Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông vào chiều nay (7/11), tại trụ sở Bộ GTVT.
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông vào chiều nay (7/11), tại trụ sở Bộ GTVT.
Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông
Cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng
Báo cáo về tình hình thực hiện Dự án, Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt cho biết: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài là 13,05km, đi qua địa bàn các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm và Hà Đông của TP. Hà Nội. Toàn tuyến đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (Q. Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (Q. Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới). Tốc độ tối đa chạy tàu là 80km/h.
Về khối lượng thực hiện Dự án, đến 5/11/2014 cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (chỉ còn vướng mắc ở ga Cát Linh); hoàn thành thiết kế kỹ thuật và Tổng mức đầu tư điều chỉnh và ngày 7/11/2014 Ban QLDA Đường sắt đã trình Bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh; hoàn thành 320/419 trụ cầu khu gian (đạt 76%); hoàn thành thi công kết cấu trụ của 7/12 nhà ga; lao lắp 336/806 phiến dầm.
Theo tiến độ, vào cuối Quý I/2015 Dự án sẽ hoàn thành toàn bộ công tác xây lắp các trụ khu gian; hoàn thành thi công 11/12 nhà ga vào đầu Quý IV/2015, riêng nhà ga Cát Linh dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12/2015 nếu mặt bằng được bàn giao vào đầu tháng 11 này; dự kiến hoàn thành công tác đúc và lao lắp dầm vào tháng 7 sang năm và thi công DEPOT hoàn thành vào đầu Quý III sang năm
31/12/2015 đưa vào khai thác thương mại
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá, từ khi bắt đầu nghiên cứu Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, làm báo cáo khả thi từ năm 2004, cho đến năm 2009 ký hợp đồng EPC những đến nay tiến độ triển khai Dự án là rất chậm.
“Mặc dù trong khoảng một năm trở lại đây tiến độ của Dự án đã có tiến triển hơn; sự phối hợp giữa các cơ quan của Bộ GTVT với TP. Hà Nội, đại diện Chủ đầu tư, các nhà thầu, tư vấn thiết kế có tốt hơn. Tuy nhiên tiến độ Dự án vẫn chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc triển khai Dự án chậm gây rất nhiều phiền hà cho nhân dân, nhất là việc đi lại... Đây là việc cần nhanh chóng khắc phục và chấn chỉnh” - Bộ trưởng nói.
Đẩy nhanh tiến độ Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông
Về phía TP. Hà Nội, Bộ trưởng đề nghị Thành phố chậm nhất là 30/11/2014 hoàn thành giải phóng mặt bằng của Dự án; chỉ đạo công an, thanh tra giao thông phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là Tổng thầu, Tư vấn thiết kế, Tư vấn giám sát, Ban QLDA Đường sắt để tổ chức bảo vệ trong quá trình thi công, đảm bảo an toàn trong thi công và đảm bảo lưu thông đi lại; phối hợp với các cơ quan của Bộ GTVT để tổng kiểm tra lại các dự án giao thông trên địa bàn.
“Bộ GTVT đã giao cho Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông có Chỉ thị trong toàn quốc yêu cầu các cơ quan, đơn vị của Bộ, các Ban QLDA, các Sở GTVT có sự phối hợp để tổng thanh tra, kiểm tra lại toàn bộ công tác đảm bảo ATGT trong công tác thi công” - Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng đề nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tổ chức họp giao ban hàng tháng về Dự án này; cập nhật lại tiến độ chi tiết Dự án với mục tiêu 31/12/2015 phải hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại; Cục Quản lý xây dựng chất lượng và Công trình giao thông cùng với Tổng thầu, Ban QLDA lập lại tiến độ chi tiết trình Bộ phê duyệt để làm căn cứ triển khai thực hiện.
Bộ trưởng cũng đề nghị Ban QLDA cần hết sức chủ động trong việc điều phối các hoạt động với Tổng thầu, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát; họp giao ban hàng ngày trên công trường để kịp thời xử lý tồn tại, vướng mắc; thanh toán kịp thời cho Nhà thầu chính và chỉ đạo nhà thầu thanh toán kịp thời cho nhà thầu phụ; xem lại toàn bộ tổng mức đầu tư của Dự án.
Đối với Tổng thầu, Bộ trưởng đề nghị phải hết sức nghiêm túc trong việc tổ chức thi công triển khai công trình, tăng cường nâng lực, thiết bị con người và chủ động trong việc lập lại tiến độ; có biện pháp đảm bảo an toàn thi công; có trách nhiệm thanh toán kịp thời tiền cho các nhà thầu phụ.
“Tư vấn giám sát phải tăng cường lực lượng. Tư vấn giám sát không phải là làm công việc cuối kỳ đi nghiệm thu mà phải giám sát trong cả quá trình xây dựng biện pháp triển khai thi công cũng như giám sát trong quá trình thi công và nghiệm thu thanh toán. Tư vấn cùng với nhà thầu và Ban QLDA xây dựng lại tiến độ chi tiết của Dự án” - Bộ trưởng yêu cầu.
Về vụ tai nạn xảy ra khoảng 9h15 sáng 6/11 tại điểm thi công nhà ga Thanh Xuân 3, đối diện với Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, khiến một người tử vong tại chỗ, hai người bị thương (Công trình đang thi công thuộc dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội)), Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Tổng thầu EPC phải cảnh cáo nhà thầu vì để xảy ra sự việc hôm qua và phải chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra tai nạn. Tổng thầu phải chịu trách nhiệm toàn bộ về các khoản kinh phí và cắn cứ vào kết luận điều tra, hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, Tư vấn giám sát cũng là người chịu trách nhiệm chính trọng vụ tai nạn hôm qua. Ban QLDA phải nghiêm túc kiểm điểm và xác định trách nhiệm, ai là người chịu trách nhiệm phụ trách Dự án này? Cùng với đó, Nhà thầu phụ là Xí nghiệp Cầu 17 (CIENCO 1) phải là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc để xảy ra tai nạn. |
K.A