Sáng 13/4, Bộ trưởng Đinh la Thăng đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2015 và tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Cùng dự có Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, đại diện lãnh đạo các Vụ tham mưu, Cục Hàng hải Việt Nam, đại diện Vụ Quản lý và đổi mới doanh nghiệp - Văn phòng Chính phủ, Công ty Mua bán nợ (DATC)...
Tổng giám đốc Vinalines Lê Anh Sơn báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2015 và tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Tại cuộc họp, thay mặt Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Anh Sơn đã báo cáo Bộ trưởng và các đại biểu tham dự cuộc họp kết quả kinh doanh quý 1/2015 và tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng như kế hoạch thực hiện trong quý 2 của Tổng công ty. Theo đó, quý 1/2015, sản lượng vận tải biển của Vinalines đạt 6,9 triệu tấn và 23,4 tỷ TKm, bằng 26% kế hoạch năm và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2014, sản lượng khai thác cảng đạt 19,8 triệu tấn, bằng 24% so với kế hoạch năm và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, thị trường tàu hàng khô chỉ quanh mức dưới 600 điểm. Mặc dù giá dầu vẫn ở mức thấp nhưng giá cước vẫn chưa có chiều hướng hồi phục. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng cầu hàng hóa trên thị trường quá yếu so với lượng cung dư thừa của tàu. Các tàu hàng rời tại thời điểm hiện tại có mức thu không đủ bù đắp chi phí khai thác. Bên cạnh đó, thị trường vận tải container cải thiện khi sản lượng chiều TP. Hổ Chí Minh ra Hải Phòng tốt hơn. Đặc biệt từ tuần thứ 2 của tháng 3, mặt hàng nông sản vận chuyển tăng làm sản lượng vận chuyển hàng hóa trên tuyến tăng trưởng tốt. Đối với chiều Hải Phòng - TP.HCM, thời tiết mưa nhiều đã ảnh hưởng đến việc đóng hàng đối với các mặt hàng như than, đá vôi, bột đá.... Ngoài ra, Tổng công ty đã triển khai một số hoạt động dịch vụ hàng hải như: Tìm kiếm cơ hội với các đối tác (Vicem, Vinacafe, Vissai Ninh Bình, Holcim...) để hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh trong khối dịch vụ logistics của Tổng công ty; Xây dựng trung tâm điều hành chuỗi dịch vụ door to door và dịch vụ vận chuyển cho các khu công nghiệp như Formosa (Hà Tĩnh), Nghi Sơn (Thanh Hóa)...; Hợp tác khai thác dịch vụ vận tải với cảng Phnompenh (Campuchia)...; Nghiên cứu đẩy mạnh gom hàng cho hoạt động vận tải ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với Campuchia. Kết quả, tổng doanh thu quý 1/2015 của Tổng công ty đạt 3.965 tỷ đồng, bằng 21% kế hoạch năm và bằng 90% thực hiện cùng kỳ năm 2014.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo cũng đã chỉ ra những khó khăn tác động trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty như: giá cước vận tải và cho thuê tàu giảm trên cả 03 thị trường tàu hàng khô, tàu container và tàu dầu từ cuối năm 2008 đến nay; đặc biệt đối với đội tàu hàng khô, giá cước giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm trở lại đây (chỉ số BDI đạt 509 điểm vào cuối tháng 2/2015). Trong khi đó, đội tàu hàng khô chiếm trên 80% tổng trọng tải đội tàu Tổng công ty. Ngoài ra, kết quả cơ cấu nợ của các công ty vận tải biển chưa đạt như kỳ vọng dẫn đến thiếu hụt dòng tiền. Do đó, các công ty vận tải biển phải áp dụng phương thức cho thuê tàu định hạn để duy trì hoạt động dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro bắt giữ tàu do phát sinh tranh chấp với bên thứ ba. Đối với hoạt động khai thác cảng biển, báo cáo cho biết, các cảng khu vực phía Bắc phải chịu sức ép cạnh tranh lớn với các cảng container mới được đưa vào khai thác. Hơn nữa, khu vực Hải Phòng luồng ra vào cảng liên tục bị sa bồi, ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn và mớn nước sâu vào cảng, tình hình kết nối giao thông sau cảng chưa được cải thiện, hay xảy ra tắc nghẽn khiến lưu thông hàng hóa bị cản trở, tốc độ giải phóng tàu bị chậm. Các cảng khu vực phía Nam, hiện tại Cảng Sài Gòn vẫn đang trong quá trình di dời nên sản lượng hàng hóa không có biến động lớn. Nhóm cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải thuộc Tổng công ty mặc dù có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn tồn tại mất cân bằng giữa cung và cầu về dịch vụ cảng biển, nguồn hàng vẫn tập trung chủ yếu tại các cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh.
Về công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp, báo cáo cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2015, Tổng công ty đã tập trung trong việc xây dựng phương án cổ phần hóa, trình Ban Chỉ đạo cổ phần hóa thẩm định và thống nhất trình Bộ Giao thông vận tải. Bên cạnh đó, Tổng công ty hiện đang thực hiện công tác truyền thông, quảng bá thông tin, hình ảnh nhằm thu hút các nhà đầu tư quan tâm, phục vụ việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược và bán đấu giá cổ phần (IPO) trong thời gian tới. Đối với các đơn vị thành viên, trong 3 tháng đầu năm 2015, Tổng công ty tiếp tục thực hiện công tác cổ phần hóa đối với 05 doanh nghiệp triển khai từ năm 2014, cụ thể đã có 02 doanh nghiệp hoàn thành đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần, 01 doanh nghiệp thực hiện bán đấu giá cổ phần IPO và hiện đang chuẩn bị các thủ tục tổ chức Đại hội cổ đông thành lập công ty cổ phần, 01 doanh nghiệp đang thực hiện bán thỏa thuận tiếp số cổ phần chưa bán hết trong đợt chào bán đấu giá IPO, 01 doanh nghiệp đang chờ xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đối với việc xây dựng cơ cấu vốn điều lệ để hoàn thiện phương án cổ phần hóa, trình Hội đồng thành viên Tổng công ty phê duyệt. Ngoài ra, Tổng công ty cũng đang tiếp tục thực hiện công tác giải thể, chấm dứt hoạt động đối với 03 doanh nghiệp, có văn bản yêu cầu 03 doanh nghiệp nộp đơn yêu cầu mở thù tục phá sản doanh nghiệp.
Về kế hoạch thực hiện quý 2, ông Lê Anh Sơn cho biết, Tổng công ty sẽ phấn đấu để sản lượng vận tải biển quý 2 đạt 7 triệu tấn, dự kiến 6 tháng đầu năm 2015 đạt 13,9 triệu tấn, bằng 52% so với kế hoạch, tăng 2% so với thực hiện cùng kỳ năm 2014; Sản lượng hàng thông qua cảng quý 2 đạt 21 triệu tấn, dự kiến 6 tháng đầu năm 2015 đạt 41 triệu tấn, bằng 50% so với kế hoạch, tăng 7% so với thực hiện cùng kỳ năm 2014; Doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng, dự kiến 6 tháng đầu năm 2015 đạt 8.464 tỷ đồng, bằng 46% so với kế hoạch, bằng 91% so với thực hiện cùng kỳ năm 2014. Tổng công ty cũng có kế hoạch thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu đối với Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vào cuối quý 2/2015, cũng như chuẩn bị công tác chuyển Công ty mẹ sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Tiếp tục thực hiện công tác cổ phần hóa đối với đơn vị thành viên, thực hiện tái cơ cấu nợ và thoái vốn tại các đơn vị thành viên.
Không đồng ý với các giải pháp mà Vinalines đề ra cho thực hiện nhiệm vụ quý 2/2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, các giải pháp này chưa cụ thể, quá chung chung có thể áp dụng cho quý nào, năm nào cũng được. Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự cuộc họp đóng góp ý kiến cho bản báo cáo của Vinalines và đưa ra các giải pháp cụ thể để Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thực hiện trong quý 2/2015 như kế hoạch đã đặt ra.
Tại cuộc họp, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ QLDN cho rằng bên cạnh sự phát triển khá ấn tượng của Tổng công ty trong quý 1/2015, Vinalines cần phải tiếp tục thực hiện đúng kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp cũng như có ccacs giải pháp cụ thể trong giải quyết xử lý các công việc liên quan đến đội tàu, các cảng biển làm ăn thua lỗ, các cảng biển liên doanh...
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, phát biểu tại cuộc họp cũng cho rằng các đầu việc của Vinalines hiện nay là rất rõ ràng và Vinalines phải tập trung thực hiện. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc gì, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phải báo cáo Bộ và các cơ quan liên quan để xử lý và tháo gỡ.
Sau khi nghe các ý kiến của lãnh đạo SBIC, lãnh đạo DATC liên quan đến công tác tái cơ cấu Vinalines, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã biểu dương các nỗ lực của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ quý 1/2015. Bộ trưởng cho rằng, kết quả này có được là nhờ sự giúp đỡ chỉ đạo có hiệu quả của Chính phủ và các Bộ, ngành, bên cạnh sự nỗ lực của Vinalines. Công tác tái cơ cấu và chuẩn bị cho cổ phần hóa được thực hiện hết sức tích cực có sự quyết tâm và phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên ban lãnh đạo Tổng công ty. Bộ trưởng yêu cầu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phải tiếp tục quyết liệt trong công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp, thoái vốn tại các đơn vị. Tập trung rà soát lại hoạt động sản xuất kinh doanh tại khối vận tải biển. Giao kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể cho các cảng biển làm sao phải nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tiếp tục đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, đổi mới hoạt động tại các cảng biển, học tập mô hình của Tân Cảng. Bộ trưởng nêu câu hỏi, tại sao Tân Cảng lại hoạt động tốt như vậy mà các cảng biển của mình lại không hoạt động được như vậy, kể cả cảng Hải Phòng? Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng phải tiếp tục tìm kiếm, phát triển thị trường. Tập trung đầu tư vào khâu bốc xếp tại các cảng biển, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ.
Về công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp, Bộ trưởng yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tiếp tục chỉ đạo theo lộ trình. Bộ trưởng cũng yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trực tiếp làm việc với DATC, Vụ Quản lý đổi mới doanh nghiệp - Văn phòng Chính phủ, SBIC, Vinalines để giải quyết các vấn đề còn liên quan. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng phải làm việc trực tiếp với các ngân hàng về tình hình thực tế của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Bộ trưởng cũng đề nghị Công ty Mua bán nợ tiếp tục giúp đỡ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trong thời gian tới trước khi Tổng công ty tiến hành IPO.
DT