Tất cả các gói thầu phải triển khai đồng loạt, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ một nhà ga làm mẫu để nhân rộng; cuối năm 2015, cơ bản phải xong phần hạ tầng, có một số đoàn tàu hoạt động thử và đến tháng 3 năm 2016, Dự án sẽ hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động.
Sáng 02/4, tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Kim Thành - Tổng giám đốc Ban QLDA Đường sắt cho biết, sau sự cố ngày 28/12/2014, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị dừng thi công, đến ngày 28/1/2015, có 08 hạng mục đã thi công trở lại và hiện nay toàn bộ các hạng mục đã được thi công trở lại; công tác phối hợp giữa Ban QLDA, Tổng thầu và Đơn vị tư vấn giám sát đã được tăng lên.
Cũng tại cuộc họp, theo báo cáo của đại diện Tổng thầu dự án (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc), công tác tổ chức, nhân sự của Tổng thầu có nhiều thay đổi như thay thế Tổng giám đốc dự án, điều động Phó Tổng công trình sư của Tập đoàn sang làm Tổng công trình sư của Dự án, bổ sung nhiều cán bộ Trung Quốc sang Việt Nam thực hiện Dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông
Đánh giá về quá trình thực hiện Dự án, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, sau khi sự cố xảy ra, Tổng thầu, Ban QLDA Đường sắt đã tập trung điều chỉnh theo hướng tích cực như tăng cường nhân lực, tổ chức lại phương án thi công, tăng cường phối hợp giám sát giữa đơn vị tư vấn giám sát (TVGS) Trung Quốc và TVGS của Việt Nam (Viện KHCN GTVT), Ban QLDA Đường sắt từng bước đưa Dự án thi công trở lại bình thường… Tuy nhiên, tiến độ thi công Dự án còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.
Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Tổng thầu phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng, tiến độ, an toàn giao thông, an toàn lao động; chủ động trong việc đảm bảo các điều kiện trong Hợp đồng (xây dựng định mức đơn giá, tiến độ…); kiểm tra lại hợp đồng với các nhà thầu phụ trình Ban QLDA Đường sắt xem xét, trong đó hợp đồng nào đang ký dạng nguyên tắc thì phải chuyển sang ký chính thức, nhà thầu nào chưa ký hợp đồng mà đã thi công thì dừng ngay; đồng thời thanh toán ngay tiền nợ cho các nhà thầu phụ; trước 15/5 phải xây dựng xong toàn bộ các hồ sơ dự toán; tất cả các gói thầu phải triển khai đồng loạt, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ một nhà ga làm mẫu để nhân rộng. Cuối năm 2015, cơ bản phải xong phần hạ tầng, có một số đoàn tàu hoạt động thử và đến tháng 3 năm 2016, Dự án sẽ hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động.
Đối với Ban QLDA Đường sắt, cần phối hợp chặt chẽ với Tổng thầu để hoàn thiện tiến độ tổng thể Dự án; phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng và hoàn thành Tổng mức đầu tư; kiểm soát chất lượng công trình, dòng tiền dự án của Tổng thầu; rà soát lại công nghệ, kỹ thuật được áp dụng vào Dự án; phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban Giám đốc điều hành dự án; chủ động giúp Tổng thầu giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án.
Đối với TVGS, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị TVGS của Tổng thầu và TVGS của Việt Nam (Viện KHCN GTVT); danh sách cán bộ giám sát được phân công cụ thể theo các vị trí để bộ giám sát, kiểm tra; cán bộ giám sát nào có biểu hiện tiêu cực, vắng mặt trong thời gian làm nhiệm vụ phải cho nghỉ ngay.
Phùng Trọng