Chiều 20/3, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã có buổi làm việc với các nhà đầu tư về lắp đặt các trạm thu phí không dừng và kiểm soát trọng tải xe trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp
Tại buổi làm việc Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã nêu bật những lợi ích từ việc áp dụng công nghệ thu phí không dừng kết hợp kiểm soát tải trọng xe. Cụ thể, nhà đầu tư tránh được thất thoát, tiêu cực và tiết kiệm được rất nhiều khoản chi phí cho công tác in vé. Các chủ phương tiện tiết kiệm được nhiên liệu, thời gian lưu thông vì không phải dừng lại để trả tiền. Còn các cơ quan quản lý đường bộ không chỉ giảm được chi phí sửa chữa cầu đường mà còn tiết kiệm chi phí cho các trạm cân lưu động và nhân lực cho các trạm thu phí thủ công. Bên cạnh đó, công nghệ này cũng góp phần làm giảm thiểu khí thải độc hại, tăng tuổi thọ động cơ phương tiện và giúp cho các cơ quan chức năng quản lý hiệu quả các phương tiện.
Theo Thứ trưởng, công nghệ thu phí không dừng nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID) đang được Bộ triển khai thí điểm tại 3 trạm (Hoàng Mai, Quảng Bình, Km1813+650 đường Hồ Chí Minh). Trong thời gian đầu, tại các trạm thu phí sẽ kết hợp cả thu phí 1 dừng và thu phí không dừng để các phương tiện giao thông chuyển đổi dần theo lộ trình.
Trạm thu phí không dừng tại Quảng Bình
Hiện tại Bộ đang giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thẩm định và phê duyệt các mẫu thiết kế trạm thu phí không dừng do Tasco và TEDI thiết kế theo hướng phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Sau khi có các mẫu thiết kế các nhà đầu tư sẽ chủ động lựa chọn và hợp động với các đơn vị cơ khí trong chế tạo và lắp đặt. Bộ cũng sẽ xây dựng các tiêu chuẩn và phê duyệt giá các thiết bị làm cơ sở cho các nhà đầu tư đầu tư và lắp đặt.
Tại cuộc họp Thứ trưởng cũng yêu cầu trước mắt Tasco và Cơ quan tư vấn FETC của Đài Loan có trách nhiệm chuyển giao công nghệ và lắp đặt các thiết bị trong hệ thống thu phí không dừng tại các trạm và kết nối về trung tâm chỉ huy theo hình thức "chìa khóa trao tay", đồng thời có bảo hành bảo trì lâu dài cho hệ thống. Sau khi lắp đặt, phần kinh phí này sẽ được đưa vào tổng mức đầu tư của trạm thu phí.
Đối với các trạm kiểm soát tải trọng xe tại các trạm thu phí, Thứ trưởng cho biết đây là một phần gần như bắt buộc phải lắp đặt tại các trạm thu phí tự động vì lợi ích của chính các nhà đầu tư đoạn đường. Các trạm cân này sẽ được Cục Tiêu chuẩn, Đo lường chất lượng của Bộ Khoa học công nghệ kiểm định định kỳ và cấp giấy chứng nhận.
Để tạo điều kiện cho các chủ phương tiện trong lắp đặt các thẻ định danh (E tag), Thứ trưởng cho biết các dịch vụ lắp đặt E tag và nạp tiền cho các thẻ này tại các trung tâm đăng kiểm, trạm dừng nghỉ đường bộ...
Đối với các trạm thu phí hiện tại, Thứ trưởng khẳng định các trạm này sẽ phải có phương án và lộ trình cụ thể để cải tạo phù hợp tiến tới áp dụng sử dụng công nghệ thu phí không dừng RFID.
Kết thúc cuộc họp Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định việc thực hiện áp dụng công nghệ thu phí không dừng sử dụng công nghệ RFID trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên là bắt buộc, nếu nhà đầu tư nào không áp dụng công nghệ này đồng nghĩa với việc sẽ không thu phí trên đoạn đường đã đầu tư. Do vậy đơn vị cung cấp thiết bị và chuyển giao công nghệ phải khẩn trương thực hiện việc lắp đặt và chuyển giao và không được gây bất cứ khó khăn nào cho các nhà đầu tư để đến thời hạn 30/11/2015 sẽ thực hiện thu phí tự động trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
DT