Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-BGTVT về thực hiện Chính sách Quốc gia phòng, chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn trong Ngành GTVT.
Lễ ký kết Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động phòng chống
lạm dụng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ giữa
Ủy ban ATGT Quốc gia và Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (tháng 2/2015)
Chỉ thị nêu rõ: Trong những năm qua, Ngành GTVT đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành, đặc biệt là các hoạt động nhằm ngăn chặn việc lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác gây hại đến sức khỏe của người sử dụng, đến gia đình, xã hội và đặc biệt nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Để tăng cường thực hiện có hiệu quả Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách Quốc gia phòng, chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong toàn Ngành GTVT thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Công tác tuyên truyền, phổ biến
Tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên các trường thuộc Bộ về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác (sau đây gọi chung là rượu, bia) đối với sức khỏe, gia đình, xã hội và đặc biệt nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Tuyên truyền, cảnh báo tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe, đối với người tham gia giao thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, người điều khiển phương tiện tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn.
2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ
Nghiêm cấm sử dụng rượu, bia trước khi làm việc, trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn giữa hai buổi trong ngày làm việc và ngày trực, kể cả khi tổ chức hội nghị, tiếp khách.
Ngày nghỉ, ngoài giờ làm việc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ gương mẫu đi đầu thực hiện các quy định của pháp luật về nồng độ cồn; trước khi điều khiển phương tiện không được uống rượu, bia; đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
3. Các Sở GTVT
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông nhằm giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia gây ra.
Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt đối với lái xe kinh doanh vận tải.
4. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp Ngành GTVT
Tuyên truyền, giáo dục, thông tin cho học sinh, sinh viên, học viên về tác hại của việc sử dụng rượu, bia; nghiên cứu lồng ghép nội dung giáo dục về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia vào các buổi sinh hoạt lớp và toàn trường.
Không bán rượu, bia trong trường học, căng tin, nhà ăn tập thể, ký túc xá; phối hợp với chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn các hoạt động buôn bán, tiếp thị các sản phẩm rượu, bia.
5. Tổ chức thực hiện
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm đưa nội dung phòng, chống tác hại của rượu, bia vào kế hoạch hoạt động hàng năm của cơ quan, đơn vị mình.
Công đoàn GTVT Việt Nam, Đoàn Thanh niên GTVT tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng rượu, bia và quy định của Chỉ thị này.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm đưa quy định về cấm sử dụng rượu, bia nêu tại Mục 2 của Chỉ thị này vào nội quy, quy chế tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua khen thưởng của cơ quan, đơn vị và tổ chức tuyên truyền, đôn đốc, giám sát việc thực hiện./