Sáng nay (21/3), Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trực tiếp thị sát và kiểm tra tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình theo hình thức BOT.
Bộ trưởng Đinh La Thăng và Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình Bùi Văn Tỉnh nghe
Ban QLDA2 và nhà đầu tư báo cáo tiến độ cũng như vướng mắc của Dự án
Báo cáo trước Bộ trưởng Đinh La Thăng và Bí thư Tỉnh uỷ Bùi Văn Tỉnh, Tổng Giám đốc TCT 36 Nguyễn Đăng Giáp (đại diện Liên danh nhà đầu tư) cho biết, hiện các nhà thầu đã hoàn thiện xong công tác thảm bù đá dăm đen và bê tông nhựa hạt trung lớp C19 của 4 gói thầu xây lắp thuộc tuyến QL6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình. Giá trị thực hiện của các gói thầu xây lắp đạt khoảng 71% (227 tỷ đồng).
Theo ông Giáp, vướng mắc của đoạn tuyến chủ yếu là bước thiết kế cơ sở còn nhiều sai sót, bất cập cần phải điều chỉnh, bổ sung. Cùng đó, do trạm thu phí tại lý trình Km38 + 350 không thể thực hiện công tác GPMB nên nhà thầu phải đề nghị tỉnh Hòa Bình cho chuyển sang vị trí mới tại Km42+730.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Ban QLDA2 và đại diện nhà thầu, Bộ trưởng Đinh La Thăng phê bình nhà đầu tư triển khai Dự án rất chậm.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tranh thủ làm đến đâu dứt điểm đến đấy khi thời tiết đang thuận lợi. Song song với công tác thảm bê tông nhựa phải tiến hành ngay việc bù hai bên lề đường để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến.
Bộ trưởng yêu cầu, chậm nhất hết tháng 4/2015, đoạn tuyến này phải hoàn thành toàn bộ các công việc gồm thảm bê tông nhựa hai lớp, đắp lại cho bằng phẳng hai bên lề đường, hoàn chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ vạch,…
Đối với Dự án xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình, đại diện chủ đầu tư cũng thông tin, vướng mắc lớn nhất hiện nay là công tác GPMB và tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo ông Giáp, trên đoạn tuyến còn vướng 6km thuộc địa phận của TP Hà Nội. Dự kiến trước 30/3/2015, nhà đầu tư sẽ ký hợp đồng với hội đồng GPMB huyện Thạch Thất để tiến hành công tác công tác kiểm đếm, định giá đất, GPMB phục vụ thi công Dự án.
Ông Giáp cũng cho biết thêm, trên địa phận tỉnh Hòa Bình, khó khăn lớn nhất là phương án giải quyết công tác đền bù và tái định cư cho khoảng 45 hộ dân thuộc 5 xã và thị trấn của huyện Kỳ Sơn và một xã thuộc TP Hòa Bình.
Trước phản ánh của chủ đầu tư, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương có Dự án đi qua khẩn trương vào cuộc để giải quyết những vướng mắc về mặt bằng cho Dự án khu vực cửa ngõ phía Bắc này.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu nhà đầu tư phải chuẩn bị sẵn phương án tài chính, khi địa phương có phương án đền bù phải triển khai ngay. Đặc biệt, các nhà thầu cần bố trí lực lượng thi công có năng lực, tập trung đẩy nhanh tiến độ Dự án, mặt bằng có đến đâu phải thi công dứt điểm đến đó.
Về nguồn tài chính để thực hiện Dự án, ông Nguyễn Đăng Giáp cho biết, hiện nhà đầu tư đã huy động 100% vốn chủ sở hữu (374 tỷ đồng). Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng để giải ngân cho Dự án bị "mắc kẹt” do Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) chưa tiến hành giải ngân.
Trước kiến nghị của nhà đầu tư, ngay tại hiện trường Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trực tiếp điện thoại cho ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB đề nghị lãnh đạo Ngân hàng này nhanh chóng giải quyết các thủ tục theo quy định để giải ngân vốn tín dụng cho Dự án.
Được biết, tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình có tổng chiều dài 25,69 km, đoạn thuộc địa phận TP Hà Nội dài 6,37 km, đoạn qua địa phận Hòa Bình dài 19,32 km; tuyến đường Xuân Mai - Hòa Bình có tổng chiều dài đầu tư 30,36 km. Tổng mức đầu tư hai dự án là 2.989 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng 141,33 ha, được đầu tư theo hình thức BOT. Chủ đầu tư dự án là liên danh giữa Tổng Công ty 36 (Bộ Quốc phòng), Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội, Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc.
Phong Kỳ