Trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về nguyên tắc Tổng mức đầu tư điều chỉnh Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Bộ Giao thông vận tải thẩm định, tại Công văn số 2248/TTg-KTN ngày 11/11.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc Tổng mức đầu tư điều chỉnh Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Bộ Giao thông vận tải thẩm định.
Thủ tướng Chính phủ giao Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) rà soát các hạng mục chi phí, phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo đúng quy định.
Điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án đầu tư đường
cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh minh họa, nguồn: mt.gov.vn
Bộ Giao thông vận tải căn cứ Tổng mức đầu tư điều chỉnh và một số cơ chế tài chính, chính sách hỗ trợ tại Thông báo 197/TB-VPCP ngày 12/5/2014, chỉ đạo VIDIFI xây dựng hoàn chỉnh Phương án tài chính; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định Phương án tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài 105,5 km với điểm bắt đầu nằm trên đường Vành đai 3 của Hà Nội (cách mố Bắc cầu Thanh Trì 1,025 km thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) đi qua các tỉnh, thành phố là Hà Nội (6km), Hưng Yên (26,5km), Hải Dương (40), Hải Phòng (33km), và điểm cuối đường là đập Đình Vũ (thuộc quận Hải An, Hải Phòng).
Con đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A có 6 nút giao liên thông khác mức tại giao cắt với các quốc lộ. Tuyến đường có 9 cầu lớn, 21 cầu trung, 22 cầu vượt với tổng chiều dài cầu khoảng 11km; 124 cống chui và cầu vượt dân sinh.
Tốc độ ô tô thiết kế đạt 120km/giờ. Mặt cắt ngang bình quân là 100 m, mặt đường rộng 33 m với 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, có dải phân cách giữa, dải cây xanh hai bên đường, có đường gom ở các vị trí cần thiết.
Hệ thống kiểm soát giao thông thông minh và hệ thống thu phí tự động, khép kín, tổ chức giao thông hiện đại và thông suốt, có lắp đặt hệ thống camera để kiểm soát và ghi nhận hình ảnh, có các trạm dịch vụ, các thiết bị cung cấp xăng dầu, sửa chữa nhỏ.
Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được triển khai theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) với cơ chế thí điểm. Việc sớm đưa công trình vào sử dụng có ý nghĩa rất lớn, góp phần giảm tải cho Quốc lộ 5 và tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Nguồn: Chinhphu.vn