển.
Từ việc phân tích, đánh giá thực trạng công tác QLNN trong hoạt động đường sắt, ông Nguyễn Hữu Thắng - Cục trưởng Cục ĐSVN đưa ra các giải pháp đổi mới toàn diện công tác QLNN trong hoạt động đường sắt. Cụ thể là đề xuất, xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách cho phù hợp với công tác QLNN trong hoạt động đường sắt; đổi mới về chức năng nhiệm vụ; đổi mới về cơ cấu, tổ chức.
“Đổi mới là nhu cầu bức thiết hiện nay, đặc biệt là đối với ngành Đường sắt. Cùng với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty ĐSVN, Cục cũng xây dựng Đề án đổi mới toàn diện công tác QLNN của Cục. Đề án này là cuộc cách mạng trong tổ chức và điều hành của Cục” - Ông Thắng nhấn mạnh.
Đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tham gia dự họp đều cho rằng, do thời gian ngắn nên việc chuẩn bị dự thảo Đề án của Cục ĐSVN còn sơ sài, nội dung Đề án chưa rõ, chưa đầy đủ và chưa tập trung vào các nội dung trọng tâm. Trên cơ sở đó, đại diện các đơn vị đề nghị, việc xây dựng Đề án cần đưa ra được các giải pháp cụ thể, rõ ràng trong việc đổi mới toàn diện công tác QLNN; cần chú trọng thêm vào đường sắt đô thị; Đề án này phải gắn với Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2012-2015.
Đánh giá về thực trạng hoạt động của Cục ĐSVN trong thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Cục chưa thực sự chủ động trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đường sắt; còn lẫn lộn giữa quy chuẩn và tiêu chuẩn, giữa quy hoạch và chiến lược; vai trò làm chủ đầu tư của Cục còn mờ nhạt.
Đề cập đến nội dung của Đề án đổi mới toàn diện công tác QLNN của Cục ĐSVN, Thứ trưởng đề nghị, cần tập trung vào đổi mới về nhận thức; tiếp đó xác định được chủ thể các tài sản; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới về quản lý kết cấu hạ tầng và đầu tư.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Đề án đổi mới toàn diện công tác QLNN của Cục ĐSVN phải đảm bảo
cho việc QLNN chặt chẽ, hiệu quả và doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Đổi mới đường sắt là yêu cầu của Đảng, Chính phủ, của nhân dân và của vận tải hành khách. Đổi mới phải có lộ trình triển khai thực hiện và việc thực hiện Đề án đổi mới không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong đó có Tổng công ty ĐSVN. Đề án đổi mới toàn diện công tác QLNN của Cục ĐSVN phải đảm bảo cho việc QLNN chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn và doanh nghiệp phải kinh doanh thuận lợi hơn, tốt hơn.
Bộ trưởng đề nghị, Cục ĐSVN tiếp thu ý kiến của các đồng chí tham gia cuộc họp hôm nay để hoàn thiện lại Đề án; các Cục, Vụ có trách nhiệm nghiêm túc tham gia vào việc thực hiện Đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà nước của Cục ĐSVN.
“Đề án phải đưa ra được lộ trình, đánh giá tác động của Đề án. Phần đánh giá thực trạng trong Đề án phải chỉ rõ công tác QLNN giao cho Cục ĐSVN đã thực hiện được cái gì và chưa thực hiện được cái gì; liệt kê được danh mục QLNN của đường sắt; sắp tới đổi mới Cục ĐSVN sẽ làm gì tiếp, Tổng công ty ĐSVN còn làm gì thuộc quản lý nhà nước không? Từ thực trạng này để đưa ra được giải pháp cụ thể. Trong các giải pháp thì cái quan trọng nhất là đổi mới con người, đổi mới cơ cấu, tổ chức” - Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng cũng đề nghị ,Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện Đề án phải hoàn thành xong trước ngày 15/5; khi phê duyệt triển khai Đề án phải công khai trên báo chí. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đồng ý việc triển khai Đề án này gắn với Đề án tái cơ cấu Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2012-2015; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đổi mới toàn diện công tác QLNN của Cục ĐSVN do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm Trưởng ban.
Kiều Anh