Đề xuất Dự án hoàn chỉnh QL3 mới đoạn Hà Nội – Thái Nguyên theo hình thức BOT

Thứ năm, 08/01/2015 10:38
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng nay (8/1), Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì buổi làm việc nghe Ban QLDA2 báo cáo Đề xuất Dự án hoàn chỉnh QL3 mới đoạn Hà Nội – Thái Nguyên theo hình thức BOT.

QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên được thông xe tháng 1/2014

Tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Ban QLDA2 Lưu Việt Khoa cho biết: Quốc lộ 3 là một trong các trục đường quốc gia hướng tâm nối Thủ đô Hà Nội với điểm đầu Km0 tại phía Bắc cầu Đuống qua địa phận các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng tới cửa khẩu Tà Lùng.

Theo quy hoạch mạng đường bộ cao tốc VN đến năm 2020 đã được phê duyệt, đã hoạch định đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Chợ  Mới (Bắc Kạn) dài 90km là một trong 7 tuyến cao tốc hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội. Xây dựng cao tốc Hà Nội -Thái Nguyên; Thái Nguyên – Chợ Mới theo quy hoạch, từng bước hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc khu vực phía Bắc, phục vụ kế hoạch phát triển KT-XH khu vực, là việc hết sức cần thiết và cấp bách, đặc biệt trong những năm gần đây tỷ lệ TNGT trên tuyến QL3 luôn ở mức cao.

QL3 mới cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên có chiều dài khoảng 63,8km, điểm đầu tại Ninh Hiệp (nút giao QL1A mới về phía Bắc cầu Phù Đổng), Gia Lâm, Hà Nội; điểm cuối là xã Tân Lập (nút giao với tuyến tránh TP.Thái Nguyên). Dự án được khởi công vào tháng 11/2009 và được thông xe kỹ thuật vào tháng 1/2014.

Tuy nhiên, một số hạng mục trên tuyến vẫn chưa hoàn thành do các hạng mục thay đổi và tăng chi phí xây lắp so với quyết định duyệt, kinh phí còn thiếu nằm trong hợp đồng xây lắp là 1.292 tỷ đồng.

Sau đó, Ban QLDA2 đã có Tờ trình Bộ GTVT về việc xin chủ trương đầu tư hoàn chỉnh QL3 mới bằng phương án BOT có thời hạn – Dự án xây dựng QL3 mới đoạn Hà Nội – Thái Nguyên (Giai đoạn 1). Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư Bộ GTVT cũng đã có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT về việc nghiên cứu đề xuất thực hiện giai đoạn hoàn thiện (phần vốn còn thiếu) Dự án này.

Tại buổi làm việc, đại diện Tư vấn cũng cho biết Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc; vận tốc 80-100km/h. Bề rộng mặt cắt ngang giai đoạn I gồm 4 làn xe, có giải phân cách giữa rộng 10,5m. Dự kiến đường ngang thiết kế theo quy mô đường cấp III đồng bằng Bn/Bm=12/11m; Quy mô đường gom theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn. Kết cấu mặt đường cấp cao A1.

Cơ quan tư vấn cũng trình bày giải pháp thiết kế và nội dung thiết kế Dự án hoàn chỉnh.

Theo đó, sẽ đầu tư bổ sung lớp bê tông nhựa tạo nhám dày 2cm để tăng độ nhám mặt đường đảm bảo an toàn xe chạy theo tốc độ thiết kế của đường cao tốc; Bổ sung, cải tạo hệ thống đường gom, đường ngang, hoàn trả đường hiện trạng cho địa phương (do hiện trạng sau khi thi công hiện trạng đường ngang bị hỏng nhiều, đường gom địa phương đề nghị bổ sung kể kết nối các cống chui và với đường hiện tại); Hệ thống ATGT; Thiết kế bổ sung thêm hệ thống ITS để tăng cường quan sát và kiểm soát ATGT trên toàn tuyến và để đồng bộ với hệ thống ITS miền Bắc.

Cơ quan tư vấn cũng đề nghị xây dựng 6 trạm thu phí trên QL3 mới để phù hợp với hình thức đầu tư theo BOT.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện Dự án. Đặc biệt, thống nhất ý kiến thay đổi tên gọi Dự án này thành cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên bởi Dự án được thiết kế  đầy đủ các điều kiện của đường cao tốc.

Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cơ bản đồng ý với giải pháp thiết kế và nội dung thiết kế Dự án hoàn chỉnh đồng thời đồng ý với ý kiến của nhiều đại biểu đổi tên Dự án Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội – Thái Nguyên  thành đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên vì Dự án này đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật của đường cao tốc như các nút giao lập thể, đường ô tô, đường tránh khẩn cấp…

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Ban QLDA2 và Tư vấn hoàn thiện lại hệ thống biển báo; đặc biệt lưu ý đến việc thiết kế các Trạm thu phí phải phù hợp với Đề án thiết kế đã được Bộ phê duyệt là hướng tới việc thu phí tự động.

“Bên cạnh đó phải lập một Tiểu dự án về giao thông thông minh (ITS), đầu tư theo đúng tổng thể mà Bộ đang xây dựng; tiêu chuẩn phù hợp, là một bộ phận để kết nối tổng thể ITS phía Bắc; tập trung vào việc xử lý hình ảnh, biển báo điện tử để hạn chế tốc độ phù hợp thời tiết, ban đêm, ban ngày, đảm bảo ATGT cho người và phương tiện cũng như hỗ trợ các lực lượng chức năng xử lý các trường hợp vi phạm”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu Ban QLDA2 phải hoàn chỉnh, xin ý kiến phê duyệt của các cấp, ngành trong Quý I để đầu Quý II/2015 có thể khởi công được Dự án.

 

Phong Kỳ

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)