Để đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải hàng không khi Cảng hàng không (CHK) quốc tế Tân Sơn Nhất quá tải, việc đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành là cần thiết.
Phối cảnh Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành
Thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm
Việt Nam được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) nhận định sẽ là nước đứng thứ ba trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, một trong những khu vực phát triển nhanh, năng động trên thế giới; đang quản lý điều hành hai vùng thông báo bay (FIR) Hà Nội và HCM với 4/25 đường hàng không nhộn nhịp bậc nhất thế giới; là quốc gia có nền chính trị ổn định; tốc độ tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu cao; tiềm năng du lịch lớn; hệ thống đường bay quốc tế, nội địa rộng lớn, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh trong việc phát triển một trung tâm trung chuyển hàng không. Như vậy, việc sớm hình thành một CHK quốc tế của Việt Nam, đóng vai trò trung tâm trung chuyển hàng không trong khu vực là một nhu cầu thực tế và mang tính chiến lược phát triển.
Dự án CHK quốc tế Long Thành sau khi được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác sẽ mang lại những lợi ích to lớn, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước. Trong đó, sẽ thúc đẩy quá trình CNH - HĐH cả nước nói chung, khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Dự án hoàn thành cũng góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Đồng Nai nói riêng và của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, nâng cao tỷ trọng dịch vụ trong khu vực. Khi có CHK quốc tế Long Thành sẽ góp phần hình thành khu vực công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tập trung lao động có tay nghề cao, góp phần tái cơ cấu lực lượng lao động, nâng cao trình độ kỹ thuật của nền kinh tế.
Những lợi ích về kinh tế
Theo tính toán sơ bộ, đầu tư CHK quốc tế Long Thành sẽ tạo việc làm cho khoảng 200 nghìn lao động. Thực hiện đầu tư CHK quốc tế Long Thành thông qua huy động các thành phần kinh tế khác nhau là thực hiện chủ trương huy động mọi nguồn lực trong tiến trình CNH- HĐH đất nước.
Để xem xét về sự cần thiết đầu tư dự án, một trong những chỉ tiêu quan trọng trong nghiên cứu là đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án dựa trên các chi phí và lợi ích kinh tế của dự án.
Với CHK quốc tế Long Thành, hiệu quả kinh tế của dự án được tính toán dựa trên các chi phí và lợi ích kinh tế cơ bản. Cụ thể, các chi phí đưa vào tính toán là chi phí xây dựng, chi phí khai thác và bảo trì, các chi phí đi lại gia tăng liên quan đến vị trí xây dựng CHK quốc tế Long Thành mới so với sử dụng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất hiện tại.
Về lợi ích kinh tế đưa vào tính toán, chỉ đưa vào tính toán các lợi ích kinh tế có thể lượng hóa được, bao gồm doanh thu của CHK tăng thêm và gia tăng chi tiêu của du khách nước ngoài; những lợi ích từ công ăn việc làm tăng thêm do phát triển du lịch và việc làm tại CHK cũng nằm trong các lợi ích này. Trong trường hợp không có CHK quốc tế Long Thành thì sẽ không thu được các lợi ích kinh tế nêu trên.
Từ những phân tích lợi ích, chi phí kinh tế trên, kết quả tính toán tỷ suất hoàn vốn nội tại về kinh tế (EIRR) giai đoạn 1 của dự án là 24,5%. Ngoài ra, việc thực hiện dự án còn đem lại các lợi ích kinh tế không thể lượng hóa nên không đưa vào tính toán, như: Giảm ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất làm giảm chi phí xã hội; Góp phần thúc đẩy, phát triển ngành du lịch; Thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng tích lũy công nghiệp; Góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Đông Nam bộ - đồng bằng sông Cửu Long và cả nước...
Bên cạnh đó, việc đầu tư CHK quốc tế Long Thành cũng là thực hiện chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp ở nước ta theo hướng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ có lợi thế cạnh tranh, tạo nhiều sản phẩm dịch vụ xuất khẩu. Phát triển CHK quốc tế Long Thành góp phần giảm áp lực ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, tiết kiệm chi phí xã hội, chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường hàng không; không phải di dời 140 nghìn hộ dân xung quanh CHK quốc tế Tân Sơn Nhất để mở rộng công suất (mà thực chất điều này là không khả thi); góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước...
Vì vậy, việc sớm đầu tư CHK quốc tế Long Thành là chủ trương đúng đắn, cần sớm triển khai thực hiện, đúng như Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.